(KDPL) – Cuộc tranh luận về doanh nghiệp tai tiếng Tân Hiệp Phát lại một lần nữa được dư luận xới lên khi tập đoàn này quảng cáo dây chuyền mới sản xuất Trà xanh không độ và mở chiến dịch mời nhà báo thăm nhà máy.
Ngày 8/4/2016, Tân Hiệp Phát đã thông tin cho báo chí, công bố dây chuyền sản xuất sản phẩm nước uống Trà xanh không độ.
Hình ảnh dây chuyền sản xuất sản phẩm “Trà xanh không độ” mới của Tập đoàn Tân Hiệp Phát
Giám đốc truyền thông của Tập đoàn Tân Hiệp Phát là ông Nguyễn Phan Huy Khôi cũng tuyên bố sẵn sàng mời các nhà báo tham quan doanh nghiệp để chứng tỏ rằng: Dây chuyền sản phẩm của tập đoàn này là hiện đại, quy trình sản xuất chặt chẽ, đảm bảo không có tạp chất lẫn vào sản phẩm.
Tuy nhiên, nhiều nhà báo và người tiêu dùng đã ngay lập tức phản biện và cho rằng: Vấn đề của Tân Hiệp Phát không phải là công nghệ mà là cách ứng xử với khách hàng, xa hơn nữa là “văn hóa doanh nghiệp”.
Nhà báo Mai Phan Lợi “Dư luận có thắc mắc gì về dây chuyền đâu? Họ thắc mắc là còn ai như anh Minh nữa không? Tẩy chay từ đạo đức thì nên xử lý từ đạo đức”.
Nhà báo Phạm Nguyễn Toan cũng đồng ý với quan điểm này và cho rằng: Câu chuyện của Tân Hiệp Phát không phải là câu chuyện của công nghệ mà là câu chuyện của văn hóa và đạo đức!
“Từ khi có khủng hoảng Tân Hiệp Phát, tôi vẫn bảo là công nghệ thì khó có thể có sai sót và vẫn là công nghệ dẫn đầu của ngành thực phẩm. Có điều cái tôi quá lớn và sự thiếu văn hóa doanh nghiệp đã dẫn Tân Hiệp Phát đến tình cảnh này. Nhà máy của Tân Hiệp Phát nên đưa vào viện bảo tàng trưng bày như một bài học lớn rằng công nghệ chưa bao giờ là tất cả”.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức từng cho rằng, những thiệt hại vừa qua là “cái giá” mà doanh nghiệp như Tân Hiệp Phát phải trả cho những ứng xử thiếu khôn ngoan của mình. Thậm chí, nếu sau phiên toà phúc thẩm, vị khách hàng kia vẫn bị tuyên án tù nặng thì doanh nghiệp sẽ còn đối mặt với nguy cơ phá sản do bị người tiêu dùng quay lưng.
“Cái sai nhất ở đây do ứng xử kém văn hoá của doanh nghiệp và là thứ không thể tha thứ được. Người tiêu dùng mà cố tình tạo ra mọi tình huống để tống tiền thì có tội nhưng trường hợp này không hẳn là như vậy. Người ta đặt ra vấn đề, doanh nghiệp đồng ý hay không không bị cưỡng ép, phụ thuộc hay bị ảnh hưởng gì nghiêm trọng. Nếu đường đường một doanh nghiệp làm ăn bài bản, uy tín thì chả việc gì phải ngại, đằng này nhiều người cho rằng anh lại bẫy, lại dằn mặt người tiêu dùng. Về phía người tố cáo, anh ta có vi phạm nhưng theo tôi, nặng thì nên xử án treo không thì xử phạt hành chính thôi”, luật sư Đức nhận định.
Sự kiện doanh nghiệp Tân Hiệp Phát và chai nước ngọt có ruồi từng được bầu chọn là 1 trong 10 sự kiện kinh tế Việt Nam năm 2015.
Doanh nghiệp này bị tẩy chay trong dư luận khi cho rằng Tân Hiệp Phát không chỉ cung cấp sản phẩm kém chất lượng mà còn “bẫy” người tiêu dùng, khiến anh Võ Văn Minh bị kết án 7 năm tù với tội danh “cưỡng đoạt tài sản”. Trước đó, khi phát hiện chai nước có ruồi, anh này đã ra điều kiện với doanh nghiệp để đổi chai nước lấy 500 triệu đồng.
Dự kiến phiên phúc thẩm vụ án này sẽ được đêm ra xét xử trong thời gian tới và cách ứng xử của Tân Hiệp Phát với phiên tòa này được xem là sự sống còn của doanh nghiệp.
Trọng Vũ
——————————————————————
Kinh doanh & Pháp luật (Tiêu dùng) 12-4-2016:
http://kinhdoanhnet.vn/tieu-dung/tan-hiep-phat-xu-ly-van-de-dao-duc-bang-cong-nghe_t114c8n27815
(214/732)