871. Vay vốn tài chính tiêu dùng

(DT) – Giao lưu với bạn đọc Báo Dân trí 14-16h ngày 26-10-2015:

Đào Duy Xuân – Nam 27 tuổi

Công ty tài chính và ngân hàng thương mại có gì giống và khác?

Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại có thể thực hiện tất cả các nghiệp vụ ngân hàng còn công ty tài chính thì chỉ được thực hiện một số nghiệp vụ ngân hàng, trong đó không được thực hiện dịch vụ thanh toán, không được nhận tiền gửi của cá nhân.

Nguyễn Gia Anh – Nam 42 tuổi

Tôi có một vấn đề mong được tư vấn giúp. Trước tôi có đứng tên giúp người thân vay vốn. Người thân của tôi cũng tất toán xong hết rồi. Theo tôi biết trong quá trình thanh toán nợ cũng có thanh toán chậm một vài lần. Hiện tôi muốn vay vốn lại nhưng không biết có vay được không? Tôi có thể kiểm tra lịch sử tín dụng bằng cách nào? Tôi xin cảm ơn.

Ông Nguyễn Quang Đông – Trưởng phòng Tiếp thị và truyền thông, Công ty tài chính TNHH HD SAISON:

Trả lời: Việc thanh toán chậm trễ sẽ làm tăng cao nguy cơ trở thành nhóm nợ xấu. Các khách hàng có nhóm nợ xấu sẽ không thể vay ở ngân hàng hoặc tổ chức tài chính khác trong vòng 5 năm.

Trường hợp của bạn, bạn cần liên hệ bên cho vay vì bên cho vay mới lưu hồ sơ và quản lý chi tiết khoản vay của khách hàng, đồng thời có thể kiểm tra lịch sử trên CIC. Bạn có thể liên hệ trực tiếp với tổ chức bạn đã vay để có thể kiểm tra giúp bạn.

nguyênx anh toan – Nam 42 tuổi

Hai vợ chồng tôi đều là giáo viên, lương cả 2 được 11tr. Hiện nay vẫn phải thuê nhà ở. Sống rất tằn tiện. Nuôi 2 con 10~12 tuổi. Với mức lương như vậy xin hỏi chúng tôi có khả năng vay gói 30 nghin tỷ để mua nhà thu nhập thấp không? Được thì vay ở ngân hàng nào.

Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Nếu thu nhập của cả 2 vợ chồng đều không vượt quá 9 triệu đồng/tháng/người và chưa có nhà ở hoặc nhà ở dưới 8m2/người thì có thể vay gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Hiện nay có hơn chục ngân hàng được tham gia cho vay gói này.

luu kimchi – Nữ 54 tuổi

Nhà tôi ở Hà Nội hiện đang đi thuê nhà hiện tôi muốn vay để mua đất, khoảng 300 triệu, trong khi lương có 3 triệu hỏi có vay được không? Nếu được thì tôi phải làm gì?

Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Nếu bạn chứng minh được có thêm các nguồn thu nhập khác để đảm bảo sinh hoạt và khả năng trả nợ vay thì sẽ được các tổ chức tín dụng xem xét cho vay.

Lưu Ngọc Ánh – Nam 30 tuổi

Em thấy kiểu vay vốn này rất đơn giản, không cần thế chấp gì cả, em rất muốn vay nhưng e lại có băn khoăn là vì em thấy quá đơn giản… Thứ 2 nữa là nếu vay như vậy thì sự ràng buộc của mình với ngân hàng ngoài công nợ phải trả ra thì còn phải chịu gì nữa không? Em cảm ơn

Ông Nguyễn Quang Đông – Trưởng phòng Tiếp thị và truyền thông, Công ty tài chính TNHH HD SAISON:

Trả lời: Đối với công ty tài chính, thủ tục vay đơn giản, dễ dàng, thuận tiện nhằm hỗ trợ khách hàng mua những sản phẩm tiêu dùng một cách tiện lợi và nhanh chóng.

Anh Thông – Nam 28 tuổi

Khi vay tiêu dùng, làm thế nào để tôi hiểu các thuật ngữ tài chính? Tôi có cần đọc kỹ hợp đồng tín dụng trước khi thực hiện khoản vay không, hay chỉ cần quan tâm mức trả góp hàng tháng là được rồi?

Ông Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước:

Thân chào anh Thông,

Với lợi thế khoản tiền vay có giá trị nhỏ, chỉ từ vài triệu đến vài chục triệu, không cần tài sản thế chấp, thủ tục hồ sơ đơn giản và thời gian giải ngân nhanh chóng, vay tiêu dùng tín chấp được đông đảo người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thấp sử dụng để giải quyết các khó khăn tài chính trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, không phải người tiêu dùng nào cũng quen thuộc với các thuật ngữ tài chính khi làm hồ sơ yêu cầu khoản vay. Hiện nay, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng nói chung về tín dụng cá nhân là một vấn đề phổ biến không chỉ riêng Việt Nam mà còn tại các quốc gia khác trên thế giới. Ở nước ta, kênh tín dụng tiêu dùng vẫn đang trong giai đoạn sơ khai và 90 – 95% khách hàng là những khách hàng mới – những người trải nghiệm dịch vụ tài chính cá nhân lần đầu tiên. Những trở ngại về kiến thức này nếu không được quan tâm đúng đắn có thể khiến một số người dân ngần ngại khi tiếp cận với vay tiêu dùng và dẫn đến những khiếu nại, tranh luận đáng tiếc sau này giữa người vay và bên cho vay. Vì vậy, người vay cần nắm vững các thuật ngữ và khái niệm được sử dụng khi vay tiêu dùng.

Thực tế, khi vướng phải bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình thỏa thuận để được vay tiêu dùng cá nhân, bao gồm cả thuật ngữ tài chính, người dân có thể yêu cầu nhân viên tư vấn trực tiếp giảng giải để hiểu rõ những nội dung mình sẽ đặt bút ký. Ngoài ra, các tổ chức tài chính có trách nhiệm nâng cao kiến thức cho khách hàng, minh bạch hóa các điều khoản và hỗ trợ kiến thức về vay tài chính cho người tiêu dùng qua các kênh như: đội ngũ nhân viên tư vấn tín dụng, chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp; website cung cấp các kiến thức cơ bản và những câu hỏi thường gặp khi vay tiêu dùng…

Người tiêu dùng có thể tham khảo một số thuật ngữ tài chính thường gặp như sau:

  • Khoản vay mua hàng gia dụng: là số tiền được tổ chức tài chính cho Bên Vay vay để thanh toán tiền mua hàng gia dụng cho Bên Bán.
  • Khoản trả trước: là khoản tiền mặt do Bên Vay trả trước cho Bên Bán tại thời điểm mua Hàng Hóa.
  • Số tiền vay còn lại: có nghĩa là tại bất kỳ thời điểm nào, một phần Số Tiền Vay mà Bên Vay chưa thanh toán đến thời điểm đó.
  • Lịch trả nợ: là bản thông tin giúp Bên Vay biết được khoản trả góp hàng tháng và ngày thanh toán hàng tháng.

Trước khi ký xác nhận các cam kết được nêu trong hợp đồng, khách hàng cần quan tâm đọc kỹ hợp đồng tín dụng để đảm bảo hiểu rõ các quyền lợi và nghĩa vụ được nêu. Chúng tôi đặc biệt lưu ý bạn 6 điểm then chốt của hợp đồng đó là: (1) số tiền vay và cách thức giải ngân; (2) số tiền trả góp hàng tháng; (3)mức lãi suất tiền vay; (4) phương thức tính toán thu lãi tiền vay theo toàn bộ dư nợ gốc suốt thời gian vay hay theo dư nợ giảm dần; (5) mức phí phạt chậm trả; (6) mức phí phải trả khi tất toán hợp đồng vay trước thời hạn.

Ngoài ra bạn xem thêm quyền và nghĩa vụ của bên vay và bên cho vay… Càng hiểu biết thấu đáo về hợp đồng, người dân sẽ càng an tâm hơn khi vay và qua đó, sử dụng vay tiêu dùng trả góp như một phương tiện hỗ trợ tài chính hiệu quả nhất.

