(KD&PL) – Vụ việc “con ruồi trong chai nước” của Tân Hiệp Phát trong thời gian qua đã và đang thu hút sự quan tâm vô cùng mạnh mẽ của dư luận. Một câu chuyện không phải quá xa vời mà chỉ nằm ngay trong chai nước ngọt hằng ngày người tiêu dùng vẫn sử dụng. Tân Hiệp Phát cho rằng vụ việc lần này khiến “đại gia” ngành đồ uống thất thu đến 2.000 tỉ, nhưng sự thật có phải như vậy?
Toàn cảnh vụ việc
Ngày 3/12/2014, ông Võ Văn Minh (sinh năm 1980), ngụ tại Tiền Giang lấy một sản phẩm Number 1 loại chai nhựa 350ml bán cho khách thì phát hiện một con ruồi trong chai chưa khui nắp. Ngày 5/12 /2014, Võ Văn Minh gọi điện thoại cho công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát đề nghị công ty đưa 1 tỷ đồng, nếu không ông sẽ kiện vụ việc ra Hội bảo vệ người tiêu dùng, đưa thông tin cho báo chí phanh phui và phát tờ rơi để hạ bệ uy tín Công ty. Ngày 6/12/2014, THP cử nhân viên đến làm việc với ông Võ Văn Minh và đề nghị tặng cho ông Minh 1 thùng sản phẩm và xin lại chai nước có ruồi nhưng ông Minh không đồng ý, vẫn nhất quyết đòi 1 tỷ VNĐ. Ngày 16/12/2014, nhân viên THP đến lần 2 để lập biên bản ghi nhận, lúc này ông Minh “ngã giá”, đòi THP đưa 600 triệu đồng để “ẻm” vụ việc. Ngày 20/1/2015, nhân viên Tân Hiệp Phát đến lần 3; lần này ông Minh đề nghị Công ty đưa 500 triệu đồng. Ngày 27/1/2015, 2 bên đồng ý với nhau, nhân viên Tân Hiệp Phát đưa ông Minh 500 triệu và ông Minh giao lại chai nước cho Công ty. Lúc này Công an vào bắt ông Minh và ông này bị khởi tố tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Ngày 13/2/2015, Thanh tra Y tế tỉnh Bình Dương trực tiếp thanh tra dây chuyền sản xuất của Tân Hiệp Phát và đưa ra kết luận ngày hôm sau rằng: “Không phát hiện vi phạm”. Ngày 27/5/2015: Công an gia hạn tạm giam ông Minh; cũng trong ngày này, kết quả giám định cho thấy nắp chai Number 1 có ruồi không còn nguyên. Tháng 9/2015, Công an tỉnh Bình Dương kết luận ông Võ Văn Minh phạm tội cưỡng đoạt tài sản, đề nghị truy tố. Tháng 10/2015, viện KSND tỉnh Tiền Giang ra cáo trạng chuyển hồ sơ sang Tòa, bị cáo Võ Văn Minh với Tội cưỡng đoạt tài sản K.4 điều 135 Bộ luật Hình sự có thể bị lĩnh án 12-20 năm tù. Ngày 17/12/2015, Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ việc diễn ra, Võ Văn Minh (bị tòa tuyên phạt mức án 7 năm tù.
Sản phẩm Number 1 của công ty Tân Hiệp Phát
Sản phẩm Tân Hiệp Phát có vấn đề: Không phải lần đầu
Sự việc ông Võ Văn Minh vừa qua không phải lần đầu tiên đại gia ngành nước giải khát Tân Hiệp Phát dính sự cố liên quan đến chất lượng sản phẩm.
– Cách đây chưa lâu, một kịch bản tương tự cũng xảy ra và Tân Hiệp Phát đã trở thành người bị hại. Tháng 12/2011, tờ Công an TP.HCM đưa tin Công ty Tân Hiệp Phát cũng từng bị khách hàng yêu cầu bồi thường 49 triệu đồng cho 5 chai nước ngọt của công ty do khách cho rằng sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên khi đang nhận tiền của Công ty Tân Hiệp Phát thì Công an tỉnh Đồng Nai và Công an TP Biên Hòa ập vào bắt giữ.
– Tháng 6/2012 Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự – xã hội (C45B) Bộ Công an đã bắt quả tang Nguyễn Quốc Tuấn (ngụ tại Bình Thạnh) đang nhận 50 triệu đồng của Công ty TNHH Tân Hiệp Phát (trụ sở tại Bình Dương) liên quan đến vụ việc chai trà xanh có con gián bên trong.
Không chỉ những vụ việc trên, trong vài năm trở lại đây hàng loạt sản phẩm khác của Tân Hiệp Phát cũng bị tố hỏng, không đảm bảo chất lượng khiến người tiêu dùng lo lắng.
Từ trà Thảo mộc Doctor Thanh…
– Theo phản ánh của hai khách hàng tên Dũng và Viện với VTC News: Đầu tháng 8/2011 khách hàng này đã phát hiện hàng loạt sự cố đối với lô hàng trà thảo mộc Dr Thanh như đóng cặn màu trắng đục, xuất hiện nhiều bọt sủi, và điều đáng nói là có dị vật ở bên trong chai nước, dù rằng không có bất kì chai nước nào đã được khui ra.
