5 tuổi, 8 điều hay và một chút băn khoăn.
(NQL) – Ra đời trong lúc thị trường báo chí gần như bão hoà, với danh xưng “Nhà Quản lý”, tưởng rằng đó là mảnh đất riêng của mấy ông lãnh đạo, là chuyện sách vở, lý luận cao siêu. Thế nhưng, Nhà quản lý lại chiều lòng được tất cả mọi người, từ nhà quản lý cỡ tổ dân phố cho đến nhà quản lý tầm cỡ quốc gia. 60 số tạp chí đều tay với các chuyên mục từ Câu chuyện quản lý, Diễn đàn, Đầu tư, Quản trị, Tư vấn – Kinh nghiệm cho đến Chân dung, Không gian sống,… đều có sức lôi cuốn riêng.
Sinh ra không dựa vào sự bao cấp ở trên, cũng không nhờ tới sự bao tiêu ở dưới, nhưng đã sống khoẻ và luôn dồi dào sức sống. Ít nhất, thì Tạp chí cũng đã đạt được 7 điều dưới đây:
- Chuyện đặc biệt của Nhà quản lý là giá bán rất cao từ lúc chào đời, mà không phải dùng đến kênh phân phối theo chỉ tiêu và moi tiền từ ngân sách;
- Điều kỳ lạ của Nhà quản lý là không chỉ hợp gu với những nhà quản lý mà còn mê hoặc được cả những người bị quản lý rồi đến cả những người ở giữa;
- Nguồn sức mạnh của Nhà quản lý là một Hội đồng biên tập và nhiều tác giả là những con người hành động, tâm huyết chứ không chỉ là tên tuổi hình thức, lý thuyết;
- Nét thu hút của Nhà quản lý là hành văn thoát khỏi công thức giáo điều, làm cho vấn đề sâu sắc mà nhẹ nhàng, nghiêm túc mà vui vẻ, cứng rắn mà dí dỏm;
- Sự đúng đắn của Nhà quản lý là đăng bài theo chất lượng, giá trị, kiến thức khoa học, chứ không theo địa vị xã hội hay những quan hệ riêng tư;
- Sức hấp dẫn của Nhà quản lý là ngôn ngữ nói trúng, nói thật, nói mạnh, nói vô tư, tự nhiên, khách quan và dễ dàng đi vào lòng người;
- Tính ưu điểm của Nhà quản lý là không sa vào tin tức lan man, không khoét sâu những vụ việc tiêu cực và không đào bới những sự kiện giật gân;
- Việc thành công của Nhà quản lý là có mặt đàng hoàng, trang trọng trên các sạp báo, nơi hầu như vắng mặt các báo chí thuộc nhóm “nghiên cứu và đào tạo”.
Tuy nhiên vẫn còn không ít điều cần suy nghĩ, hoàn thiện. Chẳng hạn, Tạp chí hầu như chưa thấy có sự tranh luận về các bài viết; hay đôi khi dành quá nhiều trang giới thiệu một doanh nghiệp thay cho quảng cáo,…
Điều băn khoăn nhất của tôi là thấy một số bài viết đã lạm dụng từ ngữ đao to, búa lớn. Ví dụ, một bài viết gần đây, mặc dù chỉ là suy luận và cảm nhận chủ quan, không dựa trên số liệu thống kê đối chiếu khoa học, nhưng đã sử dụng một loạt những cụm từ sau đây để lên án một ngành kinh tế: “lãi cao ngất ngưởng”, “thoải mái mua rẻ – bán đắt”, “ngậm miệng ăn tiền”, “mở miệng nhân danh”, “các khoản lợi nhuận kếch xù”, “lợi nhuận khổng lồ”, “người hưởng lợi lớn nhất và hiếm hoi nhất từ lạm phát”,… Trong khi đó, chỉ cần nhìn kỹ hơn một chút, thì có thể thấy ngay rằng, cái lợi có được của ngành này chỉ là sự nhất thời, vào đúng thời kỳ đỉnh của nền kinh tế. Tỷ suất lợi nhuận bình quân toàn ngành trên vốn chủ sở hữu không hề “ngất ngưởng” (thậm chí lợi tức của nhiều đơn vị còn thấp hơn tỷ lệ lạm phát). Ngành này cũng phải giơ lưng gánh chịu nhiều nhất các “đòn” đánh vào lạm phát. Và điều quan trọng là, các doanh nghiệp ngành này chắc chắn sẽ lãnh trọn hậu quả của suy thoái kinh tế; chỉ có điều, luôn đi sau một nhịp, chứ không bao giờ “chết” cùng lúc hay “chết” trước các doanh nghiệp khác. Bài viết và Tạp chí sẽ bị “giảm giá” trước những từ ngữ thiếu khách quan, thiếu công bằng và thiếu chiều sâu nghề nghiệp.
————————————————
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.
Bài viết đăng trên Tạp chí Nhà Quản lý số 61/7-2008