(ĐBND) – Ngày 18.12, tại Hà Nội, Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp tổ chức Tọa đàm Một số nội dung mới của Bộ luật Dân sự (sửa đổi) liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Bình luận nội dung về hợp đồng vô hiệu được ghi nhận tại Điều 407, Bộ luật Dân sự năm 2015, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Luật sư Trương Thanh Đức nhận định, nội dung này trùng với Điều 410 về Hợp đồng dân sự vô hiệu đã được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2005. Chính vì vậy, cũng giống như Điều 410, Bộ luật Dân sự năm 2005, rủi ro lớn nhất đối với Điều 407, Bộ luật Dân sự năm 2015 là quy định “sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên thỏa thuận hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính”. Trong khi đó, theo quy định tại Khoản 4, Điều 402, Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính”. Nên đối với câu hỏi liệu khi nào hợp đồng phụ là một phần có thể hay không thể tách rời của hợp đồng chính là vấn đề còn đang vướng mắc.
Do đó, để giải quyết các vụ việc liên quan đến hợp đồng vô hiệu, không chỉ nên quan tâm đến sự vô hiệu của hợp đồng chính, còn cả hợp đồng phụ cũng bị chấm dứt theo (trừ các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự hoặc khi có thỏa thuận khác). Ngược lại, nếu là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính, hợp đồng phụ mà bị vô hiệu thì cũng làm chất dứt hợp đồng chính.
BẠCH DƯƠNG
———————————————————–
Đại biểu nhân dân (Pháp luật) 18-12-2015:
http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=81&NewsId=364263
(272/348)