861. Vẫn vướng nhất vấn đề “giấy phép con”

(CP) – Vẫn còn không ít vướng mắc trong thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và theo một thành viên Tổ công tác thi hành 2 luật này, vướng nhất là mâu thuẫn giữa 2 luật với các luật chuyên ngành cũng như văn bản liên quan về điều kiện kinh doanh.

Luật sư Trương Thanh Đức

Luật sư Trương Thanh Đức, thành viên Tổ công tác, cho rằng Luật Doanh nghiệp (DN), Luật Đầu tư có nhiều điểm tiến bộ nổi bật đáng ghi nhận, rất thuận lợi cho hoạt động của DN, nhưng đã xảy ra nhiều rắc rối trong quá trình thực thi đối với DN và cả đối tác của họ.

Về vấn đề vướng nhất là điều kiện kinh doanh, luật sư cho biết thêm là còn có nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí trong một cơ quan, đơn vị. “Ngay cả khi đã thống nhất quan điểm, việc thể hiện các điều kiện kinh doanh thế nào để vừa không trái với 2 đạo luật này, vừa đáp ứng được yêu cầu quản lý trong từng lĩnh vực, cũng không đơn giản”, ông Trương Thanh Đức nói khi trả lời phỏng vấn báo chí.

Vị luật sư đưa ra hàng loạt ví dụ. Luật Đầu tư chỉ quy định 6 ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh, trong đó không có pháo nổ. Vậy phải chăng cho phép kinh doanh pháo nổ có điều kiện, hay là lại hướng dẫn cấm như cũ? Hay kinh doanh vàng tài khoản (sàn vàng) không có trong danh mục cấm cũng như kinh doanh có điều kiện thì có được tự do kinh doanh không?

Hoặc dự thảo nghị định quy định về các điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ hòa giải thương mại, đang trình Chính phủ ban hành có phạm luật không, khi không có trong 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện?

“Đặc biệt, luật, nghị định phải quy định đầy đủ mọi điều kiện kinh doanh, hay vẫn phải cụ thể hóa bằng các thông tư? Nếu vậy, có hay không việc vi phạm điều luật cấm thông tư quy định về điều kiện kinh doanh? Rất nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời”, ông Trương Thanh Đức đặt vấn đề.

Trong một báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ KHĐT cũng cho biết trong quá trình rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh đã phát sinh vướng mắc liên quan đến việc áp dụng Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành về thẩm quyền quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, nhất là Luật Ban hành văn quy phạm pháp luật.

Theo Bộ KHĐT, đây là những vấn đề cần sự thống nhất giữa các Bộ, ngành trong quá trình rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh.

Rắc rối giấy tờ

Về giấy tờ thủ tục đăng ký kinh doanh, luật sư Trương Thanh Đức cho biết trước đây thủ tục này đã rất cởi mở, tiến bộ, theo luật mới đáng ra phải thông thoáng, tốt hơn nữa. Nhưng càng vào thực tế gặp khó khăn hơn. Luật, nghị định, thông tư và mẫu biểu đều quy định không phải ghi ngành, nghề đăng ký kinh doanh vào trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng trên thực tế vẫn phải ghi vào phụ lục kèm theo.

Lý do, theo quy định tại điều 7, Nghị định 78/2015/NĐ-CP, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp vẫn phải lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh trong “giấy đề nghị” hoặc “thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp”.

Theo giải thích của cơ quan soạn thảo thì việc DN phải áp mã ngành nghề kinh doanh như trên chủ yếu là để phục vụ cho công tác thống kê để xác định cơ cấu và tỷ trọng phân bố ngành nghề trong nền kinh tế của Việt Nam trong từng thời kỳ. Nhưng một số ý kiến vẫn cho rằng, quy định như trên không giúp giảm tải cho cơ quan cấp phép cũng như cho doanh nghiệp. Hơn nữa, việc áp mã ngành nghề vẫn là việc khiến đa số DN phải đau đầu.

Liên quan đến giấy tờ, theo luật sư Trương Thanh Đức, hiện còn vướng mắc về thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký DN của các DN có từ 51% vốn đầu tư nước ngoài trở lên. Luật DN quy định, tại thời điểm thành lập, DN loại này phải làm xong thủ tục đăng ký đầu tư rồi mới được đăng ký kinh doanh. Nhưng Nghị định 118/2015/NĐ-CP lại quy định DN có quyền nộp đồng thời cả 2 bộ hồ sơ đăng ký tại cơ quan đăng ký đầu tư. Điều này khiến cơ quan đăng ký đầu tư và đăng ký kinh doanh không biết phải làm thế nào.

“Hệ quả, mỗi địa phương nhận thức và làm một kiểu. Nơi mạnh dạn thì theo nguyên tắc và cả tinh thần đổi mới của luật. Nơi không nắm chắc luật hay e ngại trách nhiệm cứ việc trả lời chưa rõ, vướng mắc, chờ hướng dẫn”, ông Đức thẳng thắn.

Nhìn rộng hơn, theo Luật sư Trương Thanh Đức, vấn đề cối lõi của những vướng mắc nói trên là chưa có sự thay đổi thật sự và đồng bộ về tư duy kinh tế thị trường và tôn trọng quyền tự do kinh doanh. Vì thế, trong nhiều trường hợp, mặc dù luật đã quy định rất rõ ràng, rất hợp lý, rất tiến bộ, nhưng nhiều cán bộ và cơ quan nhà nước vẫn  không hiểu hoặc là cố tình không hiểu.

Chính vì lẽ đó, DN rất cần sự vào cuộc nhanh chóng và mạnh mẽ của các cơ quan chức năng. Mọi quy định mới hay quy định sửa đổi và mọi trường hợp vướng mắc, cần dựa nguyên tắc tôn trọng quyền Hiến định là tự do kinh doanh của công dân và DN. Vai trò quan trọng của Tổ công tác thi hành 2 đạo luật nói trên là phải giúp cộng đồng DN tạo sức ép dư luận và giúp Chính phủ tạo sức ép hành chính để các cơ quan nhận thức và thực thi đúng Luật DN và Luật Đầu tư.

Thanh Hằng (tổng hợp)

——————————–

Báo Điện tử Chính phủ (Chính sách & Cuộc sống) 03-03-2016:

http://baochinhphu.vn/Chinh-sach-va-cuoc-song/Van-vuong-nhat-van-de-giay-phep-con/248902.vgp

(769/1.123)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,576