857. “Tín dụng đen” được dịp hoành hành

(SKĐS) – Thời điểm cuối năm, nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân tăng cao. Tuy vậy, với những khoản vay nhỏ, để tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng, người dân thường phải trải qua nhiều thủ tục.

Thời điểm cuối năm, nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân tăng cao. Tuy vậy, với những khoản vay nhỏ, để tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng, người dân thường phải trải qua nhiều thủ tục. Đây cũng là lý do khiến nhiều người đã phải tìm đến tín dụng đen vì loại hình cho vay này không tốn thời gian làm thủ tục, nhưng người vay đối diện nguy cơ chịu lãi suất cao không tưởng.

Nhận thấy nhu cầu vay vốn mua sắm, trả nợ, làm ăn… của nhiều cá nhân, doanh nghiệp tăng cao dịp cuối năm, “tín dụng đen” với phương thức vay dễ dàng nhưng lãi suất “cắt cổ” được dịp tung hoành. Những ngày này, thông báo mời chào vay vốn được dán khắp nơi, tại nhiều địa điểm công cộng, bảng tin tổ dân phố, trên cột điện, gốc cây, ven đường và cả qua tin nhắn điện thoại di động… với những lời quảng cáo cho vay rất hấp dẫn như “Lãi suất thấp nhất, không cần tài sản thế chấp, giải ngân nhanh trong vòng 2-3 ngày, hạn mức cho vay cao…”.

Quảng cáo “tín dụng đen” công khai nhan nhản khắp nơi.

Anh Nguyễn Tiến Phú, ở Hà Đông – Hà Nội, hộ kinh doanh cà phê cho biết, thời điểm cuối năm đang cần vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh quán cà phê của mình. Tuy nhiên, đáp ứng được các điều kiện vay vốn ngân hàng đang là một vấn đề nan giải vì theo anh Phú, do những vướng mắc trong việc chứng minh thu nhập vì là người làm nghề tự do. Vì thế, anh Phú đã liên lạc với những số điện thoại trên các tờ giấy dán quảng cáo cho vay quanh khu vực anh Phú sinh sống. Tuy nhiên, khi liên lạc theo những số điện thoại này, anh Phú đã không dám vay vốn từ đây vì lãi suất “cắt cổ”. Với tỷ lệ vay thấp – dưới 50 triệu đồng thì lãi suất lên đến 6-7 nghìn đồng/1 triệu đồng/ngày. Không chỉ phải chịu mức lãi suất “cắt cổ”, sau khi đặt bút ký vào giấy vay, người vay mới thấy nhiều ràng buộc sẽ ập đến. Anh Phạm Thành ở Dịch Vọng, Cầu Giấy cho biết, anh đã vay 100 triệu đồng trong 5 tháng, vì số tiền vay nhiều nên lãi suất được tính 5 nghìn đồng/1 triệu đồng/ngày, tức mỗi ngày anh phải trả 500 nghìn đồng. Tuy nhiên, sau 1 tháng kể từ ngày vay, anh Thành mang 15 triệu đồng đến trả lãi thì được chủ nợ thông báo trong suốt 30 ngày qua, anh không trả lãi hàng ngày nên sau mỗi ngày, số tiền nợ gốc của anh lại được cộng thêm 500 nghìn đồng để tính lãi. Cứ như vậy, sau 1 tháng vay, số tiền nợ cả gốc và lãi của anh được chủ nợ tính lên đến gần 130 triệu đồng.

Quá choáng với cách tính này nên anh Thành phải bố trí đem tiền lãi đến gửi và cố gắng vay tiền của bạn bè, người quen để trả hết cho chủ vay. Nhưng trường hợp của anh Thành vẫn còn may mắn vì vay được tiền để trả hết nợ, nhiều trường hợp không kiếm được tiền trả nợ, lãi lại chồng lãi, bị siết nợ, hành hung…

Để tìm hiểu về nhu cầu vay vốn thông qua “tín dụng đen” dịp cuối năm, chúng tôi đã tiếp xúc với một chủ hiệu cầm đồ ở ngõ Văn Chương. Theo chủ tiệm này, cuối năm, lượng khách có nhu cầu vay tiền tăng cao. Các hiệu cầm đồ cũng sẵn sàng cung cấp nhiều hình thức vay lãi khác nhau. Có thể vay lãi 5 nghìn/1 triệu/1 ngày hoặc cho bốc họ… Mức lãi suất tín dụng đen đã vượt mức trần lãi suất Nhà nước quy định gấp hàng chục lần. Nhiều vụ việc về tín dụng đen vỡ lở cho thấy, với mức lãi suất như thế này, những khoản vay nhỏ bé ban đầu đã nhanh chóng phình lên, “đè chết” con nợ.

Theo các chuyên gia ngân hàng, khách hàng của loại dịch vụ tín dụng “chợ đen” chủ yếu là sinh viên, tiểu thương, công nhân lao động… Họ vì nhu cầu cấp bách trước mắt mà ít quan tâm đến các điều kiện ràng buộc khi đi vay, hầu như không đọc kỹ và hiểu hết các điều khoản quy định trong giấy vay, cũng như không tính trước số tiền phải trả lãi khi các chủ cho vay khôn khéo chuyển từ cách tính phần trăm sang con số cụ thể. Do đó, họ rất dễ bị thiệt thòi khi đặt bút ký vào giấy vay. Còn bên cho vay, do hợp đồng là giấy viết tay, không đảm bảo pháp lý và thu hồi nợ nên cũng dễ gặp rủi ro lớn. Không ít vụ không dừng lại ở chuyện mất mát tài sản mà còn liên quan đến án mạng và có thể có nhiều tội danh xuất phát từ một vụ vỡ nợ tín dụng đen như bắt giữ người trái phép, giết người, cưỡng đoạt tài sản…

Theo luật sư Trương Thanh Đức – Chuyên gia tài chính, ngân hàng, việc cho vay tín dụng đen như thế chưa chắc người cho vay đã dễ dàng có tiền để cho vay, họ lại đi thu hút huy động ở các kênh khác như chơi hụi họ hoặc những thứ bất hợp pháp thì rất dễ xảy ra tình trạng lừa đảo, gian lận, đổ vỡ. Cũng rất có thể người ta lại vay mượn từ ngân hàng ra cho vay thì đấy lại là hình thức cho vay lại bất hợp pháp. Cũng không loại trừ trường hợp nhân viên ngân hàng móc nối với bên ngoài làm ăn bất hợp pháp. Như thế sẽ mang lại rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho ngân hàng và hoạt động tín dụng.

Vay vốn để đầu tư là nhu cầu tất yếu của người kinh doanh. Tuy vậy, cần thận trọng khi quyết định chọn hình thức vay để tránh sa vào tín dụng đen. Khuyến cáo của các chuyên gia là nếu có nhu cầu vay những khoản tiền không lớn, thủ tục nhanh, nên tìm đến những đơn vị uy tín như các công ty tài chính được Nhà nước cấp phép.

Hoàng Đạt – Trọng Khôi

—————————————————————-

Sức khoẻ & Đời sống (Pháp luật) 01-02-2016:

http://suckhoedoisong.vn/tin-dung-den-duoc-dip-hoanh-hanh-n111815.html

(134/1.155)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,577