(XHTT) – Có thể thấy, với người dùng thẻ ATM hiện nay, họ đang phải gánh chịu nhiều bất công từ phía các ngân hàng, trong lúc với nhiều người, phải dùng thẻ là việc chẳng đặng đừng. Và khi đã dùng, họ cứ như “cá nằm trong chậu”, thậm chí “cá nằm trên thớt”, luôn hồi hộp…
“Thập diện mai phục” phí
Theo ước tính, mỗi khách hàng sử dụng thẻ ATM hiện nay phải chịu khoảng 20 – 25 loại phí dịch vụ cơ bản của ngân hàng. Ngoại trừ phí mở tài khoản thường được các ngân hàng miễn để thu hút khách hàng thì hầu hết các dịch vụ khác đã được tính phí, gồm: Phí thường niên, phí SMS banking, internet banking, phí rút tiền, phí chuyển khoản, phí truy vấn số dư, in hóa đơn, phí báo mất thẻ,…
Thẻ ATM ở Việt Nam chủ yếu để rút tiền mặt. |
Một số ngân hàng còn phân loại các nhóm phí, cho nên nếu tính tổng cộng lại, có khi lên trên 30 khoản mà chủ thẻ có thể phải trả khi giao dịch.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng, về bản chất việc ngân hàng thu các loại phí ATM là đúng quy định và đều thể hiện ở hợp đồng.
“Tuy nhiên, cũng không hoàn toàn minh bạch và tự nguyện bởi khi ký hợp đồng, ngân hàng quy định khi thay đổi phí sẽ thông báo bằng văn bản, thông báo trên trang web. Nếu khách hàng không phản hồi gì thì nghĩa là đồng ý, còn không đồng ý thì chỉ còn nước khoá thẻ, chuyển ngân hàng” – Ông Đức nói.
Theo nhiều chuyên gia ngân hàng, việc thu quá nhiều loại phí thẻ ATM hiện nay giống như các ngân hàng đang “bán lúa non”, dù rằng mỗi ngân hàng đều có lý do riêng để thu phí.
Lãi ròng với phí SMS Banking
Chưa tính tới những lợi nhuận khác từ các loại phí thẻ ATM mang lại, chỉ riêng phí SMS Banking đã đủ cho các ngân hàng “lãi to”. Với mức phí SMS Banking tạm tính ở trung bình khoảng 15.000 đồng/tháng – tương ứng với 60 tin nhắn – với giá 250 đồng/SMS của các nhà mạng, hiện hầu hết người dùng thẻ không sử dụng hết 60 SMS này.
Chẳng hạn, với một cán bộ/công chức/công nhân lao động bình thường, mỗi tháng, họ được cơ quan/doanh nghiệp chuyển trả lương vào thẻ ATM từ 1-2 lần, và họ rút ra cũng chỉ khoảng 3-4 lần – nghĩa là dưới 10 SMS. Cá biệt, một người hay rút/chi trả khi mua hàng tại các siêu thị cũng thêm khoảng 5-10 lần nữa thôi, nghĩa là chưa hết 50% số SMS “khoán gọn”.
Theo Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, đến cuối năm 2015, số lượng thẻ ATM trên cả nước đã đạt gần 86 triệu, tăng 30% so với cuối năm 2013.
Với mỗi ngân hàng, cứ mỗi chủ thẻ không dùng hết 20 SMS/thẻ ATM thôi (tương ứng với 5.000 đồng), thì cứ 1 triệu thẻ đã mang về cho ngân hàng ấy 5 tỷ đồng/tháng – chẳng phải làm gì (và vẫn đúng luật), trong khi rất nhiều ngân hàng có số thẻ ATM phát hành hành lên đến cả chục triệu thẻ.
Thẻ lỗi do ngân hàng, nhưng MSB “bỏ rơi” chủ thẻ cả tháng
Đây là câu chuyện thật mà chính người viết đang phải gánh chịu.
Cũng giống như bao người lao động khác, tôi được cơ quan mở thẻ để trả lương qua ngân hàng MaritimeBank (MSB), với số thẻ là 9704 2600 0704 5263 và tài khoản giao dịch số 031 xx xx 212305-1. Tuy nhiên, cơ quan chủ quản (mở thẻ) ở Hà Nội, còn tôi làm việc tại TP.HCM nên nếu vào ngân hàng rút, phải trả phí – mức tối thiểu là 22.000 đồng/lần, tương ứng với số “lương còm” mà người lao động thông thường có được.
Cụ thể, một buổi sáng cuối tháng 11/2015, trong lúc đi làm, ghé vào cây ATM của MSB trên đường Nguyễn Văn Trỗi để rút tiền. Sau 3 lần bấm số, cây đều báo bấm sai và không rút được. Cũng cần mở ngoặc rằng, các phím số ở cây ATM này mờ hết, buộc người dùng phải nhớ vị trí mà bấm. Cho rằng “cây đang có lỗi gì đó”, tôi tiếp tục đi làm và ngày 30/11 – sáng hôm sau hay sau nữa (không nhớ rõ) thử lại, được thông báo rằng, thẻ đã nhập số sai 3 lần, không cho rút tiền.
