871. “Đang có nguy cơ cản trở tiến trình cải cách”

(HQ) – TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trao đổi với phóng viên Báo Hải quan xung quanh những vướng mắc bãi bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh không phù hợp.

Ông đánh giá như thế nào về việc ban hành danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư năm 2014?

Một bước tiến của Luật Đầu tư năm 2014 là tập hợp, công bố được 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhưng thực ra đó vẫn là quá lớn và quá nhiều trong một nền kinh tế bình thường. Điều kiện kinh doanh nghĩa là hạn chế tự do kinh doanh, hạn chế gia nhập thị trường để bảo vệ một lợi ích chung nào đấy, khi ấy phải lý giải được lợi ích chung mà tôi bảo vệ phải có một cái lợi lớn hơn việc hạn chế gia nhập thị trường. Nhưng ở Việt Nam không ai tính đến điều đó cả.

267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện này là do Quốc hội yêu cầu phải có thì mới thông qua Luật Đầu tư. Cho nên nhiều ngành nghề đưa vào khi đó chưa có sự đánh giá đầy đủ, thuần túy chỉ tiến hành cơ học. Đọc hết những ngành nghề này với tư cách một người nghiên cứu lâu năm, tôi thấy có sự áp đặt, không có cơ sở thực tiễn, không có cơ sở khoa học.

Mặt khác, các điều kiện kinh doanh ấy hạn chế cạnh tranh, hạn chế tính sáng tạo, hạn chế sự đa dạng hóa sản phẩm và khả năng cung cấp sản phẩm tốt hơn. Nó làm tăng “quyền lực” can thiệp vào thị trường cho những người trong những ngành ấy. Họ không có xu hướng giảm giá và tăng tính năng động sáng tạo. Đây là một trong những nguyên nhân căn bản của việc tại sao giá cước vận tải không giảm dù giá xăng dầu giảm mạnh. Khi DN không thấy bị cạnh tranh, nếu làm không tốt vẫn không có DN nào thay thế được thì họ vẫn “bình chân như vại” và sống tốt.

Ý nghĩa của việc yêu cầu các điều kiện kinh doanh do bộ, ngành ban hành phải được nâng lên thành Nghị định là gì, thưa ông?

Khi các bộ không được ban hành điều kiện kinh doanh, mà phải do Chính phủ ban hành, thì những quy định ấy sẽ được nhiều người “nhòm ngó” hơn. Đơn vị soạn thảo Nghị định có thể vẫn tìm cách cài cắm quy định nào đó có lợi cho họ, nhưng họ không được tự tung tự tác đặt ra các điều kiện phục vụ lợi ích của chính họ như trước. Ý nghĩa đưa các điều kiện kinh doanh lên thành Nghị định là như thế. Muốn vậy, các bộ phải rà soát lại hàng nghìn điều kiện kinh doanh do họ đã ban hành. Điều kiện nào cần thiết và phù hợp mới được nâng lên thành Nghị định, còn không phải bãi bỏ từ 1-7-2016.

Nếu cải cách được như thế cũng là một thay đổi lớn, một cơ hội lớn cải thiện điều kiện kinh doanh.

Nhưng nhìn lại cho đến nay, trong báo cáo tổ công tác thi hành Luật DN, Luật Đầu tư vừa qua, đây vẫn là một kỳ vọng lớn về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh. Nếu không làm triệt để thì trở thành một thất vọng với cộng đồng DN vì người ta kỳ vọng rất nhiều.

Thế nhưng, đang có nguy cơ cản trở tiến trình cải cách này. Trước hết, cùng với việc Luật Đầu tư có hiệu lực từ 1-7-2015 thì có 7 luật khác cùng ban hành. Trong 7 luật đó lại có những điều khoản quy định giao cho Bộ trưởng ban hành điều kiện kinh doanh. Điều này cho thấy việc thẩm tra Luật từ Quốc hội có vấn đề. Cải cách lớn về điều kiện kinh doanh của Luật Đầu tư có nguy cơ bị hạn chế tác dụng khi các luật chuyên ngành lại giao thẩm quyền về ban hành điều kiện kinh doanh cho các bộ trưởng. Khi mất thẩm quyền ở Luật Đầu tư thì “cài” thẩm quyền vào luật khác.

Tưởng như Luật Đầu tư đã rất rõ ràng, nhưng lại bị chính các luật khác ngăn cản. Các bộ bảo rõ ràng Quốc hội giao cho họ ban hành điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực phụ trách. Các Luật ấy cũng do Quốc hội ban hành và giao nhiệm vụ, có phải Luật Đầu tư cao hơn các luật khác đâu. Vậy là, thể chế đã vô hiệu hóa một phần cải cách của Luật Đầu tư, mà khi đã vô hiệu hóa một phần rồi thì nó có nguy cơ bị vô hiệu hóa toàn phần.

Có một số bộ phản ứng khá gay gắt và nói rằng những quy định họ ban hành không phải là điều kiện kinh doanh?

Thế nào là điều kiện kinh doanh cũng là vấn đề. Nhưng với một tâm thế muốn cải cách, muốn thay đổi thì chẳng có gì là khó cả. Về mặt pháp lý có thể không rõ ràng, nhưng về mặt khoa học rất rõ ràng.

