(CAĐN) – “Lãi suất vay tiêu dùng ở 0%, không có nghĩa là khách hàng không phải trả một đồng nào khi vay”. Nhấn mạnh điều này, giới chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, mức lãi suất 0% mà các công ty tài chính đưa ra chỉ phần nào hỗ trợ khách hàng về lãi suất, còn các khoản phí khác (phí duy trì, vận hành bộ máy, phí trả trước hạn, phí phạt chậm trả lãi…) thì đương nhiên người tiêu dùng vẫn phải chi trả như thông thường.
Theo phân tích của giới chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, với mức lãi suất vay tiêu dùng chỉ 0%, thông thường chúng ta sẽ nghĩ ngay đó là “chiêu bài” mà các nhà sản xuất, nhà phân phối tung ra để thu hút sự chú ý của người vay mua hàng trả góp. Tuy nhiên, sự thực ít ai biết rằng, để có mức lãi suất ưu đãi đến khó ngờ này, nhiều nhà sản xuất và nhà phân phối đã phải chia sẻ lợi nhuận cho các công ty tài chính.
Và như vậy, với những sản phẩm lãi suất 0%, khách hàng sẽ được công ty tài chính hỗ trợ về lãi suất, nghĩa là người tiêu dùng sẽ được vay với lãi suất thấp, thậm chí là không phải chi trả một đồng lãi suất nào. Tuy nhiên, mức lãi suất 0% mà các công ty tài chính đưa ra chỉ phần nào hỗ trợ khách hàng về mặt lãi suất, còn với các khoản phí khác (phí duy trì, vận hành bộ máy, phí trả trước hạn, phí phạt chậm trả lãi…) thì đương nhiên người tiêu dùng sẽ vẫn phải chi trả như thông thường.
Hướng dẫn khách hàng vay tiêu dùng với lãi suất 0%. Ảnh minh họa |
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho rằng, việc đưa ra lãi suất hấp dẫn để “câu khách” là một trong những câu chuyện mà các tổ chức tài chính cũng như doanh nghiệp sử dụng trong quá trình triển khai chiến lược kinh doanh của mình, chính vì vậy, trách các tổ chức tài chính một phần song bản thân người đi vay cũng phải làm tròn nghĩa vụ của mình.
Bởi trong thực tế, do sự nhẹ dạ cả tin và thiếu hiểu biết của người vay vốn; quá vội vã để được giải ngân mà nhắm mắt ký liều hợp đồng; không tính toán kín kẽ phương án trả nợ cũng như tìm hiểu kỹ về lãi suất phạt khi thanh toán gốc và lãi chậm cũng như khi muốn tất toán hợp đồng sớm… đã dẫn đến không ít trường hợp “lôi nhau ra tòa” liên quan đến vay tiêu dùng trong thời gian gần đây, gây không ít hiểu nhầm về dịch vụ vay tiêu dùng là “tín dụng đen”.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI, hoạt động cho vay hiện nay được chia ra làm hai mảng: tín chấp và thế chấp. Vay vốn có tài sản thế chấp được hưởng lãi suất thấp hơn, trong khi vay không có tài sản đảm bảo lãi suất sẽ cao hơn và được cho là tương xứng với mức độ rủi ro của hình thức cho vay này. Tín dụng tiêu dùng đang ngày càng phát triển mạnh bởi thủ tục đơn giản, không cần tài sản thế chấp. Do vậy, để có thể vay tiêu dùng một cách an toàn và hiệu quả, người vay cần nắm rõ các khoản lãi suất vay cố định để có phương án trả nợ phù hợp, tránh trường hợp vay quá nhiều dẫn đến tình trạng không trả được nợ, bị phạt lãi suất quá hạn.
“Trước khi ký hợp đồng vay vốn, người vay tiêu dùng cần phải tính toán về khả năng thanh toán hàng tháng của mình, cần biết số tiền phải trả sẽ chiếm bao nhiêu trong thu nhập hàng tháng và có thể trả mà vẫn không ảnh hưởng đến khả năng tài chính. Số tiền chi trả hàng tháng không nên vượt quá 40% tổng thu nhập hàng tháng. Một điều người vay tiêu dùng cũng nên lưu tâm nữa đó là, các công ty tài chính sẽ bị thiệt, nếu khách hàng tiến hành tất toán trước hạn, do đó, các công ty tài chính thường đưa ra một con số % phạt cụ thể”, Luật sư Trương Thanh Đức lưu ý.
Tóm lại, lãi suất 0% chưa hẳn là vấn đề mà vấn đề người tiêu dùng cần thiết phải lưu tâm, trước tiên, chính là phải đọc kỹ những điều khoản trong hợp đồng, xem xét phương án trả nợ liệu có đáp ứng được những điều khoản đặt ra, tiếp đó mới tính tới vấn đề lãi suất ở mức nào thì người vay sẽ có lợi?
Thái Hằng
————————————————————
Công an Đà Nẵng (Thị trường) 17-12-2015:
http://www.cadn.com.vn/news/96_141847_la-i-sua-t-vay-tieu-du-ng-0-co-pha-i-la-chieu.aspx
(270/861)