Ngay sau đó, ghé thử cây ATM của ngân hàng ACB gần cơ quan rút thử thì vẫn được, mọi việc vẫn bình thường. Có điều, cây ATM của MSB cho rút 3.000.000 đồng/lần với mức phí 1.100 đồng; còn cây khác hệ thống chỉ cho rút 2.000.000 đồng/lần với mức phí 3.300 đồng – tức gấp 3 lần mà tiền chỉ được 2/3.
Sau đó, đem sự việc đến chi nhánh MSB trên đường Hoàng Văn Thụ hỏi và nhờ kiểm tra lại thẻ, cô nhân viên bảo thẻ không sao và cho số điện thoại bàn 08.39977932 để có gì tiện liên lạc, trao đổi.
Mấy ngày sau, khi hỏi lại qua điện thoại, tôi được nhân viên này cho biết lý do: Tôi đã rút tiền vào lúc MSB đang nâng cấp hệ thống nên thẻ ATM của tôi đã bị báo lỗi. Nghĩa là, lỗi này do chính ngân hàng MSB chứ không phải chủ thẻ là tôi.
Vì vụ việc, tôi đã tới lui và cả điện thoại thêm mấy lần, nhưng thẻ ATM vẫn không được giải quyết, tiếp tục buộc phải rút tiền từ các cây ATM ngoài hệ thống với mức phí gấp 3. Còn cô nhân viên thì khuyên hãy vào chi nhánh của MSB để rút tiền.
Phải chăng MSB đang cố kéo dài thời gian để buộc người dùng thẻ phải rút tiền từ các chi nhánh với phí 22.000 đồng/lần? Hay, MSB đang coi khách dùng thẻ là “rơm, rác”, bởi khi viết ra những điều này, đã 1 tháng trôi qua, sự vụ vẫn không được giải quyết và MSB không có bất cứ lời xin lỗi nào, duy chỉ có cô nhân viên nơi tôi đến đã lên tiếng xin lỗi khi bị tôi phê bình về vụ việc.
Và nên chăng…
Hiện, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang nỗ lực tìm cách để giảm chi tiêu bằng tiền mặt trong toàn xã hội, trong đó, phổ cập người dân dùng thẻ ATM cũng là việc cần làm, nhưng làm thế nào để hài hòa được cho cả các ngân hàng lẫn người dùng thẻ ATM, đòi hỏi nhiều vấn đề phải minh bạch hơn.
Trước hết, cũng như các nhà mạng viễn thông, nội mạng là bao trùm cả nước, các ngân hàng không thể và không nên phân biệt việc mở thẻ ở tỉnh/TP này, nếu đến địa phương khác rút phải trả phí, bởi toàn hệ thống của mỗi ngân hàng đều là một mạng riêng – mạng nội bộ của một ngân hàng. Sự phân biệt kia là “tận thu”, không sòng phẳng với người dùng dịch vụ ngân hàng hiện nay.
Kế là, phải minh bạch việc tính phí các loại. Chẳng hạn, không thể “khoán gọn” mức phí SMS Banking dựa theo tiêu chí của một đại gia – ngày nào cũng dùng thẻ ATM rút tiền (để tiêu), với đại đa số người dân và người lao động. Tốt nhất, tính đúng, tính đủ phí theo “từng cuộc”, nghĩa là có nhắn tin cho chủ thẻ là thu phí, dù mức phí có thể cao hơn nhà mạng chút ít, nhưng hoàn toàn minh chính.
Và các loại phí khác cũng vậy. Ví như phí rút tiền khác hệ thống không thể gấp mấy lần trong cùng một hệ thống được. Chẳng hạn, gọi điện thoại ra ngoài mạng chỉ cao hơn chút ít chứ chưa bao giờ gấp đôi – đó là điều người dùng thấy đúng, phù hợp.
Cuối cùng, nên chăng, Ngân hàng Nhà nước nên tách mảng thẻ ATM ra khỏi các ngân hàng. Trước mắt sẽ có rất nhiều Công ty/Trung tâm thẻ tương ứng với số ngân hàng hiện hữu, nhưng sau đó sáp nhập chúng lại, chỉ để 2 – 3 đơn vị kinh doanh thẻ ATM để cạnh tranh nhau, giúp giá dịch vụ thẻ ATM giảm xuống, kể cả nâng cấp công nghệ thẻ, còn thẻ của mỗi đơn vị có thể rút/trả tiền trên nhiều kênh (tức ngân hàng) khác nhau.
Mặt khác, vì cạnh tranh lẫn nhau, các công ty thẻ ATM này sẽ “vươn tay” tới các vùng nông thôn, chợ quê, bởi đường truyền cáp quang của các nhà mạng đã kéo tới mọi ngõ nghách, chưa kể dịch vụ 3G và 4G, đồng nghĩa với việc giảm được sử dụng tiền mặt trong toàn xã hội.
Thanh Trà
———————————————————-
Xã hội thông tin (Thị trường) 04-01-2016:
http://xahoithongtin.com.vn/thi-truong/201601/nguoi-dung-the-atm-ca-nam-trong-chau-516754/
(103/1.541)