(ĐT) – Cho vay tiêu dùng là nhu cầu không thể thiếu trong xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Thậm chí, theo dự báo, trong vòng 5 năm tới, dịch vụ này sẽ bùng nổ ở thị trường Việt Nam.
Tìm đến các công ty tài chính tiêu dùng là xu thế mới hiện nay |
Tìm đến các công ty tài chính tiêu dùng là xu thế mới hiện nay. Và thậm chí, theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, phát triển thị trường cho vay tiêu dùng qua các công ty tài chính chuyên cho vay tiêu dùng là giải pháp hữu hiệu để góp phần đẩy lùi tín dụng đen, giảm các tệ nạn trong xã hội.
Theo dự báo của các chuyên gia, trong vòng 5 năm tới, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, dư nợ cho vay tiêu dùng của Việt Nam có thể đạt trên 15% tổng dư nợ, tức là tăng bình quân mỗi năm 20%. Điều này hứa hẹn sự bùng nổ về các sản phẩm, dịch vụ cho vay tiêu dùng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, trên thị trường mới chỉ có 6 công ty chuyên cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng, cộng với một số ngân hàng đã nhanh nhạy “phủ sóng dịch vụ” đến các cửa hàng bán sản phẩm tiêu dùng. Con số này là quá nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu. Không chỉ vậy, hiện tại, dư luận cũng chưa có cái nhìn đúng đắn về dịch vụ tài chính tiêu dùng. Vẫn có nhiều cái nhìn e ngại đối với dịch vụ của các công ty tài chính, do lãi suất cho vay thường cao hơn lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng.
Để giúp bạn đọc có cái nhìn rõ nét hơn về hoạt động của dịch vụ tài chính tiêu dùng, Báo Đầu tư đã trao đổi với các chuyên gia kinh tế về tiềm năng, cơ hội cũng như những ưu, nhược điểm của mô hình này.
Thị trường sẽ rất sôi động.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI
Sự ra đời của tín dụng tiêu dùng đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn cho người dân, đồng thời góp phần ngăn chặn tín dụng đen, kích cầu tiêu dùng, kích thích sản xuất phát triển. Hiện nay, dư nợ tín dụng tiêu dùng so với tổng dư nợ toàn hệ thống mới chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, nên dư địa tăng trưởng còn rất lớn. Trong tương lai, chắc chắn lĩnh vực này sẽ rất sôi động, nhất là khi tới đây, thị trường có thêm nhiều công ty tài chính tiêu dùng trực thuộc các ngân hàng nhập cuộc.
Sở dĩ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính phát triển mạnh, vì thủ tục cho vay rất đơn giản, trong khi thủ tục vay tại các ngân hàng thường rất chặt chẽ. Bên cạnh đó, các công ty tài chính cũng rất linh hoạt trong việc đưa ra các sản phẩm vay.
Tuy mang lại nhiều lợi ích cho người vay, song nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất cho vay tiêu dùng vẫn quá cao. Về vấn đề này, tôi cho rằng, lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính luôn cao hơn lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại vì một loạt lý do như: các công ty tài chính khó huy động vốn và thường phải trả lãi suất huy động cao hơn ngân hàng; khoản vay nhỏ nên chi phí cho vay lớn; cho vay tín chấp là chủ yếu nên tính rủi ro cao…
Ngoài ra, lãi suất cho vay tiêu dùng cao một phần còn do thị trường chưa phát triển mạnh, môi trường kinh doanh của các công ty tài chính quá rủi ro. Nếu sau này, thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển, cạnh tranh hơn thì mặt bằng lãi suất sẽ giảm xuống.
Tín dụng tiêu dùng mang lại rất nhiều lợi ích.
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước)
Cần phải thấy rằng, tín dụng tiêu dùng mang lại rất nhiều lợi ích. Thứ nhất, tín dụng tiêu dùng đã nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân, đặc biệt là những người dân có thu nhập thấp và trung bình – những khách hàng được coi là “dưới chuẩn”, thường bị ngân hàng từ chối cho vay.
Thứ hai, tín dụng tiêu dùng góp phần gia tăng sự hiểu biết về tài chính cho các nhóm khách hàng mới, tầng lớp dân cư ít tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Từ đó, giúp họ quản lý tốt hơn các giao dịch tài chính cá nhân, cũng như tạo nền tảng để họ có thể sẵn sàng sử dụng các dịch vụ tài chính khác bao gồm các dịch vụ ngân hàng truyền thống.
Thứ ba, cho vay tiêu dùng góp phần hạn chế cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”. Bởi rõ ràng, nếu không vay được vốn ở công ty tài chính tiêu dùng, những khách hàng “dưới chuẩn” có thể sẽ phải vay tín dụng đen với lãi suất cao hơn rất nhiều lần so với lãi suất của các công ty tài chính.
Tuy nhiên, cho vay tiêu dùng chưa nhận được cái nhìn khách quan từ người dân và xã hội do lãi suất cho vay tiêu dùng thường cao hơn lãi suất cho vay kinh doanh.
