(PL) – “Chủ đầu tư công trình ở số 8B Lê Trực là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và họ có trách nhiệm hoạt động theo đúng pháp luật, thực hiện theo các quyết định của cơ quan chức năng nhà nước cho phép chứ cũng không thể quan tâm đến những vấn đề nào khác”, luật sư Trương Thanh Đức khẳng định.
(PLO) – Luật sư Trương Thanh Đức, GIám đốc Công ty Luật ANVI, chia sẻ như vậy với PLVN xung quanh tính pháp lý trong vụ xây dựng cao ốc ở số 8B Lê Trực.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: Tòa nhà cao tầng ở 8B Lê Trực là một công trình lớn, lại nằm ở vị trí đắc địa thì chắc chắn khi được phê duyệt xây dựng nó đã phải qua rất nhiều cấp đánh giá, thẩm định xét duyệt kỹ chứ không thể nào như những công trình nhỏ và ở vị trí khác. Và có thể thấy, để đi vào hoàn thiện đến ngày hôm nay thì chủ đầu tư cũng phải thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm của một đơn vị xây dựng trên địa bàn, chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng quản lý.
Từ đó, không thể nói đến thời điểm hiện tại lại đem ra phê phán công trình phản cảm hay sai trái, bất hợp lý… Xét về luật thì việc chủ đầu tư xây dựng tòa nhà khi có đầy đủ giấy phép xây dựng và các điều kiện khác là hợp pháp, và không có quyền bắt người ta phải thay đổi, phải cắt nóc, hay phá dỡ gì cả nếu như không có vi phạm trong quá trình thực hiện.
Ông Đức phân tích thêm: Nếu như các cơ quan chức năng quản lý của nhà nước thấy rằng công trình này có ảnh hưởng đến thẩm mỹ, an ninh, quốc phòng thì ngay lúc từ lúc đầu, các cơ quan chức năng phải có biện pháp ngăn chặn và không cấp phép xây dựng cho công trình này.
Chủ đầu tư công trình ở số 8B Lê Trực là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và họ có trách nhiệm hoạt động theo đúng pháp luật, thực hiện theo các quyết định của cơ quan chức năng nhà nước cho phép chứ cũng không thể quan tâm đến những vấn đề nào khác.Trường hợp nếu công trình này đã được xây dựng hoàn thành như hiện nay mà các cơ quan chức năng muốn thay đổi, có những biện pháp can thiệp để phá dỡ, cắt tầng… thì phải thỏa thuận với chủ đẩu tư. Phải khẳng định vụ việc này đơn thuần là thỏa thuận dân sự với chủ đầu tư. Trường hợp chủ đầu tư đồng ý với phương án thỏa thuận thì mới được tiến hành xử lý. Trong quá trình tiến hành xử lý có thiệt gại gì thì phải đền bù cho chủ đầu tư thỏa đáng về trách nhiệm kinh tế, xã hội… thậm chí phải đền bù cho chủ đầu tư hơn giá trị mà những gì chủ đầu tư phải bỏ ra.
“Và khi doanh nghiệp này làm đúng luật thì luật pháp phải bảo vệ họ. Còn trong quá trình thực hiện, nếu như chủ đầu tư có những sai phạm thì các cơ quan giám sát, các đơn vị chức năng phải thanh kiểm tra và xử phạt theo đúng luật xây dựng những vi phạm phát sinh đó. Còn nếu như cứ cố tình gán ghép câu chuyện xây dựng vào những việc khác thì rất khó cho chủ đầu tư.” LS Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Toà nhà 8B Lê Trực đang được hoàn công |
Vẫn theo phân tích của vị luật sư này thì: “Bây giờ, thực hiện quản lý nhà nước và xã hội bằng pháp luật, những việc xây dựng hoặc cấp phép, quy hoạch có nhiều luật lệ và quy định hết sức rõ ràng, từ xưa đến nay rồi chứ không phải là những vấn đề cẩm tính về văn hóa, như là biểu diễn văn nghệ mà bảo bài này hay bài kia dở nữa. Nên không thể nào áp dụng cảm tính của mọi người hay dư luận xã hội vào để áp đặt xử lý, phê phán, đánh giá hay yêu cầu xử lý người ta. Các cơ quan chức năng, các cơ quan quản lý cũng phải dựa vào luật và áp dụng luật để có hướng xử lý sự việc”.
Theo quan điểm của luật sư Trương Thanh Đức: Nếu như các cơ quan chức năng xét thấy như thế không hợp lý cần phải điều chỉnh thì phải được sự đồng ý của chủ đầu tư trên cơ sở phải thỏa thuận dân sự. Nhất là trường hợp này không còn đơn thuần là sự thỏa thuận giữa các cơ quan chức năng với chủ đầu tư nữa mà còn là việc những người dân đã mua nhà ở công trình này một các hợp phá thì quyền lợi của người ta cũng phải được đảm bảo xứng đáng và làm sao tất cả các người dân người ta chấp hành pháp luật thấy rằng, mình sẵn sàng làm đúng pháp luật, thậm chí phải chi phí phải khó khăn nhưng khi xảy ra bất cứ một việc gì thì cũng được pháp luật bảo vệ, nhà nước bảo vệ, quyền lợi của người ta không bị ảnh hưởng chứ không thể quy cho xử lý việc này như các vụ việc cưỡng chế, hay giải tỏa khác được.
Trong trường hợp các cơ quan, cá nhân, tổ chức nào cấp phép, phê duyệt, hoặc làm sai thì các cá nhân, cơ quan, tổ chức đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và nhà nước.
Tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ chiều qua (1/10), Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết đã nhận được báo cáo của Hà Nội về Dự án 8B Lê Trực, tuy nhiên do họp Chính phủ nên Thủ tướng chưa xem xét. Ông Nguyễn Văn Nên cũng cho biết, do chủ đầu tư có phản ứng với kết luận của TP theo hướng khẳng định tính hợp lý và hợp pháp của việc triển khai Dự án, đặt ra tình huống cần phải xem xét cẩn trọng. “Chính phủ sẽ xem xét vấn đề này và nếu cần thiết Thủ tướng sẽ lập đoàn thanh tra làm rõ trước khi có chủ trương xử lý, quan điểm xử lý là nghiêm minh” – ông Nên nhấn mạnh. Trước câu hỏi Vị trí tòa nhà số 8B Lê Trực có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói: “Chúng tôi chưa nhận báo cáo nói vấn đề này nhưng thông tin trên mạng nói chủ đầu tư thực hiện đầy đủ thủ tục, trong đó có ý kiến của Bộ Quốc phòng. Bộ Quốc phòng cũng nói cho ý kiến về độ cao tĩnh không chứ không phải cấp phép về độ cao như chủ đầu tư làm. Đến giờ này chúng tôi cũng chưa nhận được thông tin chính thức về việc này”.
Bá Ước (ghi)
——-
Pháp luật Việt Nam (Bất động sản) 01-10-2015:
http://baophapluat.vn/bat-dong-san/vu-toa-nha-8b-le-truc-khong-the-cam-tinh-231317.html
(1.258/1.258)