(CFF) – LS. Trương Thanh Đức cho rằng, bên ngoài người ta cho vay rủi ro cao hơn hẳn ngân hàng thì lãi suất không thể bị khống chế ở mức 13,5%/năm.
Hiện nay, tại các khu đô thị tại Việt Nam đâu đâu cũng thấy các tờ quảng cáo cho vay tiêu dùng, vay tín chấp với lãi suất ưu đãi, thủ tục nhanh gọn. Điều này cho thấy, cho vay tiêu dùng cá nhân đang phát triển nở rộ và được ví như chiếc bánh màu mỡ mà các tổ chức tài chính, ngân hàng tranh nhau đẩy mạnh thị phần.
Theo website thebank.vn, 1.575 nhân viên tư vấn vay tín chấp luôn sẵn sàng tư vấn 24/7 cho khách hàng nếu có nhu cầu. Trong khi đó, theo báo cáo của công ty StoxPlus, tổng quy mô của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đến nay đạt khoảng 10,4 tỷ USD.
Hiện, Việt Nam đang có 18 công ty tài chính, bao gồm 6 công ty tài chính nước ngoài và 12 công ty tài chính trực thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, trong đó một số tên tuổi chiếm thị phần lớn như: Home Credit, FE Credit, HD Saison Finance, Prudential Finance, ACS Trading, JACCS…
Lãi suất cao có phạm luật?
Khảo sát của chúng tôi tại một vài điểm cho vay trên thị trường cho thấy, các công ty tài chính áp dụng mức lãi suất phổ biến quanh mức 25 – 30%, một số người vay với lãi suất lên tới 50- 70%/năm do hồ sơ vay quá yếu.
Mức lãi suất này nếu chỉ nhìn vào con số thì rõ ràng là cao hơn hẳn so với đi vay tại ngân hàng, chính vì thế mà các công ty tài chính đã vấp phải không ít những lần kiện tụng của khách hàng.
Vậy công ty tài chính có đang vi phạm luật hay không? LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI khẳng định, họ không hề vi phạm luật, thậm chí họ còn được khuyến khích cho vay. Nếu như ngân hàng chịu ảnh hưởng bởi khá nhiều quy định nhằm hạn chế rủi ro trong tín dụng thì các công ty tài chính lại khá tự do trong việc quyết định đối tượng, thời gian cho vay cũng như mức lãi suất mà người đi vay phải trả.
Các công ty tài chính nhắm tới nhóm khách hàng dưới chuẩn cấp tín dụng của ngân hàng, số lượng nhóm khách hàng này khá lớn, đa phần họ có thu nhập trung bình hoặc thấp, không chứng minh được thu nhập; chưa có lịch sử tín dụng,…. Đồng thời, các công ty tài chính cho vay những khoản nhỏ lẻ, không có tài sản thế chấp, thủ tục nhanh gọn, thời gian xét duyệt hồ sơ chỉ từ 1-3 ngày, các thủ tục cũng được tối giản, dịch vụ cung cấp tận nơi… Với tất cả những rủi ro tiềm ẩn mà công ty tài chính sẵn sàng đương đầu, đi kèm với dịch vụ “tận răng” mà các công ty kiểu này cung cấp, thì mức lãi suất trong các giao dịch không có tài sản bảo đảm kiểu này là mức “có kiềm chế”, thể hiện ảnh hưởng của quy luật cạnh tranh trên thị trường.
Vị luật sư cho biết, khách hàng biết mình không đủ điều kiện vay ngân hàng, lại muốn được vay dễ dàng, vay nhanh chóng, và đã chấp nhận mức lãi suất hoàn toàn dựa theo sự thỏa thuận, tự nguyện, nếu đồng ý ký giấy trắng mực đen thì phải chấp nhận theo những điều khoản mình đã ký.