Hoàng Tuấn – Nam 32 tuổi

Cho tôi hỏi lãi suất cho vay được tính như thế nào? Nếu tôi trả được trước hạn có bị phạt không?

Ông Nguyễn Quang Đông – Trưởng phòng Tiếp thị và truyền thông, Công ty tài chính TNHH HD SAISON:

Trả lời: Lãi suất vay dựa trên rất nhiều yếu tố, mức độ rủi ro, lịch sử tín dụng, số tiền vay kỳ hạn vay và vài yếu tố khác nếu có trong quá trình thẩm định.

Nếu trả trước hạn thì sẽ phải chịu trả phí thanh lý hợp đồng trước thời hạn.

Ông Nguyễn Quang Đông – Trưởng phòng Tiếp thị và truyền thông, Công ty tài chính TNHH HD SAISON tại cuộc giao lưu trực tuyến cùng độc giải Dân trí

Nguyễn Viết Thắng – Nam 60 tuổi

Tôi chưa vay song thấy con tôi nói rất khó, vì quảng cáo là vậy xong thủ tục ruờm rà lắm. Vậy thủ tuc gồm những gì có thể công khai cho mọi công dân biết rộng rãi không?

Ông Nguyễn Quang Đông – Trưởng phòng Tiếp thị và truyền thông, Công ty tài chính TNHH HD SAISON:

Trả lời: Về phía công ty tài chính tiêu dùng hồ sơ, thủ tục sẽ đơn giản hơn. Đa số khoản vay, khách hàng chỉ cần cung cấp bản sao chứng minh nhân dân, hộ khẩu và không cần thế chấp. Nếu bạn vay dưới 10 triệu đồng chỉ cần cung cấp bản sao chứng minh nhân dân và giấy phép lái xe. Với HD SAISON, đa số khoản vay được duyệt trong vòng 30 phút.

Hồ Văn Trung – Nam 37 tuổi

mức cho vay tối đa là bao nhiêu? thời hạn trả nợ tối đa? trường hợp trả nợ trước thời hạn thì có phải chịu mức phạt nào không?

Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Pháp luật không hạn chế mức cho vay tối đa (trừ không vượt quá giới hạn an toàn vốn của tổ chức tín dụng) và thời hạn vay. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, khi trả nợ trước hạn thì khách hàng có thể phải trả toàn bộ lãi suất trong thời hạn đã cam kết (các tổ chức tín dụng thường gọi là phí trả trước hạn). Các mức vay, thời hạn, mức phí… cụ thể do tổ chức tín dụng quy định và thoả thuận với khách hàng.

Phan Ngọc Tân – Nam 50 tuổi

Em có vay mua điện thoại trả góp tại PPF nhưng có thanh toán chậm 1 vài lần có dẫn tới bị phạt. Xin cho em hỏi, việc thanh toán chậm trễ đó em có bị rơi vào nợ xấu không? Nếu bị rơi vào nợ xấu điều đó có ảnh hưởng gì đến khả năng vay vốn của em và người thân sau này không? Em xin cảm ơn.

Ông Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước:

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn có mua trả góp và có đóng trễ và bị phạt, tuy nhiên bạn chưa cho biết thời gian chậm trả là bao lâu nên Chúng tôi rất khó để tư vấn bạn chi tiết. Trường hợp của bạn, cần liên hệ trực tiếp với bên PPF để kiểm tra chính xác bạn có rơi vào nợ xấu hay nợ nhóm mấy trên hệ thống phân loại dư nợ cho vay tại CIC.

Chúng tôi xin được lưu ý giúp bạn, khoản mua trả góp cũng xét là khoản vay vốn thông thường. Nếu trong quá trình vay vốn bạn có thanh toán chậm vài lần hoặc thường xuyên quá hạn thì có thể bị đánh giá vào nợ nhóm 2 đến nhóm 5 tùy thuộc vào thời gian quá hạn của khoản vay mà bạn chưa trả nợ. Vì khi vay vốn tại Ngân hàng hay Tổ chức tài chính, thì tổ chức tín dụng sẽ cung cấp cho CIC thông tin về các khoản vay, tên người vay, và quá trình thanh toán khoản vay đó. Sau đó, CIC sẽ tổng hợp chúng thành một cơ sở dữ liệu thống nhất phản ánh lịch sử tín dụng của từng cá nhân. Trên hệ thống CIC, dư nợ của bạn sẽ được xếp vào 1 trong 5 nhóm sau:

  • Nhóm 1: Dư nợ đủ tiêu chuẩn (là các khoản nợ có đủ khả năng thu hồi đầy đủ cả gốc và lãi đúng thời hạn. Nhưng nếu quá hạn từ 1 đến dưới 10 ngày, vẫn nằm trong nhóm đủ tiêu chuẩn nhưng sẽ bị phạt lãi quá hạn 150%)
  • Nhóm 2: Dư nợ cần chú ý (là các khoản nợ quá hạn từ 10 đến dưới 90 ngày)
  • Nhóm 3: Dư nợ dưới tiêu chuẩn (là các khoản nợ quá hạn từ 90 đến 180 ngày)
  • Nhóm 4: Dư nợ có nghi ngờ (là các khoản nợ quá hạn từ 181 đến 360 ngày)
  • Nhóm 5: Dư nợ có khả năng mất vốn (là các khoản nợ quá hạn trên 360 ngày)

Lưu ý: Nhóm 1 tùy từng mức độ trả quá hạn có thường xuyên hay không. Nếu xảy ra thường xuyên và liên tục hoặc tổ chức tín dụng đánh giá khả năng thanh toán không tốt thì có thể trả chậm từ 5->7 ngày cũng có thể rơi vào nợ nhóm 2.

Ranh giới giữa nhóm 1 và nhóm 2 cũng có thể dễ chuyển sang nhóm nợ xấu là nhóm 3 hoặc nhóm 4 hay nhóm 5. Do đó, tùy theo khẩu vị rủi ro của mỗi tổ chức tín dụng đánh giá sẽ có cảm nhận (định tính) khác nhau. Nói như vậy, ranh giới giữa các nhóm nợ cũng có thể thay đổi tùy mức độ của từng khách hàng và sự đánh giá của tổ chức cho vay đó, chứ không hẳn như quy định cụ thể về số ngày quá hạn của các nhóm nợ nêu trên.

Bạn cần liên hệ với tổ chức cho vay để được hỗ trợ chi tiết. Riêng đối với người thân của bạn, nếu không phải là vợ hoặc chồng, thì khi họ đi vay vốn sẽ không bị ảnh hưởng bởi lịch sử tín dụng của bạn.

Nguyễn Văn Khánh – Nam 31 tuổi

Vậy cụ thể những lợi ích mà cho vay tiêu dùng mang lại là gì?

Ông Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước:

Thứ nhất, cho vay tiêu dùng nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân, đặc biệt là những người dân có thu nhập thấp và trung bình hay nhóm khách hàng “dưới chuẩn” thường bị từ chối bởi các Ngân hàng thương mại truyền thống, góp phần giúp nhóm dân cư “bình dân” tích lũy được tài sản, cải thiện chất lượng cuộc sống và gia tăng công bằng xã hội.

Thứ hai, góp phần gia tăng sự hiểu biết về tài chính cho các nhóm khách hàng mới, tầng lớp dân cư ít tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Từ đó, giúp họ quản lý tốt hơn các giao dịch tài chính cá nhân, cũng như tạo nền tảng để họ có thể sẵn sàng sử dụng các dịch vụ tài chính khác bao gồm các dịch vụ ngân hàng truyền thống.

Thứ ba, cho vay tiêu dùng làm giảm nhu cầu đối với các dịch vụ tín dụng phi chính thức, hạn chế cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”.

Thứ tư, đây cũng được xem là một kênh quan trọng làm kích cầu tiêu dùng. Qua đó làm tăng sản lượng và tạo thêm các cơ hội việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

Cho vay tiêu dùng là một hình thức hiện rất phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam, dù chỉ mới phát triển mạnh mẽ trong một vài năm gần đây, số liệu gần nhất của NHNN cho biết nó chiếm khoảng 8% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, và cho thấy tiềm năng của nó trong tương lai là rất lớn. Tuy nhiên, cho vay tiêu dùng chưa được đón nhận cái nhìn khách quan từ người dân và xã hội do lãi suất cho vay tiêu dùng thường cao hơn so với lãi suất cho vay kinh doanh. Sự tồn tại và phát triển nào cũng có cái lý của nó và để hiểu tại sao lãi suất cho vay tiêu dùng cao.

Hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này đang rất nỗ lực để có thể quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng với hai mục tiêu chính là bảo vệ người đi vay và đồng thời thúc đẩy thị trường cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, cung cấp các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Hoàng Văn Tuân – Nam 67 tuổi

Chồng tôi cho em trai mượn sổ đỏ và giờ không có khả năng trả nợ. Giờ vợ chồng tôi muốn vay vốn tín chấp thì có bị ảnh hưởng gì không? Xin cảm ơn.

Ông Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước:

Trước hết, vì bạn không đề cập rõ về khoản vay mất khả năng thanh toán đó đứng tên ai nên tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về từng trường hợp:

Hiện nay các Ngân hàng, khi cho vay  họ sẽ xem xét lịch sử tín dụng của khách hàng, điều này rất quan trọng để quyết định có cho bạn vay hay không.

  1. Nếu khoản vay đứng tên bạn hoặc chồng bạn thì trong trường hợp này bạn không thể vay vốn ở Ngân hàng. Vì khoản vay rơi vào nhóm nợ xấu – Nợ mất khả năng thanh toán, các Ngân hàng không hỗ trợ cho vay.
  2. Nếu khoản vay đứng tên em trai chồng của bạn, nhưng tài sản mang đi làm bảo đảm ở Ngân hàng đứng tên vợ chồng bạn (vì sổ đỏ quyền sử dụng đất đương nhiên đứng tên cả chồng và vợ), trong trường hợp khoản vay không còn khả năng trả nợ như bạn nói thì xảy ra 2 trường hợp:
  • Đối với các Ngân hàng khi thẩm định khả năng cho vay, nếu họ có xét đến tài sản của bạn và thấy tài sản đó đã gắn với khoản nợ xấu. Trong trường hợp này việc vay vốn của bạn chắc chắn bị ảnh hưởng và rất khó để vay vốn.
  • Ở một số Ngân hàng, khi thẩm định cho vay, nếu họ thấy được khả năng trả nợ của bạn tốt (có địa chỉ chỗ ở cụ thể, có việc làm để tạo thu nhập ổn định đủ khả năng trả nợ) thì cũng có thể họ sẽ chấp nhận cho bạn vay tín chấp mà không quá coi trọng vào tài sản thế chấp. Trường hợp này ngân hàng sẽ ràng buộc rất chặt chẽ về chuyển thu nhập qua tài khoản của bạn mở tại ngân hàng của họ.Và mức vay ngân hàng họ tính toán trên cơ sở tiền lương hàng tháng của bạn.

Nguyễn Huyền Thu – Nữ 36 tuổi

Tôi là công chức nhà nước, chồng tôi làm ngoài. Vợ chồng tôi thu nhập khoảng gần 30 triệu/tháng. Tôi muốn vay mua nhà. Vậy tôi nên chọn gói vay và hình thức, ngân hàng nào là phù hợp với khả năng chi trả của tôi.( Tôi phải chi phí cho gia đình khoảng 12 triệu/tháng rối)

Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Hiện nay, trên thị trường có nhiều gói vay mua nhà như cho vay thanh toán hết số tiền nhà ngay hoặc trả góp trong nhiều năm theo chính sách của từng tổ chức tín dụng. Với thu nhập như của bạn có thể vay để mua nhà tại nhiều tổ chức tín dụng. Bạn nên liên hệ với các ngân hàng để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể hơn.

NGUYỄN VĂN AN – Nam 35 tuổi

Tại sao các tổ chức cho vay tài chính không cho người trong lực lương vũ trang vay? ví dụ: CTTC PRUDETIAL… TPHCM

Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Pháp luật không quy định hạn chế đối tượng lực lượng vũ trong không được vay. Đối với một đối tượng cụ thể nào đó có thể do công ty tài chính quy định riêng.

Trần Văn Huân – Nam 40 tuổi

Tôi muốn vay tiền để mở rộng sản xuất kinh doanh và tôi không có thuế chấp thì làm thế nào để vay được tiền hoặc muốn vay tiền mua nhà ở thì vay theo cách nào nhanh nhất?

Ông Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước:

Nếu bạn muốn vay tiền để mở rộng sản xuất kinh doanh, theo tôi, bạn nên tìm đến một Ngân hàng Thương mại để trình bày phương án của mình. Thông thường các ngân hàng thương mại sẽ phải thẩm định rất kỹ về phương án kinh doanh của bạn. Nếu bạn đã có lịch sử quan hệ tín dụng tốt với một ngân hàng thì điểm tích luỹ của bạn có thể giúp bạn được ngân hàng xem xét cho vay tín chấp. Tuy nhiên, xin lưu ý là bạn phải có quan hệ rất “ruột” với ngân hàng vì chỉ có vậy họ mới hiểu bạn. Trường hợp là công ty thì bạn phải chứng minh được doanh nghiệp của bạn có lãi hai năm liền kề và báo cáo tài chính của công ty bạn phải được kiểm toán hoặc được xác nhận của các cơ quan thuế (theo quy định tại văn bản 1627 của NHNN). Công ty bạn có thể được xem xét cho vay tín chấp. Trường hợp chưa có lịch sử quan hệ tín dụng và chưa được đánh giá tín nhiệm cao thì bạn buộc phải nhờ người thân hoặc một bên thứ 3 có tài sản đứng ra bảo đảm cho khoản vay của mình.

Muốn vay tiền mua nhà ở các nhanh nhất bạn hãy vào trang web của các NHTM đang có các gói cho vay mua nhà ở thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai của các chủ dự án đầu tư kinh doanh bất động sản. Sản phẩm cho vay này phải chứng minh được phần vốn tự có đóng góp mua nhà theo từng giai đoạn mà chủ đầu tư yêu cầu bên mua nhà phải thanh toán, phần còn thiếu ngân hàng sẽ cho bạn vay, đương nhiên, tỷ lệ tham gia của bạn tuỳ theo yêu cầu của mỗi ngân hàng. Như tôi được biết tối thiểu bạn phải có 20% vốn tự có tham gia theo từng đợt nộp tiền cho chủ đầu tư.

Trong trường hợp này đương nhiên các ngân hàng sẽ yêu cầu bạn ký kết tài sản thế chấp là căn hộ hình thành trong tương lai. Đến khi chủ đầu tư hoàn tất thủ tục bàn giao và làm sổ hồng thì ngân hàng sẽ tiến hành hoàn thiện về tài sản thế chấp là căn hộ của bạn.

Nguyễn Ngọc Tuân – Nam 35 tuổi

Xin hỏi cần có một hành lang pháp lý như thế nào đối với các công ty tài chính?

Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Hiện nay việc tổ chức và hoạt động của các công ty tài chính đã được quy định khá cụ thể trong Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và Nghị định số 39/2014/NĐ-CP ngày 7/5/2014 của Chính phủ.

Nguyễn văn dương – Nam 32 tuổi

Tôi vay tiêu dùng có phải thế chấp tài sản không và lãi suất là bao nhiêu cũng như hạn mức vay là bao nhiêu đối với người thu nhập không ổn định?

Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Việc yêu cầu người vay có thế chấp hay không phụ thuộc vào chính sách của từng tổ chức tín dụng và tuỳ từng sản phẩm cho vay với mức lãi suất và hạn mức rất khác nhau.

Nguyễn Đình Trí – Nam 53 tuổi

Vay tài chính tiêu dùng khác với vay NHTM ra sao, được vay ở những lĩnh vực nào? tối đa bao nhiêu, thời hạn và cách trả, có cần tài sản thế chấp không? Vay mua xe ô tô được ko?

