844. Tín dụng tiêu dùng: Cần theo quy luật “cung cầu”

(GĐVN) – Một trong những vấn đề lớn nhất của hoạt động cho vay tiêu dùng hiện nay chính là hành lang pháp lý để hoạt động kinh doanh này có thể tồn tại và phát triển xứng tầm với vai trò của nó trong xã hội.

Thị trường đầy tiềm năng

Các báo cáo khảo sát cho thấy, thị trường cho vay tiêu dùng (CVTD) Việt Nam hiện đạt dư nợ khoảng hơn 200 nghìn tỷ (khoảng 10 tỷ USD; có mức tăng trưởng khoảng 12%/năm và có khoảng 16 triệu người là khách hàng tiềm năng).

Theo đặc thù, các NHTM thường tập trung vào nhóm khách hàng đạt chuẩn cấp tín dụng (có thu nhập thường niên từ khá trở lên, có điểm tín dụng cao, có lịch sử tín dụng tốt) và cung cấp các khoản vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo, gói vay lớn (chủ yếu là các khoản cho vay mua nhà, xây mới hoặc sửa chữa nhà ở, mua ô tô; chi tiêu qua thẻ…). Đây cũng là dư địa chiếm hầu như toàn bộ (trên 90%) dư nợ của CVTD.

Trong khi đó, các công ty tài chính hướng đến nhóm đối tượng dưới chuẩn cấp tín dụng của ngân hàng (người có thu nhập trung bình hoặc thấp, không chứng minh được thu nhập; chưa có lịch sử tín dụng hoặc điểm tín dụng thấp…), và cung cấp các khoản vay nhỏ, không tài sản đảm bảo, phục vụ nhu cầu mua sắm các sản phẩm thiết yếu cho gia đình như hàng điện máy, gia dụng, xe máy và trang thiết bị gia đình, tiền mặt phục vụ nhu cầu như du lịch, cưới hỏi, học tập… với thủ tục hết sức đơn giản, xét duyệt nhanh chóng, có thể giải ngân trong vòng 24h.

Cho vay tiêu dùng đang được khuyến khích và dựa trên quy luật cung – cầu

Lợi ích chính của hoạt động CVTD là: Giúp nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân, đặc biệt là nhóm khách hàng dưới chuẩn; Góp phần gia tăng sự hiểu biết về tài chính cho các nhóm khách hàng mới; Làm giảm cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” và kích cầu tiêu dùng nâng cao đời sống của người dân… Theo các chuyên gia kinh tế, đây là phân khúc cần được chú ý bởi cho đến nay nhóm khách hàng dưới chuẩn hầu như chưa được các NHTM cho vào “tầm ngắm” trong danh mục các đối tượng cung cấp dịch vụ.

Thực tế, hiện cả nước mới chỉ có khoảng 6 công ty tài chính hoạt động trong lĩnh vực này và  thị phần của các công ty này cũng mới chỉ đạt 6% dư nợ toàn khối. Nguyên nhân được chỉ ra là do vẫn còn những “lấn cấn” trong định hướng và những băn khoăn về vấn đề lãi suất cùng sự thiếu kiến thức, thiếu thông tin về loại hình dịch vụ này của người dân.

Cần một hành lang pháp lý để hoạt động

Nói như luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI thì hầu hết các tổ chức tín dụng đều mong muốn phát triển sản phẩm cho vay tiêu dùng đối với cá nhân. Tuy nhiên, do đồng thời quản lý cả những khoản vay của các tổ chức với hạn mức lớn và có tài sản bảo đảm theo phương thức truyền thống nên những quy định của ngân hàng đòi hỏi điều kiện, hồ sơ chặt chẽ, giấy tờ nhiêu khê. Đó cũng chính là lý do để các công ty tài chính ra đời, thực hiện các dịch vụ cho vay tiêu dùng với các thủ tục hết sức đơn giản, dễ dàng, linh hoạt, tách biệt hẳn các hoạt động mang tính truyền thống của các NHTM, đồng thời nhằm từng bước đẩy lùi tín dụng đen trên thị trường.