Chứ không phải đến khi nợ quá hạn, lãi suất nhân lên gấp rưỡi so với trong hạn (theo quy định của hợp đồng) trong khi trong hạn đã cao thì “con nợ” lại quay ra chây ì, thậm chí “tố ngược” lại đơn vị đã cho vay vì bản thân không còn khả năng hoặc không muốn trả nợ.
Khi rủi ro xảy ra, đã quá hạn mà không thu hồi được nợ, các công ty tài chính sẽ sử dụng các biện pháp rắn để thu hồi. Nếu như ngân hàng sẽ làm tuần tự trực tiếp theo đúng quy trình rất lâu như thúc giục, đôn đốc, động viên rồi mới thu giữ tài sản, khởi kiện còn công ty tín dụng tiêu dùng họ sẽ thuê dịch vụ thu hồi nợ chuyên nghiệp.
Xét về luật pháp, hàng lang pháp lý hiện nay thể hiện sự không rõ ràng. Trong khi Luật Dân sự đôi lúc được viện dẫn để khép các tổ chức cho vay vào tội cho vay nặng lãi, chiếu theo quy định về mức trần lãi suất cho vay, thì doanh nghiệp sẽ dựa vào Luật các tổ chức tín dụng để chứng minh tính đúng đắn trong các giao dịch của mình.
Lỗi thuộc về ai?
Nếu xét đến các điều khoản điều chỉnh hành vi cho vay được quy định tại Luật các tổ chức tín dụng và cả Bộ Luật dân sự sẽ thấy vấn đề khá nan giải. Cụ thể, theo khoản 2 điều 91 trong Luật các TCTD 2010, TCTD và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. Trong khi đó theo Điều 476 Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định về việc không được cho vay quá 150% lãi suất cơ bản (lãi suất cơ bản được NHNN áp dụng là 9%/năm suốt từ 2010 tới nay – nghĩa là không cho vay quá 13,5%/năm).
Nhiều khách hàng khi không trả được nợ, cảm thấy vô lý khi phải trả lãi suất quá cao và kiện các công ty tài chính cho vay thì sẽ căn cứ vào luật Dân sự về trần lãi suất 13,5%.
Trả lời khúc mắc này, ông Đức thừa nhận đây là điều vô cùng bất cập.
“Với loại hình cho vay tín chấp (không có tài sản bảo đảm), rủi ro rõ ràng là cao hơn hẳn so với các khoản vay truyền thống của ngân hàng thì lãi suất làm sao lại thấp hơn ngân hàng được mà lại bị khống chế ở 13,5%/năm”, ông bày tỏ quan điểm.
Theo ông, mức trần lãi suất đối với Việt Nam hiện nay hợp lý phải ở mức là 30-50%, không thể để 13,5%, cũng không thể chỉ nâng lên 18-20% như dự thảo bộ luật dân sự bây giờ bởi vẫn quá xa vời với thực tế.
“Thực tế nhiều năm nay, thị trường Việt Nam đã chấp nhận lãi suất vài chục phần trăm là chuyện bình thường. Tất nhiên khi thị trường thực sự cạnh tranh, sòng phẳng thì lãi suất do mặt bằng thị trường quyết định là lãi suất hợp lý nhất”, ông nhấn mạnh thêm.
Theo các chuyên gia, mức lãi suất cho vay tiêu dùng hiện vẫn tồn tại những băn khoăn, song không thể cản trở sự phát triển tất yếu của loại hình sản phẩm tài chính này, bởi những lợi ích mang lại, đó là đáp ứng được những nhu cầu cá nhân trong tiêu dùng trước khi có thu nhập. Lợi ích này chắc chắn lớn hơn mức chênh lệch lãi suất phải trả cao hơn cho vay thương mại.
Mai Ngọc
——-
CafeF (Tài chính – Ngân hàng) 09-10-2015:
http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/tran-lai-suat-cho-vay-tieu-dung-dang-xa-roi-thuc-te-20151009114412952.chn
(733/1.276)