(ĐT) – Cuối năm là thời điểm hoạt động chuyển tiền và nhận kiều hối diễn ra mạnh mẽ. Ở nước ta, chuyển tiền ngầm chiếm thị phần khá lớn và đang cạnh tranh gay gắt với khối ngân hàng.
Mùa làm ăn của hoạt động chuyển tiền “ngầm”
Kiều hối đang tiếp tục đổ mạnh vào nước ta. Tại TP.HCM, lượng kiều hối 11 tháng ước đạt trên 6 tỷ USD. Tính cả năm nay, lượng kiều hối của cả nước dự báo vượt quá con số 12 tỷ USD.
Để thu hút kiều hối, cứ vào dịp cuối năm, các ngân hàng lại đồng loạt tung ra những chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Tuy nhiên, cạnh tranh giành thị phần của các ngân hàng với các đường dây chuyển tiền ngầm hết sức vất vả.
Cạnh tranh giành thị phần của các ngân hàng với các đường dây chuyển tiền ngầm hết sức vất vả (arnh minh họa) |
Anh Trần Văn Toàn, một lao động quê Nghi Lộc (Nghệ An), hiện làm việc tại Hàn Quốc cho hay: “Hồi mới sang lao động tại Hàn Quốc, tôi phải đi 40 km mới tìm được ngân hàng để chuyển tiền và phí rất đắt (chuyển 2.000 USD về Việt Nam mất hơn 100 USD tiền phí). Sau đó, tôi chỉ chuyển tiền qua các đường dây ngầm. Khi có nhu cầu, tôi chỉ thông báo số tiền cần gửi, ở Việt Nam sẽ có người mang đến tận nhà cho gia đình. Khi gia đình báo tin sang, tôi mới thanh toán cho bên chuyển tiền với mức phí rẻ hơn hoặc tương tự ngân hàng mà không mất nhiều thời gian”.
Không chỉ ở Hàn Quốc, mà tại nhiều quốc gia, các đường dây chuyển kiều hối về Việt Nam với cách thức tương tự cũng hoạt động mạnh mẽ. Các đường dây chuyển tiền này có chân rết rộng khắp tại các tỉnh có nhiều người đi xuất khẩu lao động và hoạt động khá chuyên nghiệp.
Còn tại Hà Nội và TP.HCM, đường dây chuyển tiền ngầm chủ yếu “trá hình” trong các tiệm vàng, quầy thu đổi ngoại tệ. Theo một nhân viên cửa hàng vàng bạc nổi tiếng trên phố Hà Trung (Hà Nội), cửa hàng này hiện có đầu mối chuyển tiền tới gần 200 nước trên thế giới với mức phí chỉ bằng 1/3 so với các ngân hàng và đại lý chuyển tiền. Nếu chuyển từ 10.000 USD trở lên thì hầu như là miễn phí.
Theo lý giải của các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, hiện có rất nhiều người Việt Nam muốn chuyển tiền ra nước ngoài, nhưng bị kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó, kiều bào ở nước ngoài có nhu cầu chuyển tiền về nước cũng bị ngân hàng ở các nước đó “chặt” phí đắt đỏ không kém. Nắm bắt nhu cầu hai phía, các đường dây chuyển tiền ngầm đứng ở giữa “ăn” hai mang mà không cần thực hiện hoạt động chuyển tiền ra ngoài biên giới. Đây là lý do phí chuyển tiền ngầm thường rẻ, thậm chí là miễn phí.
Né phí, tiện lợi, không phải chứng minh, đơn giản về thủ tục… là lý do khiến rất nhiều sinh viên, người bán hàng xách tay… cũng tham gia hoạt động chuyển tiền ngầm. Trên các mạng xã hội, không khó để tìm thấy những lời rao chuyển tiền về Việt Nam miễn phí hay chuyển tiền sang các nước miễn phí hoặc chỉ thu với mức phí rất thấp.
Phí cao, ngân hàng mất dần thị phần
Ông Phan Đình Thông, Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Yên Thành (Nghệ An) – huyện có trên 10.000 người dân đang sống và làm việc tại nước ngoài cho hay: “Có hàng chục tổ chức và cá nhân trên địa bàn tham gia làm dịch vụ chi trả kiều hối, khiến mức độ cạnh tranh về dịch vụ chi trả kiều hối trên địa bàn ngày càng gay gắt. ‘Miếng bánh kiều hối’ có hạn lại bị chia sẻ và cạnh tranh, nên việc giữ được khách hàng, tăng doanh số là nhiệm vụ khó khăn”.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng TMCP lớn chia sẻ: “Phí gửi tiền cao là do nước gửi tính phí, còn ngân hàng chúng tôi không tính phí nhận kiều hối, mà chỉ tính phí nhận tiền mặt. Chúng tôi cũng đã nhiều lần thương lượng với các tổ chức chuyển tiền quốc tế để giảm phí, nhưng mức giảm không đáng kể”.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư về mức phí chuyển tiền của Western Union quá cao, bà Patricia Z.Riingen, Phó chủ tịch cấp cao khu vực ASEAN và châu Đại Dương (Công ty Western Union) thừa nhận, phí chuyển tiền của Western Union cao hơn kênh phí chính thức vì phải duy trì các chương trình tuân thủ đi kèm, đảm bảo an toàn cho đồng tiền. Bên cạnh đó, các tổ chức chuyển tiền còn phải chia sẻ phí với các đại lý.
Theo một thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra cuối năm ngoái, có tới 25% kiều hối về Việt Nam được chuyển qua kênh phi chính thức. Nhiều chuyên gia dự báo, thị phần chuyển tiền ngầm có thể tiếp tục tăng lên trong tương lai.
Với tư cách một người tiêu dùng, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, nhiều người dân vẫn chọn kênh chuyển tiền “chui” này để giao dịch vì thủ tục đơn giản, nhanh gọn, tỷ giá cao. Tuy vậy, ông Trương Thanh Đức cũng khuyến cáo, chuyển tiền ngầm luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro do chủ yếu dựa vào niềm tin.[1] Do đó, để khuyến khích người dân sử dụng kênh chính thức, các tổ chức chuyển tiền quốc tế và ngân hàng trong nước cũng cần bắt tay nhau giảm hơn nữa mức phí chuyển tiền, đồng thời quy đổi cho người dân theo tỷ giá hợp lý hơn.
Hiện không chỉ ở Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới cũng đang đau đầu với chuyển tiền ngầm. Tại Trung Quốc, mỗi năm, các ngân hàng ngầm đã chuyển khoảng 125 tỷ USD ra nước ngoài.
Hà Tâm
———————————————
Đầu tư (Ngân hàng) 10-12-2015:
http://baodautu.vn/chuyen-tien-chui-lam-kho-ngan-hang-d36712.html
(73/1.097)
[1] Lôi bài đúng 1 năm trước ra chép lại.