Ông Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước:

Vay tiêu dùng ở các công ty tài chính tiêu dùng có các điểm khác căn bản với vay tiêu dùng ở các NHTM như sau: Thứ nhất là thủ tục vay vốn đơn giản, nhanh chóng, chỉ cần có chứng minh thư, sổ hộ khẩu là bạn có thể được các công ty tài chính tiêu dùng xem xét cho vay, trong khi vay tại các ngân hàng thương mại thì các thủ tục đòi hỏi nhiều hơn như phải chứng minh được khả năng trả nợ, các khoản vay lớn phải có tài sản thế chấp. Trong khi các công ty cho vay tài chính tiêu dùng không nhất thiết phải có tài sản thế chấp.

Thứ hai là về mức cho vay, các công ty tài chính tiêu dùng đáp ứng đa dạng từ mức nhỏ lẻ vài trăm nghìn, vài triệu hoặc lớn hơn trong khi các ngân hàng thương mại thường cho vay các khoản lớn.

Thứ ba là đối tượng vay vốn, các công ty tài chính tiêu dùng đáp ứng rộng rãi về nhu cầu của khách hàng đối với các sản phẩm dùng cho cá nhân và hộ gia đình, từ những sản phẩm nhỏ như điện thoại, ấm điện, tủ lạnh… đến những sản phẩm lớn như mua nhà, sửa nhà, mua ô tô. Trong khi các ngân hàng thương mại thường cho vay các khoản lớn hơn như cho vay nhà thế chấp, sửa chữa nhà, mua ô tô… Có lẽ sản phẩm khá giống nhau giữa hai bên là phần vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng.

Thứ tư là lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính thường cao hơn so với lãi suất cho vay tiêu dùng của các NHTM.

Về mức cho vay tối đa là bao nhiêu tiền hiện nay chưa có quy định chính thức nào giới hạn về mức tối đa của một cá nhân vay tiêu dùng. Vì vậy, mức vay tối đa tiêu dùng sẽ căn cứ vào nhu cầu của bạn, khả năng trả nợ và yếu tố quan trọng là tài sản thế chấp cho các tổ chức tín dụng.

Về thời hạn vay do bạn thoả thuận với bên cho vay và có thể một vài tháng nhưng cũng có thể tới 15 năm như các ngân hàng cho vay trên thị trường hiện nay.

Về cách thức trả nợ: Bạn cũng hoàn toàn có thể thoả thuận với bên cho vay trả nợ theo định kỳ hàng ngày, hàng tháng hoặc hàng quý, hoặc 6 tháng, 1 năm về trả nợ gốc. Riêng phần trả lãi thì bên cho vay thường đưa ra yêu cầu bạn phải trả lãi hàng tháng vì bên cho vay cũng phải trả lãi huy động vốn cho người gửi hàng tháng.

nguyenthanhliêm – Nam 39 tuổi

Tôi làm tài xế tự do không hợp đồng lao đông.không có chứng minh thu nhập. Vậy có được vay không? Tôi ở TP.HCM.

Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Thông thường các tổ chức tín dụng yêu cầu người vay cần có hộ khẩu thường trú rõ ràng, chứng minh được nhu cầu sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Tuy nhiên, một số tổ chức chấp nhận cho vay trên cơ sở căn cứ gián tiếp như hoá đơn tiền điện hoặc điện thoại để chứng minh mức chi phí thường xuyên và khả năng thu nhập hàng tháng.

Quốc Khánh – Nam 55 tuổi

  1. Nên vay tiêu dùng của công ty tài chính hơn hay của các ngân hàng thuơng mại hơn? 2. Điều gì cần chú ý nhất trong bản hợp đồng vay? 3. Nên vay thời hạn bao lâu thì hợp lý và có lợi nhất đối với nguời vay?

Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Thứ nhất, vay ở đâu phụ thuộc vào sự thuận tiện của khách hàng và việc chấp nhận cơ chế, điều kiện vay vốn. Vay tiêu dùng tại các ngân hàng thương mại thường phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ, phức tạp hơn nên lãi suất thường thấp hơn so với công ty tài chính.

Khi vay tiêu dùng, cần chú ý vào mức lãi suất, các khoản phí và các điều kiện trả nợ khác.

Mặt khác, thời hạn vay càng ngắn càng tốt, nếu vay dài thì lãi suất sẽ cao hơn và rủi ro về lãi suất và trả nợ cũng lớn hơn. Tuy nhiên, còn phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ.

Nguyễn Văn Mạnh – Nam 32 tuổi

Nếu 1 người trong gia đình có rơi vào nợ xấu nhóm 4 thì các thành viên khác trong hộ khẩu có bị ảnh hưởng khi vay vốn không? Xin cảm ơn.

Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Theo quy định của pháp luật, thì khoản nợ của cá nhân này, không liên quan đến khoản nợ của cá nhân khác trong gia đình hoặc có cùng hộ khẩu, nếu như đó là các giao dịch vay vốn độc lập. Tuy nhiên, nếu việc vay vốn với tư cách là của hộ gia đình hoặc các thành viên trong hộ gia đình có mối quan hệ mật thiết với nhau như vợ chồng chẳng hạn, thì sẽ bị xem xét, đánh giá chung, vì là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của người vay.

Tạ Thị Lan – Nữ 29 tuổi

Tại sao vay tiêu dùng lãi suất quá cao như vậy? Và tại sao bên tư vấn của ngân hàng tư vấn cho khách lãi suất chỉ là 1,7%/tháng nhưng sau ký hợp đồng thì thực thu là 2,91%/1 tháng?

Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Lãi suất cho vay tiêu dùng nói riêng, cho vay của các công ty tài chính nói chung luôn cao hơn lãi suất cho vay SXKD, vì một loạt lý do như: Việc huy động vốn để cho vay của công ty tài chính khó khăn hơn ngân hàng, nên thường phải trả lãi cao hơn; tiền cho khách hàng vay được tiêu dùng hết và trả nợ bằng nguồn khác, nên TCTD khó nắm bắt và kiểm soát được dòng tiền; khoản vay thường nhỏ, nên chi phí cao; tài sản thế chấp không có hoặc khó xử lý, nên rủi ro lớn;…

Lãi suất ghi trên hợp đồng mới là cơ sở để thực hiện. Còn mức lãi suất đưa ra khi tư vấn có thể đã bị thay đổi tại thời điểm ký hợp đồng hoặc do thông tin tư vấn không chính xác.

Lê Nguyễn Loan Phượng – Nữ 33 tuổi

Cho em hỏi, trong trường hợp em nợ trên 3 tháng góp thì bị công ty tài chính chuyển thành nợ xấu trên hệ thống ngân hàng, vậy khi em trả hết tiền thì em có bị nợ xấu nữa không? Trong trường hợp em thanh lý sớm em có em có được ưu đãi gì không? Làm sao em biết mình còn nợ xấu và cách khắc phục nợ xấu như thế nào?

Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Nếu bạn đã trả hết nợ thì sẽ không còn nợ xấu nữa nhưng trong lịch sử quan hệ tín dụng vẫn bị ghi nhận là từng có nợ xấu. Trong trường hợp bạn thanh lý hợp đồng sớm thì sẽ không phải trả toàn bộ số lãi theo thời hạn đã cam kết.

Trường hợp có nợ xấu sẽ được các tổ chức tín dụng thông báo và đôn đốc. Nếu không được gia hạn nợ thì chỉ có cách trả đúng thời hạn mới không bị tính là nợ xấu nữa.

Nguyễn Xuân Lâm – Nam 29 tuổi

Em vay tiêu dùng mà người tư vấn không nói rõ là có hay không tham gia bảo hiểm với hợp đồng cũng không đưa. Xin hỏi các lãnh đạo như vậy có vấn đề gì không?

Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Trường hợp này là do nhân viên tư vấn đã không làm đúng trách nhiệm cung cấp đủ thông tin cho khách hàng. Nếu khách hàng chấp nhận kí hợp đồng để tham gia bảo hiểm thì đồng thời chấp nhận điều kiện vay vốn mà tổ chức tín dụng đặt ra. Tuy nhiên, nếu làm đúng thì cần phải thể hiện rõ nội dung này trong quá trình thương lượng và ghi nhận trong giấy tờ giao dịch giữa 2 bên.