Tuy nhiên, muốn để tín dụng tiêu dùng phát triển sâu rộng, “phủ sóng” đến tất cả người dân, dần đẩy lùi tín dụng đen, hướng đến phát triển thị trường tài chính lành mạnh, hiệu quả thì điều cần quan tâm là lãi suất thỏa thuận, bởi nó chứa đựng đầy đủ yếu tố thị trường bên trong hai chữ “thỏa thuận” đó.

Theo các chuyên gia, để thị trường CVTD, đặc biệt là phân khúc “của các công ty tài chính” phát triển thì cần hướng loại hình dịch vụ này hoạt động theo quy luật cung cầu. Bởi lẽ, mọi dịch vụ sinh ra đều bắt nguồn từ nhu cầu cuộc sống và sự tồn tại, phát triển của mỗi loại hình đều có lý do riêng. Dịch vụ cho vay tiêu dùng cũng vậy, không phải ngẫu nhiên mà nó đã tồn tại và phát triển trên thế giới từ hàng chục năm nay, cho dù lãi suất luôn cao so với những loại hình tín dụng thông thường. Nếu hạn chế lãi suất CVTD cũng đồng nghĩa là đang nhường “trận địa” cho tín dụng đen phát triển.

Nói như TS.Nguyễn Trí Hiếu, “cần hết sức tránh sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm: lãi suất thỏa thuận giữa người cho vay và đi vay trên cơ sở thương mại và lãi suất áp đặt trong tín dụng đen”. Một khi thả nổi lãi suất, tự khắc thị trường sẽ định hình ra một mức lãi suất thấp nhất, hợp lý nhất, cạnh tranh nhất và không có tổ chức tín dụng nào dám đưa ra một mức lãi suất quá cao, vì như vậy khách hàng sẽ bỏ họ và họ đã tự cắt đi nguồn sống của mình.

Nếu chúng ta cứ “bao biện” là cần bảo vệ người vay bằng những biện pháp hạn chế, ràng buộc tổ chức cho vay, bằng những giải pháp hành chính thì thị trường sẽ không phát triển và người tiêu dùng sẽ mãi là những “đứa trẻ”. Đã đến lúc, chúng ta cần phải để quy luật thị trường tự quyết định sự tồn tại của các loại hình dịch vụ và người dân phải hiểu quyền và trách nhiệm của mình.Và ở “sân chơi” thị trường ấy, nhà nước đóng vai trò là trọng tài giám sát “cuộc chơi”, loại bỏ những đối tượng phạm luật, thiếu “fair play” khi cần thiết.

Nói tóm lại, thị trường mới nào cũng có những bước chập chững. Việc cần làm lúc này là tìm cách nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về CVTD một cách tích cực và đúng đắn hơn; trang bị cho người dân những kiến thức, kỹ năng tham gia thị trường với tư cách của một người tiêu dùng thông thái. Là nỗ lực và tạo điều kiện để hình thành một thị trường minh bạch, cạnh tranh. Đó là cách để chúng ta giúp người dân tiếp cận được với những sản phẩm tối ưu, dịch vụ tốt hơn cũng như với mức giá, mức lãi suất cạnh tranh hơn.

Chính sách, pháp luật kinh doanh nói chung luôn cần biến đổi theo thời gian để phù hợp với thực tiễn cuộc sống và sự phát triển của nền kinh tế. Với các tổ chức tín dụng, rủi ro lớn nhất của dịch vụ cho vay tiêu dùng tín chấp không phải là những vấn đề thuộc về sản phẩm này, mà chính là hành lang pháp lý để hoạt động kinh doanh này có thể tồn tại và phát triển xứng tầm với vai trò của nó trong xã hội.

Được biết, với việc xây dựng những hành lang pháp lý riêng cho hoạt động CVTD và công ty tài chính tiêu dùng Ngân hàng Nhà nước cũng đang định hướng phát triển thị trường này theo hướng  lành mạnh, hiệu quả, nhằm cung cấp các dịch vụ ngân hàng tốt nhất đến đa số người dân. Người tiêu dùng có quyền kỳ vọng thị trường CVTD sẽ minh bạch, rõ ràng hơn khi những chính sách đó sớm được ban hành và đi vào cuộc sống.

Việt Hà

——-

Gia đình Việt Nam (Tài chính) 30-9-2015:

http://www.giadinhvietnam.com/tin-dung-tieu-dung-can-theo-quy-luat-cung-cau-d71942.html

(214/1.386)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,829