Trên thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước phát triển, lãi vay tiêu dùng tín chấp bao giờ cũng cao hơn lãi suất cho vay thế chấp. Chúng ta không thể so sánh lãi suất của công ty tài chính và ngân hàng thương mại, vì hai bên có cách hoạt động, sản phẩm và đối tượng vay hoàn toàn khác nhau. Ngoài ra, vì cho vay nhỏ lẻ nên chi phí thẩm định, đòi nợ, chi phí quản lý khoản vay… của công ty tài chính cũng cao hơn ngân hàng rất nhiều.
Còn nhiều tiềm năng để phát triển.
Ông Đào Văn Hùng, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia
Tài chính tiêu dùng là một thị trường lớn, với rất nhiều tiềm năng để phát triển, nhất là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang hồi phục, nhu cầu tiêu dùng của người dân đang đẩy mạnh. Trong bối cảnh đó, với 90 triệu dân mà lại chỉ có 6 công ty tài chính tiêu dùng và một số ngân hàng cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng thì chưa đáp ứng được nhu cầu.
Khi nói về việc vì sao thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam chưa phát triển, cần phải nhìn ở cả hai phía cung và cầu. Bản thân các công ty tài chính tiêu dùng quảng bá sản phẩm còn ít, mới chỉ tập trung ở đô thị, hay ven đô, trong khi nông thôn mới là nơi tập trung lớn nhu cầu, mà ở đây số lượng người chưa “đạt chuẩn” vay ngân hàng là rất lớn. Và thực tế là ngay cả những người có trình độ cũng chưa hiểu hết về dịch vụ này.
Cho vay của các công ty tài chính thường có lãi suất cao hơn, khiến người dân e ngại. Nhưng phải hiểu là, không chỉ ở Việt Nam, mà ở tất cả các nước, lãi suất cho vay tiêu dùng đều như vậy. Có nhiều lý do, trong đó có một lý do là hệ thống ngân hàng thường đa dạng hóa sản phẩm, họ cho vay sản phẩm này, nhưng có thể thu lợi từ sản phẩm khác. Cần phải hiểu rõ điều này.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm là, tín dụng tiêu dùng ngoài đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng của người dân, còn có tác dụng khuyến khích sản xuất của doanh nghiệp. Các nhà sản xuất phải bán được hàng thì mới có động lực để tiếp tục đầu tư cho sản xuất – kinh doanh, từ đó kích thích cho tăng trưởng. Phải nhìn tín dụng tiêu dùng trên góc độ như vậy thì chúng ta mới có được chính sách tốt cho dịch vụ này phát triển.
Lãi suất cao là điều dễ hiểu
Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế
Có 4 điểm khác nhau giữa vay ngân hàng và vay công ty tài chính. Đó là vay công ty tài chính thì thủ tục gọn nhẹ, nhanh chóng, đây là lợi thế của công ty tài chính so với ngân hàng. Với ngân hàng thì khách hàng phải đủ chuẩn, được thẩm định kỹ càng. Mạng lưới của các công ty tài chính rất ít, một công ty chỉ có 3-4 chi nhánh, trong khi mạng lưới của các ngân hàng rộng lớn hơn.
Công ty tài chính chỉ cho vay “độc canh”, ngân hàng thì rộng hơn, thậm chí có cả “bán chéo” sản phẩm. Về công nghệ và nhân lực thì rõ ràng ngân hàng có lợi thế hơn. Tuy nhiên, chúng ta không nên trói buộc là chỉ công ty tài chính mới được cho vay tín dụng tiêu dùng, còn ngân hàng thì không, mà phải để cả hai đều được cung cấp dịch vụ này. Tất nhiên, các ngân hàng thương mại sẽ đủ thông minh để quyết định để công ty tài chính tập trung cho vay tiêu dùng, còn ngân hàng chỉ thực hiện một phần. Cả công ty tài chính và ngân hàng cùng cung cấp dịch vụ này thì sẽ đa dạng hóa sản phẩm và có lợi cho người tiêu dùng.
Nhiều người e ngại chuyện lãi suất cho vay của công ty tài chính cao hơn của ngân hàng, điều đó dễ hiểu và xuất phát từ hai nguyên nhân. Đó là công ty tài chính thậm chí chấp nhận cho vay dưới chuẩn, nên rủi ro hơn, mà trong kinh tế thị trường thì khi rủi ro cao, lãi suất cũng cao.
Lý do thứ hai, các công ty tài chính về cơ bản chủ yếu lấy tiền từ phát hành trái phiếu, chứ không được phép nhận tiền gửi từ khách hàng, trong khi ngân hàng có lợi thế hơn, có thể huy động vốn nhàn rỗi trong dân với lãi suất thấp hơn. Vì hai lý do đó, lãi suất cho vay của các công ty tài chính thường cao hơn lãi suất ngân hàng, nhưng dù sao vẫn thấp hơn lãi suất tín dụng đen.
Trần Mạnh – Nhã Nam
———————————————
Đầu tư (Ngân hàng) 16-01-2016:
http://baodautu.vn/co-hoi-bung-no-cho-tin-dung-tieu-dung-d38129.html
(341/1.849)