867. Bộ Tài chính đề xuất tăng phí môn bài gấp 2-3 lần: Doanh nghiệp, tiểu thương nóng ruột

(ANTĐ) – Theo dự thảo Nghị định về lệ phí môn bài do Bộ Tài chính đề xuất, so với quy định hiện hành (từ năm 2002), lệ phí môn bài với doanh nghiệp sẽ tăng gấp 2-3 lần, tùy theo quy mô vốn. Đối với hộ gia đình và hộ kinh doanh, mức thu cao nhất là 1 triệu đồng/năm nếu doanh thu trên 300 triệu đồng.

Việc tăng thu lệ phí môn bài chưa nhận được sự đồng tình từ phía doanh nghiệp và người dân

Tăng gấp 2-3 lần vì quy định cũ đã lạc hậu?!

Theo dự kiến của Bộ Tài chính, từ năm 2017, mức thu 2 triệu đồng sẽ áp dụng với các chi nhánh, các cửa hàng trực thuộc doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có vốn đăng ký từ 10 tỷ đến 100 tỷ đồng (doanh nghiệp vừa và nhỏ) nộp mức 5 triệu đồng/năm, vốn trên 100 tỷ đồng (doanh nghiệp lớn) nộp mức 10 triệu đồng/năm. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, thuế môn bài được phân theo 3 mức, từ 1 triệu đến 3 triệu đồng/năm.

Với các hộ kinh doanh, lệ phí môn bài cũng thay đổi so với trước đây khi không chia thành 6 mức. Thay vào đó, hộ gia đình, nhóm cá nhân có doanh thu từ 100 đến 300 triệu đồng nộp phí 300.000 đồng/năm. Mức phí là 1 triệu đồng với hộ gia đình có doanh thu trên 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, hộ kinh doanh có doanh thu 1 năm dưới 100 triệu đồng không phải nộp lệ phí môn bài.

Lý giải về những thay đổi này, ngày 1-4, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: “Mức thu hiện đang áp dụng theo Nghị định số 75/2002/NĐ-CP được ban hành từ năm 2002. Mức thu nhập của các đối tượng kinh doanh hiện nay đã khác nhiều so với năm 2002 nên quy định này đã rất lạc hậu”.

Theo Bộ Tài chính, các mức thu trên được xây dựng theo mức lương tối thiểu thời điểm năm 2002 – chỉ là 290.000 đồng/tháng. Trong khi, mức lương tối thiểu hiện nay đã là 1,15 triệu đồng/tháng và sắp tới là 1,21 triệu đồng/tháng.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng khẳng định: “Đề xuất này không xuất phát từ sự khó khăn của ngân sách, việc điều chỉnh là để phù hợp với tình hình kinh doanh. Toàn bộ lệ phí môn bài dùng để cân đối ngân sách địa phương nên không phải vì ngân sách căng thẳng mà đề xuất tăng. Hiện nay, dự thảo đang trong giai đoạn lấy ý kiến và Bộ Tài chính vẫn lắng nghe các ý kiến tham gia góp ý”.

Đâu chỉ có phí môn bài tăng

Trước khả năng lệ phí môn bài sẽ tăng mạnh, một số doanh nghiệp cho rằng, đề xuất như vậy là chưa hợp lý. Giám đốc 1 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực quảng cáo chia sẻ: “Việc tăng phí môn bài như dự kiến sẽ khiến các doanh nghiệp thêm khó khăn. Hiện nay, doanh nghiệp đã phải “cõng” quá nhiều loại thuế, phí. Đáng chú ý là các loại thuế, phí này luôn có xu hướng tăng. Chi phí đối với thuế môn bài có thể không quá lớn nhưng với hàng loạt các loại thuế phí khác nữa thì việc tăng phí môn bài sẽ chất tải thêm gánh nặng lên vai doanh nghiệp”.

“Bên cạnh đó, khoản thu này có tính chất ấn định, không căn cứ trên tình hình sản xuất, kinh doanh thực tế của doanh nghiệp. Tôi cho rằng, cần xem xét lại kiến nghị của Bộ Tài chính cho phù hợp hơn với thực tế”, vị giám đốc doanh nghiệp này nhận xét.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thu Tâm, chủ hộ kinh doanh trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết: “Trước đây, đã có ý kiến từ các đại biểu Quốc hội cho rằng nên bỏ thuế môn bài và không nên chuyển thành lệ phí, vậy mà cuối cùng Bộ Tài chính vẫn đề xuất thu theo hướng tăng lên như vậy. Nếu tăng thuế, những hộ kinh doanh được xem là “nhặt tiền lẻ” như chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng, thu nhập sẽ giảm bớt”.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, việc tăng phí môn bài lên mức trung bình 300% là không phù hợp. “Thứ nhất, khoản thu này đã được thay đổi về bản chất từ thuế sang lệ phí. Đã là lệ phí, dùng đến đâu thì thu đến đấy, chứ không phải để tăng thu. Thứ hai, trong bất kỳ trường hợp nào, các khoản đóng góp ngân sách nếu phải tăng thì chỉ nên tăng từ 1% đến tối đa 50%, chứ không thể nào tăng vọt lên 300% một lúc. Tăng sốc như thế, doanh nghiệp, người dân sẽ dễ bị sốc và dư luận sẽ khó chấp nhận”, ông Đức phân tích.

Kinh doanh khó khăn nên phải tiết kiệm

“Hiện nay, mức thuế môn bài mà tôi đang nộp cho cơ quan thuế là 1 triệu đồng/năm. Đây là mức thu cố định nhiều năm nay, tôi cũng chưa thấy cán bộ thuế phổ biến chính sách mới. Trường hợp nếu xác định thuế môn bài theo doanh thu như báo chí đưa tin, tính toán sơ bộ tôi thấy khoản tiền phải nộp có khả năng còn được giảm xuống.

Bởi nếu doanh thu mỗi năm trên 300 triệu mới phải đóng mức tương đương như hiện nay là 1 triệu đồng. Nếu doanh thu thấp hơn thì mức đóng chỉ là 300.000 đồng/năm. Kinh doanh khó khăn nên tiết kiệm được khoản nào tốt khoản ấy”.

Anh Nguyễn Văn Hiệp – chủ phòng khám răng tại quận Đống Đa

Tăng lên gấp ba thì mệt mỏi quá

“Doanh số trung bình của cửa hàng khoảng 65 triệu đồng/tháng tuy nhiên trừ đi chi phí thuê nhà là 15 triệu đồng, tiền lương cho 3 nhân viên là 12 triệu đồng, tiền điện và một số chi phí khác thì doanh thu chỉ vào khoảng 35 triệu đồng/tháng. Như vậy, doanh thu cả năm rơi vào khoảng hơn 400 triệu đồng. Với doanh thu này nếu quy định về lệ phí môn bài được thông qua thì tôi cũng chỉ phải đóng 1 triệu đồng/năm, tức là bằng mức cũ. Nếu được vậy thì dễ chấp nhận chứ nếu tăng lên gấp 3 thì mệt mỏi quá”.

Chị Hà Thu Thủy – chủ cửa hàng kinh doanh quần áo tại quận Hai Bà Trưng.

Hùng Anh

———————————————————

An ninh Thủ đô (Kinh doanh) 05-4-2016:

http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/bo-tai-chinh-de-xuat-tang-phi-mon-bai-gap-23-lan-doanh-nghiep-tieu-thuong-nong-ruot/670758.antd

(125/1.157)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,851