Ngô Thanh Quý – Nam 27 tuổi

Hiện nay, các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, vay mua sắm với lãi suất cao hơn mức lãi suất tối đa của Ngân hàng Nhà nước quy định rất nhiều tại sao không bị xử phạt? Cụ thể có công ty cho vay mua sắm bằng hình thức trả góp với lãi suất lên đến 40% / năm.

Ông Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước:

Các công ty tài chính tiêu dùng cho vay với lãi suất lên đến 40%/năm mà không bị xử phạt là vì họ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Theo quy định tại khoản 2, điều 91 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và Thông tư 12 của NHNN hướng dẫn về việc thực hiện lãi suất thoả thuận trong cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Có thể có một số ý kiến viện dẫn điều khoản tại Bộ Luật Dân sự để cho rằng các công ty tài chính tiêu dùng hoặc các ngân hàng thương mại không được cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố thì cho rằng mức lãi suất lên đến 40%/năm là vi phạm quy định của pháp luật. Các ý kiến này không đúng vì theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì các văn bản quy phạm pháp luật của cùng một cơ quan ban hành nếu có quy định cùng về một vấn đề thì sẽ áp dụng văn bản được ban hành sau. Trong khi bộ luật Dân sự được Quốc hội ban hành năm 2005, Luật các Tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua năm 2010 và có hiệu lực từ 1/1/2011.

Đỗ Quốc An – Nam 40 tuổi

Tôi là công nhân với mức thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng, vợ làm cắt uốn tóc. Vậy tôi muốn vay tiêu dùng như chương trình đang đề cập có được không, mức vay tối thiểu và thủ tục như thế nào? Xin các chuyên gia giải thích giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Ông Nguyễn Quang Đông – Trưởng phòng Tiếp thị và truyền thông, Công ty tài chính TNHH HD SAISON:

Trả lời: Nếu bạn vay tiền mặt, mức vay tối thiểu là 15 triệu. Thủ tục chỉ cần bản sao chứng minh nhân dân, hộ khẩu và thư cam kết từ công ty nơi bạn làm việc. Khi bạn vay thì nhân viên tín dụng sẽ cung cấp chi tiết thủ tục.

Đậu Huy Chung – Nam 34 tuổi

Thủ tục vay tiêu dùng cần những gì? Ngân hàng nào cho vay?

Ông Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước:

Các ngân hàng thương mại hiện nay đều cho vay tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân.

Về thủ tục, bạn cần liên hệ với cán bộ tín dụng hoặc bộ phận hướng dẫn khách hàng của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, có thể vắn tắt như sau: Bạn phải có chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu để chứng minh mình đủ năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự. Hai là bạn phải đề xuất rõ nhu cầu vay tiêu dùng của mình là để làm gì. Ba là bạn phải chứng minh được phương án trả nợ từ các nguồn thu nhập của mình. Bốn là nếu các khoản vay lớn thì bạn phải có tài sản thế chấp…

Trường hợp bạn vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng của các ngân hàng (vay tín chấp) bạn phải chứng minh được thu nhập lương hàng tháng của mình.

Với các ngân hàng thương mại thì thủ tục vay vốn và các điều kiện vay vốn họ có những chuẩn mực về rủi ro khá là khắt khe, tuỳ vào mức độ chấp nhận rủi ro của từng ngân hàng.

Riêng đối với các công ty tài chính tiêu dùng thì thủ tục vay tiêu dùng là hết sức đơn giản, bạn chỉ cần có chứng minh thư, sổ hộ khẩu hoặc đăng ký KT3 là có thể vay được vốn. Nếu bạn càng có nhiều giấy tờ chứng minh về công ăn việc làm và thu nhập để trả nợ thì nó sẽ là lợi thế để bạn được hưởng mức lãi suất thấp hơn khi vay tiêu dùng tại các công ty tài chính.

Nguyễn Hoàng – Nam 25 tuổi

Tôi có nhu cầu mua tiêu dùng các sản phẩm điện tử (ví dụ như smartphone) giá khoảng 15 triệu. Tôi thấy các của hàng điện thoại bây giờ đều có các chương trình ưu đãi mua trả góp với lãi suất hấp dẫn. Vậy vui lòng cho tôi biết chi tiết sự khác nhau và thiệt hơn giữa vay tài chính tiêu dùng và mua trả góp trong trường hợp của tôi. Xim cảm ơn!

Ông Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước:

Thực ra vay trả góp hay vay tiêu dùng để mua điện thoại đó là giống nhau. Tuy nhiên, thông tin mà bạn cung cấp chúng tôi không thể nói rõ thiệt hơn trong tình huống này. Bạn có thể so sánh theo cách sau:

– Giá của smartphone bạn trả ngay bằng tiền mặt thì giá là bao nhiêu, trường hợp mua trả góp thì giá cuối cùng của nó là bao nhiêu, thời hạn bạn phải trả góp là bao lâu. Lấy giá sau cùng theo trả góp trừ đi giá mua bằng tiền mặt, đấy chính là phần lãi suất mà bạn phải trả cho hình thức mua trả góp.

– Nếu bạn đã có một phần tiền mặt còn lại bạn có thể vay của các công ty tài chính tiêu dùng để thanh toán cho chiếc smartphone thì bạn sẽ tính ra lãi suất mà bạn phải trả cho công ty tài chính tiêu dùng trong suốt thời gian vay.

So sánh giữa hai kết quả này cũng như các thủ tục của hai bên thì bạn sẽ nhận thấy rất rõ lợi ích của bên nào tốt hơn để bạn lưa chọn.

doanhunglam – Nam 31 tuổi

Tôi muốn vay tiêu dùng thì liên hệ găp ai.và ở hà nội có làm được không.

Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Ở Hà Nội có rất nhiều ngân hàng và công ty tài chính cho vay tiêu dùng, bạn có thể liên hệ với bất kỳ điểm giao dịch nào để được hướng dẫn cụ thể.

Nguyễn Khắc Nguyên – Nam 33 tuổi

Xin cho hỏi vay tiêu dùng là trực tiếp từ các ngân hàng hay qua một tổ chức tài chính nào khác, còn gọi là vay “nóng” ?

Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Cả ngân hàng và công ty tài chính đều có thể cho vay tiêu dùng. Vay nhanh và trong thời hạn ngắn thường được gọi là “vay nóng”, cũng có thể tại cả ngân hàng và công ty tài chính.

 

Hô anh Lê – Nữ 35 tuổi

Tôi là người buôn bán tại nhà, nếu muốn vay thì có phải thế chấp gì không? Lãi suất bao nhiêu?

Ông Nguyễn Quang Đông – Trưởng phòng Tiếp thị và truyền thông, Công ty tài chính TNHH HD SAISON:

Trả lời: Công ty chúng tôi chưa có chức năng vay vốn để kinh doanh.

Nguyễn Mai Anh – Nữ 35 tuổi

Mình có nhu cầu vay tiêu dùng trả qua lương?cho mình hỏi lãi suất cho vay thế nào và vay được bao nhiêu % của lương?

Ông Nguyễn Quang Đông – Trưởng phòng Tiếp thị và truyền thông, Công ty tài chính TNHH HD SAISON:

Trả lời: Lãi suất vay dựa trên rất nhiều yếu tố, mức độ rủi ro, lịch sử tín dụng, số tiền vaym kỳ hạn vay và vài yếu tố khác nếu có trong quá trình thẩm định.

Mức vay tối đa là từ 5-8 lần mức thu nhập hiện tại của bạn.

Lê Thi Hoa – Nữ 50 tuổi

Xin hỏi:hình thức cho vay tiêu dùng có hợp pháp không? Và nó có tồn tại lâu không? dân có nên vay không?

Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Cho vay tiêu dùng là một nghiệp vụ cho vay hoàn toàn hợp pháp của các tổ chức tín dụng. Xu thế này sẽ ngày càng phát triển. Việc quyết định vay vốn hay không hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu và khả năng trả nợ của khách hàng.