Trà Thảo mộc Doctor Thanh
– Cũng liên quan tới sản phẩm Dr Thanh của Công ty Tân Hiệp Phát, theo phản ánh của anh Nguyễn Nhiêu Hưng (SN 1977), trú số 510 đường Núi Thành, Q. Hải Châu, TP.Đà Nẵng, cách đây không lâu, gia đình anh có đến hiệu tạp hóa Thanh Hải (địa chỉ số 492 Núi Thành, TP.Đà Nẵng) mua 2 lốc (loại 6 chai/lốc) trà thảo mộc Dr Thanh (loại 350ml) về sử dụng. Tuy nhiên khi dùng đến chai thứ 10, gia đình anh bất ngờ phát hiện bên trong có đóng váng lợn cợn và nổi bọt trắng đục, mặc dù chưa mở nắp chai.
– Tương tự theo Kiến Thức năm 2012, anh Lê Cao Tánh (ngụ số 54 đường Bùi Thị Xuân, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) gửi đơn đến Hội bảo vệ người tiêu dùng tỉnh yêu cầu xác minh làm rõ chất lạ có trong 2 chai Dr.Thanh 350ml.Trước đó, anh Tánh mua 10 chai loại nước này có hạn sử dụng đến 22/8/2013 tại một tiệm tạp hóa gần nhà. Sau khi các con anh Tánh uống thì có triệu chứng đau bụng đi ngoài, khi kiểm tra thì phát hiện 2 chai Dr.Thanh còn lại chưa khui có chất lạ bên trong màu nâu kết tủa thành cục đặc quánh.
– Đối với những chai Dr. Thanh bị “tố” nhiễm bẩn ở Đà Lạt, đại diện của nhãn hàng Dr. Thanh khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã xác nhận một số chai nước giải khát Dr. Thanh không đảm bảo chất lượng do công ty sản xuất.
– Tháng 12/2012, bà Tất Tố Mai – chủ quán cà phê Hàng Hải (số 70 đường Hạ Long, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng phản ánh nhiều chai Dr.Thanh có tình trạng còn kinh khủng hơn thế. Các chai trà thảo mộc Dr.Thanh được khách hàng phản ánh còn nguyên chưa khui và hạn sử dụng đến tháng 5-6/2013. Tuy nhiên, nước uống trong chai đều có tình trạng chất nhày kết tủa lợn cợn nổi bồng bềnh phía trên cổ chai…
Trước các sự cố, Công ty Tân Hiệp Phát khẳng định sẽ đổi lại sản phẩm bằng sản phẩm khác và khắc phục các lỗi trong quá trình sản xuất.
..cho đến nước ngọt, sữa đậu nành Nuber One cũng bị “tố” chất lượng..
– Tháng 6/2011, ông Phạm Văn Trực (45 tuổi, chủ quán cà phê Thiên Thai ở số 9/134, đường DT 743, khu phố Bình Đức, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, Bình Dương) phản ánh trên Petrotimes về việc phát hiện thêm một số sản phẩm nước giải khát bị hư hỏng của Tân Hiệp Phát mà quán của ông lỡ nhận hàng về.Theo ghi nhận, các chai này đề ngày sản xuất trong năm 2011. Trong 4 chai sữa đậu nành Number 1 Soya bị hỏng cho thấy rõ phần nước uống bị tách ra làm 2 lớp, lớp trên có chất lỏng màu trắng đục, lớp dưới đóng cặn, nổi cục, trông nhờn nhợt. Riêng 2 chai Number One thì có những “chất lạ” lợn cợn bên trong.
Sữa đậu nành
– Tương tự chị Nguyễn Thị Thúy (34 tuổi, trú tại huyện Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu) có gửi đơn khiếu nại đến Văn phòng Khiếu nại của người tiêu dùng phía Nam về việc mua 2 chai sữa đậu nành tự nhiên Number 1 Soya còn hạn sử dụng, đã phát hiện bên trong chai nổi lên cục màu trắng. Chị Thúy báo cho phía Tân Hiệp Phát, công ty này đã công nhận là hàng của công ty và giải thích do sơ suất lỗi kỹ thuật nên xảy ra hiện tượng trên.
Người tiêu dùng nghĩ gì?
Trước đây nhiều hãng nước giải khát của người Việt đã bị rơi vào thiên la địa võng thâu tóm của các Tập đoàn nước ngoài thì hiện nay, chỉ còn Tân Hiệp Phát là thương hiệu Việt duy nhất đứng vững và đủ sức đối chọi với hai ông lớn Pepsi và Cocacola. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, nhiều sản phẩm được cho là có lỗi và do Tân Hiệp Phát sản xuất đang gây lo lắng và bất an; như vụ việc liên quan đến chai nước có ruồi vừa qua đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ và làn sóng phản ứng gay gắt từ dư luận. Rõ ràng, quy mô và thương hiệu trong ngành sản xuất đồ uống cũng không thể đảm bảo để Tân Hiệp Phát trụ vững khi hàng loạt những bê bối liên quan đến chất lượng sản phẩm của “ông lớn” này đang gây ra sự thất vọng và hoang mang tột độ đối với người tiêu dùng.
