(ANTV) – Tiếp tục thông tin về vụ tai nạn đường thuỷ tại Hải Dương, đại diện Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT) cho biết, ngoài việc hết hạn đăng kiểm, tàu Thành Luân 28 gây ra vụ đâm hư hỏng cầu An Thái (Kinh Môn, Hải Dương) còn chạy sai luồng, gây ra hậu quả nghiêm trọng về giao thông.
- Xem thường quy định, tàu nghìn tấn đam hỏng cầu An Thái
Theo ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa, tàu Thành Luân 28 công suất 694 CV, trọng tải 3.162 tấn đã chạy sai luồng vào khu vực sông giới hạn tải trọng tối đa 600 tấn dẫn đến việc đâm vào dầm cầu An Thái. Tàu này vi phạm một loạt các quy định về ATGT.
Về vấn đề thiệt hại sau vụ đâm va, hiện lực lượng chức năng vẫn đang tập trung vào công tác khắc phục, hỗ trợ giao thông đi lại cho người dân trong “ốc đảo” Kinh Môn nên chưa tính toán đến thiệt hại.
Song, trao đổi về việc đơn vị, cá nhân nào phải đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ chi phí thiệt hại trong vụ việc này, Giám đốc sở GTVT Hải Dương cho biết, cơ quan điều tra sẽ làm rõ trách nhiệm của chủ tàu và các tổ chức, cá nhân có liên quan để quy trách nhiệm đền bù thiệt hại.
- Buộc học sinh vi phạm ATGT thôi học có quá nặng?
Quy định buộc thôi học 1 tuần với học sinh, sinh viên (HS, SV) vi phạm nhiều lần pháp luật ATGT của Sở GD&ĐT Hà Nội đang gây nhiều ý kiến trái chiều trên dư luận. Cơ quan chức năng, giáo viên và phụ huynh đánh giá thế nào về quy định mới này?
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho biết, ngày 7/3, đơn vị này đã ban hành Kế hoạch 925 về việc tổ chức phong trào thi đua đảm bảo TTATGT trong ngành giáo dục TP giai đoạn 2016-2020. HS, SV vi phạm lần 1 sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm trong tháng mắc lỗi, phê bình trước lớp, trước trường, đồng thời kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết; Đã biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần 2, HS, SV sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ, trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày để tự kiểm điểm, thông báo tới địa phương nơi cư trú. Nếu HS, SV đã được giáo dục vẫn tái phạm nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học 1 tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục, răn đe.
Thời gian thực hiện từ năm học 2016-2020. ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, Thông tư 38 của Bộ Công an đã quy định các cơ quan chức năng thông báo vi phạm cho cơ quan, trường học, chính quyền địa phương để nhắc nhở, kiểm điểm, giáo dục. Việc quản lý, xử lý học sinh vi phạm ATGT đã được Bộ GD&ĐT hướng dẫn cụ thể. Còn hình thức kỷ luật học sinh nặng, nhẹ phải theo quy định của Bộ GD&ĐT.
- “Móc túi” người dùng để chi ưu đãi
Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) vừa đề nghị Chính phủ cho cơ chế để ưu đãi thuế cho dự án Liên hợp lọc hóa dầu (LHD) Nghi Sơn (vốn đầu tư 9 tỉ USD) với số tiền dự kiến khoảng 75.000 tỉ đồng trong 10 năm đầu tiên, trong đó có một phần tiền được lấy từ người tiêu dùng
Một trong những phương án được PVN đề xuất là Chính phủ cần xây dựng quỹ (có thể tên là quỹ phát triển năng lượng bền vững), hình thành từ khoản phí xăng dầu tiêu dùng do tập đoàn này thu ngay tại cổng nhà máy khi bán sản phẩm cho khách hàng! Một phương án khác là cho phép PVN được giữ lại số tiền chênh lệch giữa thuế nhập khẩu xăng đang áp dụng hiện nay (20%) so với mức ưu đãi cho Nghi Sơn (7%).
Sau khi đề nghị của PVN được đưa ra lấy ý kiến, Ngân hàng Nhà nước đã phản đối với lý do các kiến nghị của PVN không liên quan trực tiếp đến lĩnh vực ngân hàng, mà thuộc chức năng quản lý của các bộ Công thương, Tài chính, Khoa học – công nghệ và cả Bộ Giao thông vận tải.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Thế Ruệ, chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN, cho rằng việc thu phí xăng dầu để thành lập quỹ là không hợp lý, bởi người tiêu dùng lại phải chịu vì doanh nghiệp sẽ đưa phí đó vào giá bán. Hơn nữa, theo ông Ruệ, việc thành lập quỹ để hỗ trợ doanh nghiệp cạnh tranh với hàng ngoại nhập khẩu cũng là trái các cam kết hội nhập, có thể bị coi là vi phạm các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
- Gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng sắp hết hạn
Báo Kinh tế & Đô thị mới đây có bài phản ánh về việc các ngân hàng “vượt rào” chạy đua dư nợ khi tìm cách bắt tay chủ đầu tư tư vấn cho người mua nhà giải ngân một lần (80%) để được hưởng lãi suất 5% thay vì lãi suất thương mại sau 1/6. Ngay lập tức cụm từ “lãi suất thương mại” trở thành từ khóa gây hoang mang cực độ.
Khách hàng hưởng gói vay 30.000 tỷ đồng chủ yếu là đối tượng thu nhập thấp “loay hoay” mãi mới ký được hợp đồng, hy vọng 2 – 3 năm sau có thể sở hữu ngôi nhà trong mơ bằng nguồn vốn ưu đãi. Thế nhưng năm lần bảy lượt những thông tin “dừng giải ngân” hay “áp dụng lãi suất thương mại thông thường đối với dư nợ giải ngân sau ngày 1/6” từ phía ngân hàng đang bào mòn niềm tin của nhóm đối tượng này.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là hết hạn giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho đối tượng thu nhập thấp. Gói ưu đãi này suốt từ đầu đến nay chưa ngày nào suôn sẻ. Lúc thiếu điều kiện, lúc vướng thủ tục. Ước mơ an cư lạc nghiệp đã khép lại với nhiều gia chủ. Người may mắn ký được hợp đồng thì hiện tại như “ngồi trên đống lửa. “Muốn được giải ngân từ gói này, các ngân hàng phải vay tái cấp vốn từ NHNN. Mà theo Thông tư số 11/2013/TT-NHNN thì sẽ kết thúc giải ngân vào ngày 1/6/2016, sau đúng 3 năm.
BT
—————————————————–
An ninh TV (Dòng sự kiện) 11-3-2016:
(130/1.199)