Nguyễn Văn Lợi – Nam 24 tuổi

Những vấn đề nào cần lưu ý khi vay tiêu dùng cá nhân:

Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Nghĩa vụ quan trọng nhất, đồng thời cũng là khó khăn nhất của người vay là việc trả nợ gốc và lãi. Vì vậy, trước hết phải nắm rõ lãi suất sẽ phải trả là bao nhiêu, cả trong trường hợp trả đúng hạn và quá hạn. Và đặc biệt là phải tính tới khả năng trả nợ có bảo đảm không. Lãi suất vay tiêu dùng thường cao, nếu không trả được nợ thì thường bị tính lãi quá hạn bằng 150% so với lãi suất trong hạn, đôi khi còn bị cộng thêm một số nghĩa vụ tài chính khác, sẽ dẫn đến lãi suất phải trả rất cao, càng khó trả nợ.

Le Ngoc Nhan – Nam 55 tuổi

Không ít khách hàng thắc mắc rằng tín dụng tiêu dùng tại các công ty tài chính cho vay với lãi suất cao. Nguyên nhân nào dẫn đến chi phí lãi vay đối với vốn tiêu dùng cao như vậy?

Ông Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước:

Không thể so sánh mức lãi suất sản phẩm cho vay tín chấp tiêu dùng của các công ty tài chính với mức lãi suất các sản phẩm cho vay của ngân hàng thương mại (NHTM), vì đó là những sản phẩm hoàn toàn khác nhau. Có những yếu tố sau đây đóng góp vào giá của khoản vay tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính và khiến giá cuả sản phẩm cho vay tiêu dùng cao hơn so với sản phẩm vay của ngân hàng thương mại.

Thứ nhất: Chi phí đầu vào của nguồn vốn cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thường cao hơn so với chi phí huy động vốn của ngân hàng thương mại do công ty tài chính không được phép huy động vốn từ dân cư, cũng không tận dụng được lợi thế mạng lưới như NHTM.

Thứ hai: Đó chính là chi phí bù đắp rủi ro của khoản vay. Lãi suất sẽ tỉ lệ thuận với rủi ro. Cho vay tiêu dùng tín chấp là một nghiệp vụ cho vay dựa trên uy tín cá nhân được đánh giá bởi tổ chức tín dụng dành cho một khách hàng mà không cần phải thế chấp tài sản. Chính vì vậy, cho vay tiêu dùng tín chấp có rủi ro cao, nên lãi suất phải cao hơn so với cho vay tiêu dùng có tài sản thế chấp của ngân hàng thương mại. Ngay cả NHTM khi họ cho vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng tức vay không có tài sản thế chấp thì lãi suất cũng khá cao 18-20%/năm. Và có trường hợp hai khách hàng cùng lựa chọn sản phẩm vay như nhau tại cùng một công ty tài chính nhưng lãi suất áp dụng cho hai khách hàng hoàn toàn khác nhau.

Ví dụ: Khách hàng A có thu nhập 10 triệu, có việc làm và nhà cửa ổn định thì sẽ có khả năng hoàn trả cao hơn khách hàng B có thu nhập 3 triệu và ở nhà thuê. Đương nhiên, lãi suất cho vay tiêu dùng của khách hàng A sẽ thấp hơn lãi suất cho vay của khách hàng B. Vì chi phí bù rủi ro của khách hàng A thấp hơn khách hàng B.

Thứ ba: Giá trị của khoản vay nhỏ lẻ, kỳ hạn vay ngắn (khoảng từ 6 – 8 tháng, thậm chí 4-5 tháng) dẫn đến các chi phí thẩm định, chi phí đòi nợ, chi phí quản lý khoản vay, chi phí phục vụ cao hơn bình thường. Như vậy, khi bóc tách các chi phí mà khoản vay phải chịu, chúng ta sẽ thấy giá cả phù hợp và lợi nhuận từ một khoản vay sẽ tương đối phù hợp hơn so với chi phí mà công ty phải bỏ ra trên một khoản vay. Ví dụ khoản chi công tác phí cho cán bộ tín dụng 50 ngàn đồng nếu tính trên khoản vay tiêu dùng 5 triệu từ công ty tài chính thì lãi suất đã tăng 1 điểm phần trăm (1%) nhưng với khoản vay lớn của NHTM là 50 triệu đồng, thì phần phí cộng vào lãi suất chỉ là 0,1 điểm phần trăm (0,1%). Nghĩa là đã chênh nhau tới 10 lần.

Một điểm cần lưu ý là tín dụng tiêu dùng phục vụ các nhu cầu đặc thù của người dân – phân khúc khách hàng có thu nhập thấp và trung bình cũng như những đối tượng không đủ điều kiện để tiếp cận được với tín dụng của NHTM. Rõ ràng rằng, những khách hàng không được phục vụ ở ngân hàng, nếu không có sự xuất hiện của các công ty tài chính tiêu dùng thì rất có thể sẽ đi vay thị trường chợ đen hay tổ chức cho vay lãi suất cao với mức giá cao hơn rất nhiều lần so với lãi suất của các công ty tài chính hiện tại. Chính lúc này, vai trò quan trọng của công ty tín dụng tiêu dùng được thể hiện rõ rệt.

Vay tiêu dùng tín chấp lãi suất cao hơn vay thế chấp là điều tự nhiên không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước phát triển. Và đó là xu hướng tài chính cá nhân hiện đại, tự bản thân nó sẽ điều chỉnh để phù hợp với thị trường, do đó chúng ta cần có cái nhìn khách quan.

Ông Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước trả lời câu hỏi của độc giả

Nguyễn Văn Trường – Nam 39 tuổi

Vậy cụ thể những lợi ích mà cho vay tiêu dùng mang lại là gì?

Ông Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước:

Cho vay tiêu dùng hiểu theo nghĩa hẹp là hoạt động cung cấp các khoản vay nhỏ cho cá nhân để mua hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho các mục đích tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình, nếu theo nghĩa rộng nó bao gồm cả khoản cho vay lớn mua nhà ở thế chấp, mua ô tô. Các khoản cho vay tiêu dùng ngày nay thường được cung ứng bởi ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, dưới các hình thức như cho vay mua nhà thế chấp, vay sửa chữa nhà, cho vay mua ô tô, mua xe máy trả góp, cho vay mua điện thoại – điện máy trả góp, cho vay tiền mặt cho các mục đích tiêu dùng, cho vay qua thẻ tín dụng, v.v.

Hoạt động cho vay tiêu dùng xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các cá nhân khi năng lực tài chính chưa đủ để trang trải nhu cầu, cho phép họ có thể tiêu dùng trước – chi trả sau dưới nhiều hình thức. Bên cạnh đó, sự phát triển của các hoạt động cho vay tiêu dùng cũng cho thấy hoạt động này không chỉ có ý nghĩa với từng cá nhân, mà còn mang lại những tác động tích cực cho toàn xã hội, là một công cụ quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

Nguyễn Thị Hoa Quế – Nữ 34 tuổi

Những lý do khiến vay tín chấp bị từ chối?

Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Khoản vay tín chấp trong trường hợp này, đúng bản chất là khoản vay không có tài sản bảo đảm theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005. Dù cho vay có hay không có tài sản bảo đảm, thì TCTD cũng sẽ từ chối cho vay nếu đánh giá khoản vay có khả năng rủi ro cao vượt mức có thể chấp nhận, tức cho vay mà không bảo đảm việc thu hồi vốn vay, không bảo đảm sự an toàn cần thiết khi cho vay. Trong nhiều trường hợp, khoản vay bị từ chối là do TCTD không có đủ thông tin cần thiết để đánh giá sự tín nhiệm và khả năng trả nợ của khách hàng vay.

Pham Van Vung – Nam 32 tuổi

Tôi phải đến đâu nếu hợp đồng của tôi có phát sinh vướng mắc?

Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Nếu người vay cho rằng mình bị ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng, thì có nhiều cách để bảo vệ như: Khiếu nại với chính đơn vị cho vay hoặc cấp trên trực tiếp, với Ngân hàng Nhà nước tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, với Cơ quan quản lý cạnh tranh và Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Người vay cũng có thể khởi kiện đến Toà án nhân dân cấp quận, huyện nơi có trụ sở của TCTD cho vay. Nếu hợp đồng tín dụng thoả thuận cơ chế giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại thì có thể khởi kiện ra Trọng tài.

Nguyễn Quán Chính – Nam 33 tuổi

Tôi có phải chứng minh mục đích vay?

Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Theo quy định của pháp luật hiện hành, yêu cầu đối với việc cho vay, giải ngân, quản lý khoản vay của các TCTD cũng như việc sử dụng vốn vay của khách hàng phải bảo đảm đúng mục đích. Tiêu dùng cũng chính là một mục đích vay vốn. Tuy nhiên, nếu vay vốn với mục đích tiêu dùng rõ ràng, cụ thể như xây, sửa nhà, mua phương tiện vận tải, nộp học phí, khám chữa bệnh,… thì đương nhiên phải chứng minh đúng mục đích vay vốn.

Phạm Ngọc Chung – Nam 31 tuổi

Tôi thấy một số ngân hàng và công ty tài chính cho vay với lãi rất cao? lãi cố định theo số tiền vay 2,4%/1 tháng và mang tính chất tự thỏa thuận với nhau. Vậy NHNN có biết được lãi suất của một số ngân hàng và công ty tài chính cho vay tiêu dùng và tín chấp này không?

Ông Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước:

Rõ ràng Ngân hàng Nhà nước ( NHNN) biết rất rõ các công ty tài chính và công ty cho vay tiêu dùng đối với khách hàng được áp dụng theo lãi suất thoả thuận giữa các bên với nhau. Căn cứ pháp lý của nó là khoản 2 điều 9 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và Thông tư 12 hướng dẫn của NHNN về việc cho vay theo lãi suất thoả thuận giữa tổ chức tín dụng với khách hàng.
Luật sư Trương Thanh Đức: “Lãi suất cho vay tiêu dùng nói riêng, cho vay của các công ty tài chính nói chung luôn cao hơn lãi suất cho vay SXKD”

Nguyễn Thảo – Nam

Quy trình thẩm định theo pháp luật diễn ra như thế nào?

Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Quy trình thẩm định một khoản vay cụ thể do các TCTD tự quy định trên cơ sở Quy chế cho vay theo Quyết định số 1626/2001/QĐ-NHNN như sau:

“Điều 15. Thẩm định và quyết định cho vay

  1. TCTD xây dựng quy trình xét duyệt cho vay theo nguyên tắc bảo đảm tính độc lập và phân định rõ ràng trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cho vay.
  2. TCTD xem xét, đánh giá tính khả thi, hiệu quả của dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc dự án đầu tư, phương án phục vụ đời sống và khả năng hoàn trả nợ vay của khách hàng để quyết định cho vay.
  3. TCTD quy định cụ thể và niêm yết công khai thời hạn tối đa phải thông báo quyết định cho vay hoặc không cho vay đối với khách hàng, kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ vay vốn và thông tin cần thiết của khách hàng. Trường hợp quyết định không cho vay, TCTD phải thông báo cho khách hàng bằng văn bản, trong đó nêu rõ căn cứ từ chối cho vay.”

Phạm Mạnh Hùng – Nam 30 tuổi

Lãi suất của các công ty tài chính cao do đâu?

Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Lãi suất cho vay tiêu dùng nói riêng, cho vay của các công ty tài chính nói chung luôn cao hơn lãi suất cho vay SXKD, vì một loạt lý do như: Việc huy động vốn để cho vay của công ty tài chính khó khăn hơn ngân hàng, nên thường phải trả lãi cao hơn; tiền cho khách hàng vay được tiêu dùng hết và trả nợ bằng nguồn khác, nên TCTD khó nắm bắt và kiểm soát được dòng tiền; khoản vay thường nhỏ, nên chi phí cao; tài sản thế chấp không có hoặc khó xử lý, nên rủi ro lớn;…

Phạm Ngọc Chung – Nam 31 tuổi

Các cửa hiệu cầm đồ cho vay 7.000 đồng/1 triệu/1 ngày. Vậy cơ quan nào có trách nhiệm quản lý về lãi suất ở đây?

Ông Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước:

Việc cho vay của các tiệm cầm đồ được cấp phép và quản lý của Bộ Công Thương. Tuy nhiên ở các nước phát triển ví dụ như Nhật Bản, thì việc cho vay tiêu dùng bao gồm cả việc cho vay trả góp, cho vay của các tiệm cầm đồ được điều chỉnh bởi Luật Cho vay tiêu dùng. Trong luật này, người ta hướng đến việc minh bạch trong việc tiếp cận tài chính tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như của bên cho vay theo đúng các quy định của pháp luật.

Đỗ Như Tùng – Nam 37 tuổi

Lãi suất của các công ty tài chính đang rất cao, có hai luồng quan điểm là áp trần lãi suất hay để tự cạnh tranh theo thị trường. Vậy ý kiến của ông thế nào về vấn đề này?

Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Trong nền kinh tế thị trường, thì lãi suất là giá cả của đồng tiền, mà đồng tiền thể hiện sức khoẻ của nền kinh tế, nên lãi suất cao hay thấp là do thị trường cạnh tranh của nền kinh tế quyết định. Không một công ty tài chính nào có thể tự đặt ra mức lãi suất quá khác biệt so với thị trường, đồng thời cũng không thể ép buộc khách hàng phải vay vốn. Vì vậy, muốn giảm lãi suất thì phải tác động gián tiếp vào môi trường kinh doanh, tăng tính cạnh tranh giữa các TCTD, giảm bớt rủi ro, hỗ trợ thu hồi nợ nhanh chóng, chứ không nên áp trần lãi suất. Nếu áp trần lãi suất không phù hợp với quy luật khách quan của thị trường thì chỉ dẫn đến tình trạng lách luật hay vi phạm tràn lan, kết quả cuối cùng là lãi suất vẫn không giảm thật sự, thậm chí còn tăng thêm vì phải phát sinh các chi phí đối phó, hợp thức hoá việc thu ngoài con số chính thức.

Đinh Kim Sơn – Nam 41 tuổi

Năm ngoái tôi có vay của Home Credit để mua một cái máy tính. Do trục trặc tài chính tôi đóng trễ nợ nhiều lần. Bây giờ tôi lại đang có nhu cầu vay sửa sang nhà cửa vì sắp đến Tết rồi. Với lịch sử vay tín dụng như vậy, liệu trường hợp của tôi có bị đánh giá tín dụng xấu không? Tôi có thể xem điểm tín dụng của tôi bằng cách nào? Sau bao lâu thì tôi sẽ lại vay được?

Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Đối với từng tổ chức tín dụng thì thường có những quy định về phân loại, xếp hạng, đánh giá khách hàng, trong đó một trong những căn cứ là uy tín (như có bị nợ xấu, nợ quá hạn hay không) trong lịch sử quan hệ tín dụng. Còn theo Quy định về Phân loại  nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD, đã được ban hành kèm theo Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22-4-2005 của Thống đốc NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung), thì có một số trường hợp trả nợ trễ sẽ bị coi là khoản nợ xấu, như khoản vay đã quá hạn từ 91 ngày trở lên hoặc đã được gia hạn nợ mà lại tiếp tục bị quá hạn hoặc khả năng trả nợ bị ảnh hưởng nghiêm trọng theo đánh giá của các TCTD,…

Pháp luật cũng không cấm việc cho vay đối với khách hàng “đóng trễ nợ” nói chung hoặc có nợ xấu nói riêng. Tuy nhiên, khách hàng đang hoặc đã từng có nợ xấu thì sẽ bị các TCTD đánh giá thấp nên thường không cho vay hoặc áp dụng điều kiện cho vay chặt chẽ hơn. Còn về điểm tín dụng của khách hàng do từng TCTD chấm thì không được công khai, vì liên quan đến các thông tin cá nhân là thông tin bí mật của khách hàng. Chỉ khi khách hàng giao dịch với TCTD đã chấm điểm thì mới có thể được biết về điểm tín dụng của mình.

Trương Xuân Hùng – Nam 29 tuổi

Nếu trong trường hợp không trả được nợ đúng hạn, người tiêu dùng có thể được hỗ trợ gì từ phía công ty tài chính không?

Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Tuy thuộc vào lý do trả nợ không đúng hạn, người vay có thể được công ty tài chính xem xét cho gia hạn nợ (tức kéo dài thời hạn trả nợ cuối cùng); cho điều chỉnh kỳ hạn trả nợ (tức là thay đổi các thời hạn trong từng lần trả nợ, nhưng giữ nguyên thời hạn trả nợ cuối cùng); cho miễn giảm nợ lãi, phí, tiền phạt. Và trong trường hợp đặc biệt, có thể được xem xét giảm nợ gốc.