Chị N.H.Phương (Từ Liêm, HN) lo lắng: “Lâu nay gia đình tôi vẫn hay sử dụng sản phẩm đồ uống như Trà xanh không độ hay Sữa đậu nành Soya cho con, mặc dù chưa trực tiếp gặp trường hợp có côn trùng hay vật thể lạ bên trong nhưng qua những thông tin do báo chí đưa tin về Công ty THP thì vô cùng lo sợ. Giờ đi mua đồ uống hay sữa tôi phải xem kĩ nhãn mác của Công ty nào rồi mới mua, thậm chí soi kĩ từng sản phẩm, kể cả mua trong siêu thị.”
Anh Đ.H.Vinh cũng cho hay:”Mặc dù trước đó mình vẫn hay uống Trà xanh không độ và Number 1 của THP, nhưng từ mấy sự việc liên quan đến chất lượng sản phẩm đồ uống, mình đã ghi lại tất cả những sản phẩm của Công ty này để tránh không mua.”
Bà N.T.K.Dung, kinh doanh tạp hóa tại Hà Nội cũng hoang mang:”Lâu nay cửa hàng chúng tôi liên tục nhập các sản phẩm đồ uống của Tân Hiệp Phát, nhưng từ khi có nhiều sự việc liên quan đến sản phẩm có nhãn hiệu Công ty này, đặc biệt vụ ông Minh vừa qua, chúng tôi cũng rất hoang mang và kiểm tra kĩ càng khi nhập hàng về bán. Lượng người mua đồ uống như Trà xanh, Doctor Thanh, Number 1 cũng giảm hẳn; khách hàng bây giờ soi xét kĩ càng lắm.”
2.000 tỉ hay còn hơn cả thế ?
Theo chia sẻ của luật sư Trương Thanh Đức với Dân trí, đây là “cái giá” mà doanh nghiệp như Tân Hiệp Phát phải trả cho những ứng xử thiếu khôn ngoan của mình. Thậm chí, nếu sau phiên toà phúc thẩm, vị khách hàng kia vẫn bị tuyên án tù nặng thì doanh nghiệp sẽ còn đối mặt với nguy cơ phá sản do bị người tiêu dùng quay lưng.
“Cái sai nhất ở đây do ứng xử kém văn hoá của doanh nghiệp và là thứ không thể tha thứ được. Người tiêu dùng mà cố tình tạo ra mọi tình huống để tống tiền thì có tội nhưng trường hợp này không hẳn là như vậy. Người ta đặt ra vấn đề, doanh nghiệp đồng ý hay không không bị cưỡng ép, phụ thuộc hay bị ảnh hưởng gì nghiêm trọng. Nếu đường đường một doanh nghiệp làm ăn bài bản, uy tín thì chả việc gì phải ngại, đằng này nhiều người cho rằng anh lại bẫy, lại dằn mặt người tiêu dùng”, vị luật sư nói.
Đám cháy đang lan rất rộng, “ông lớn” cũng phải lao đao. Trong lúc này, khi dư luận đang quay cuồng với hàng loạt câu hỏi về vụ việc “con ruồi trong chai nước”, Tòa án lo xét xử, Luật sư lo bào chữa, ông Minh ngậm ngùi nhận án, các Công ty đối thủ có thể đang hả hê, Tân Hiệp Phát lo bảo vệ thương hiệu, uy tín, vậy còn ai sẽ trả lời cho người tiêu dùng câu hỏi rằng: Chúng tôi còn có thể tin tưởng vào đâu, dùng cái gì, khi mà ngay cả những sản phẩm được công nhận là “Thương hiệu quốc gia” còn có thể chứa cả ruồi và gián, đóng gợn và vón cục ?!
Người ta có thể sẽ quên đi việc “con ruồi trong chai nước” là thật hay giả, ông Minh ngồi tù bao nhiêu năm hay Tân Hiệp Phát thất thu bao nhiêu tỉ đồng, nhưng việc liên tiếp những thông tin về chất lượng tai hại của sản phẩm được đưa ra chắc chắn là chuyện người ta sẽ “không thể quên nổi”.
Tân Hiệp Phát có thể vực dậy và kiếm lại 2.000 tỉ đồng đã mất, nhưng còn lòng tin ở người tiêu dùng còn có thể lấy lại được hay không, sẽ còn là câu hỏi vô cùng lớn mà “đại gia” ngành đồ uống này phải đau đầu và cần thời gian để trả lời. Dường như sau những ồn ào về “chai nước ngọt có ruồi” trong suốt năm qua và phiên toàn xét xử tháng 12/2015, những cái giá phải trả là khó có thể đong đếm.
Hà Thu (tổng hợp)
——————————————————————-
Kinh doanh & Pháp luật (Hàng hoá) 21-12-2015:
http://kinhdoanhnet.vn/hang-hoa/tan-hiep-phat-chi-mat-2000-ti_t114c8n25627
(181/2.346)