Các bộ cũng có rà soát điều kiện kinh doanh thật, nhưng mới ở mức tập hợp lại các quy định điều kiện kinh doanh ở các Thông tư, chưa đánh giá tính hợp lý, cần thiết, tính hiệu quả, hiệu lực và đặc biệt là tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của DN để từ đó cải cách. Như thế việc nâng cấp các quy định về điều kiện kinh doanh từ Thông tư lên Nghị định chỉ ở mức nâng cấp cơ học, không thay đổi về chất lượng của điều kiện kinh doanh.

Tại sao một cải cách lớn có thể mang lại một sự thay đổi về chất đối với môi trường kinh doanh Việt Nam, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh mà làm trầy trật thế? Ở đây phải nói vai trò của các Bộ trưởng rất quan trọng. Có thể nói nhiệm kỳ vừa kết thúc các Bộ trưởng ít quan tâm đến vấn đề này. Hy vọng nhiệm kỳ mới đây các Bộ trưởng sẽ ý thức rõ nét hơn, nhất quán hơn về yêu cầu cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh từ hội nhập và yêu cầu nội tại của nền kinh tế. Đặc biệt là những đơn vị tổng hợp như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải nắm vị trí tiên phong của cải cách, phải “gác cổng” để chỉ lọt qua được những văn bản có chất lượng, đáp ứng yêu cầu cải cách và cải thiện môi trường kinh doanh. Tiếp đến, không thể không có vai trò Thủ tướng.

Ở đây phải có quyết tâm về mặt chính trị, có nhận thức, có sự phối hợp trong nội bộ các cơ quan và giữa các cơ quan với nhau. Ngoài ra, cũng cần nhắc đến vai trò không kém phần quan trọng là truyền thông, báo chí. Nếu sợ truyền thông, giấu giếm vấn đề thì không phát huy được cải cách.

Xin cảm ơn ông!

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:

Lĩnh vực kinh doanh ngày càng đa dạng, luôn biến đổi, bộ máy Nhà nước thì lại hữu hạn. Do vậy, sứ mệnh của Nhà nước là phải bảo đảm không gian của quyền tự do kinh doanh rộng mở, chứ không phải từ sự hữu hạn của mình mà níu hẹp không gian này.

Có thể nói Luật DN 2005 và Luật Đầu tư 2014 đã tạo ra khung khổ cơ bản để kiểm soát các rào cản gia nhập thị trường ở Việt Nam. Lần đầu tiên, các mục tiêu của quy định về điều kiện kinh doanh được xác định và Danh mục đầy đủ các ngành, nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện được tập hợp trong một văn bản Luật. Đây được xem là một bước đột phá về tính minh bạch trong chính sách và kỳ vọng là “nút chặn” có hiệu quả việc ban hành các điều kiện kinh doanh một cách thiếu kiểm soát, bất hợp lý như trước đây.

Thế nhưng, dù đã có các cơ sở pháp lý để xác định các quy định về điều kiện kinh doanh như đã đề cập ở trên, thì thực tế vẫn có những bất cập lớn. Trước hết, theo báo cáo của Tổ Công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư hiện có 16 ngành, nghề trong 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chưa ban hành điều kiện đầu tư kinh doanh tương ứng. Như vậy, chưa bảo đảm thực thi quyền cho DN.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Từ đầu năm 2016, taxi muốn chạy chính danh ở Hà Nội và TP.HCM thì phải sắm tối thiểu 50 xe, tình thành còn lại phải là 10 xe theo đúng Nghị định số 86/2014/NĐ-CP. Trước đó chỉ cần có 1 xe cũng được quyền gia nhập thị trường và cạnh tranh trên đường. Quy định đông xe được đồn đoán là nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và nhàn thân cho cơ quan quản lý. Ý 1 rốt cuộc chỉ là mơ hồ, cảm tính, ý 2 cũng chưa khẳng định sai hay đúng, trúng hay trật.

Điều kiện kinh doanh mới toanh đó, có thể đúng với xã hội ta vào thế kỷ trước. Còn bây giờ, công nghệ cà thẻ, định vị, màn hình, hộp đen trang bị đến tận xe dù, mà cứ quản lý kiên trì định hướng thủ công thì cũng hơi kỳ cục. Quy định này khuyến khích độc quyền, hạn chế cạnh tranh và ngăn cản quyền tự do kinh doanh, nên đang tạm thời được nằm trong top 5 quy định tồi nhất theo bình chọn của cộng đồng DN.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:

Có thể nói, các Bộ chưa chú ý rà soát, đánh giá bãi bỏ các điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền không phù hợp, không cần thiết. Nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh vẫn được ban hành trái thẩm quyền hoặc hết hiệu lực nhưng vẫn đang được áp dụng. Vì vậy, chất lượng của hệ thống các quy định điều kiện kinh doanh về cơ bản chưa có cải thiện so với trước. Cho nên các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phải chấm dứt ngay việc này.

L.B (ghi)

Lương Bằng (ghi)

——————————————–

Hải Quan (Đối thoại) 20-4-2016:

http://www.baohaiquan.vn/Pages/Dang-co-nguy-co-can-tro-tien-trinh-cai-cach.aspx

(203/1.864)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,577