Vu Ngoc Anh – Nam 27 tuổi

Tôi là người đứng tên vay trả góp cho người khác vay vốn, nhưng giờ người vay không trả khoản vay đó nữa thì tôi phải làm gì?

Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Xét về mặt pháp lý, trách nhiệm trả nợ vẫn là của bạn. Còn quan hệ với người khác nằm ngoài mối quan hệ vay vốn với TCTD. Tuy nhiên, nếu xảy ra trường hợp này, thì bạn cũng cần đề nghị TCTD làm việc giữa 3 bên (TCTD, người sử dụng vốn vay và bạn) để phối hợp giải quyết. Đồng thời cần phải yêu cầu cơ quan pháp luật xử lý, như tố giác tội phạm với cơ quan công an, nếu như người khác có dấu hiệu phạm tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm,… hoặc khởi kiện ra Toà án yêu cầu người liên quan phải thực hiện nghĩa vụ đã thoả thuận với bạn, nếu họ vi phạm nghĩa vụ theo thoả thuận giữa hai bên.

Nguyen Thi Dung – Nữ 55 tuổi

Tại sao tôi phải mua bảo hiểm cho khoản vay của mình, tôi không mua có được không?

Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Hoạt động cho vay của ngân hàng rủi ro rất cao, vì vậy cần thực hiện nghiêm túc các điều kiện, thủ tục cho vay, đồng thời thường phải có tài sản bảo đảm tiền vay để xử lý, thu hồi nợ trong trường hợp khách hàng không trả được nợ. Và một trong những biện pháp bảo đảm an toàn vốn vay, đó là mua bảo hiểm cho khoản vay, nhất là trong trường hợp cho vay không có tài sản bảo đảm. Tuy pháp luật không có quy định bắt buộc đối với việc tham gia loại bảo hiểm đối với khoản tiền cho vay, nhưng nếu bạn không đồng ý mua loại bảo hiểm này (theo thoả thuận), thì có thể sẽ không được TCTD chấp nhận việc cho vay.

Nguyễn Văn Tiến – Nam 37 tuổi

Tôi vừa làm hợp đồng với HD SAISON để mua một chiếc xe máy trả góp cho con trai đi học. Xin Luật sư cho tôi biết nếu trong trường hợp tôi trả nợ không đúng hạn mà có lý do thì có bị xử lý không?

Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Việc trả nợ không đúng hạn là vi phạm nghĩa vụ trả nợ trong hợp đồng tín dụng và sẽ bị xử lý theo các chế tài mà hai bên vay và cho vay đã thoả thuận cũng như theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu có lý do chính đáng (như bị hoả hoạn, ốm đau, tổn thất về tài sản dẫn đến khó khăn về tài chính,…) thì tuỳ theo từng trường hợp cụ thể, đơn vị cho vay sẽ xem xét cho gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, miễn giảm tiền lãi phải trả.

Nguyễn Thị Hoa Quế – Nữ 34 tuổi

Vay tài chính tiêu dùng có phải là vay tiền của ngân hàng không? Tài sản thế chấp có phải là bảng lương hàng tháng của người vay hay không? Lãi suất cho vay có rẻ hơn vay ngân hàng không?

Ông Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước:

Cho vay tiêu dùng hiểu theo nghĩa hẹp là hoạt động cung cấp các khoản vay nhỏ cho cá nhân để mua hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho các mục đích tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình, nếu theo nghĩa rộng nó bao gồm cả khoản cho vay lớn mua nhà ở thế chấp, mua ô tô. Các khoản cho vay tiêu dùng ngày nay thường được cung ứng bởi ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, dưới các hình thức như cho vay mua nhà thế chấp, vay sửa chữa nhà, cho vay mua ô tô, mua xe máy trả góp, cho vay mua điện thoại – điện máy trả góp, cho vay tiền mặt cho các mục đích tiêu dùng, cho vay qua thẻ tín dụng, v.v.

Việc cho vay tiêu dùng nếu có tài sản thế chấp thì phải thực hiện theo quy định tại Nghị định 163 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm. Điều đó có nghĩa là bạn phải có tài sản như nhà, xe ô tô hiện hữu của mình hoặc của bên thứ 3 đứng ra làm bảo đảm, hoặc có thể là tài sản được hình thành bởi vốn vay của các tổ chức tín dụng cũng như vốn tự có của bạn. Đi kèm là các hợp đồng thế chấp tài sản được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm nếu như quy định của pháp luật phải thực hiện việc công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm. Việc bạn vay tiêu dùng phải kê khai bảng lương hoặc trả lương qua ngân hàng chỉ là điều kiện ràng buộc về khả năng trả nợ của khách hàng đối với ngân hàng hoặc công ty tài chính tiêu dùng. Nếu có những điều kiện này thì lãi suất vay của bạn sẽ rẻ hơn vì bạn đã chứng minh được khả năng trả nợ của mình.

Lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty cho vay tài chính tiêu dùng không rẻ hơn so với các ngân hàng thương mại.

Bùi Đức Thành – Nam 32 tuổi

Tổng hợp Phần của Luật sư Trương Thanh Đức

Giám đốc Công ty Luật ANVI

 

Đào Duy Xuân – Nam 27 tuổi

  1. Công ty tài chính và ngân hàng thương mại có gì giống và khác?

Theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại có thể thực hiện tất cả các nghiệp vụ ngân hàng còn công ty tài chính thì chỉ được thực hiện một số nghiệp vụ ngân hàng, trong đó không được thực hiện dịch vụ thanh toán, không được nhận tiền gửi của cá nhân.

nguyênx anh toan – Nam 42 tuổi

  1. Hai vợ chồng tôi đều là giáo viên, lương cả 2 được 11tr. Hiện nay vẫn phải thuê nhà ở. Sống rất tằn tiện. Nuôi 2 con 10~12 tuổi. Với mức lương như vậy xin hỏi chúng tôi có khả năng vay gói 30 nghin tỷ để mua nhà thu nhập thấp không? Được thì vay ở ngân hàng nào.

Nếu thu nhập của cả 2 vợ chồng đều không vượt quá 9 triệu đồng/tháng/người và chưa có nhà ở hoặc nhà ở dưới 8m2/người thì có thể vay gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Hiện nay có hơn chục ngân hàng được tham gia cho vay gói này.

luu kimchi – Nữ 54 tuổi

  1. Nhà tôi ở Hà Nội hiện đang đi thuê nhà hiện tôi muốn vay để mua đất, khoảng 300 triệu, trong khi lương có 3 triệu hỏi có vay được không? Nếu được thì tôi phải làm gì?

Nếu bạn chứng minh được có thêm các nguồn thu nhập khác để đảm bảo sinh hoạt và khả năng trả nợ vay thì sẽ được các tổ chức tín dụng xem xét cho vay.

Hồ Văn Trung – Nam 37 tuổi

  1. mức cho vay tối đa là bao nhiêu? thời hạn trả nợ tối đa? trường hợp trả nợ trước thời hạn thì có phải chịu mức phạt nào không?

Pháp luật không hạn chế mức cho vay tối đa (trừ không vượt quá giới hạn an toàn vốn của tổ chức tín dụng) và thời hạn vay. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, khi trả nợ trước hạn thì khách hàng có thể phải trả toàn bộ lãi suất trong thời hạn đã cam kết (các tổ chức tín dụng thường gọi là phí trả trước hạn). Các mức vay, thời hạn, mức phí… cụ thể do tổ chức tín dụng quy định và thoả thuận với khách hàng.

Phan Ngọc Tân – Nam 50 tuổi

  1. Em có vay mua điện thoại trả góp tại PPF nhưng có thanh toán chậm 1 vài lần có dẫn tới bị phạt. Xin cho em hỏi, việc thanh toán chậm trễ đó em có bị rơi vào nợ xấu không? Nếu bị rơi vào nợ xấu điều đó có ảnh hưởng gì đến khả năng vay vốn của em và người thân sau này không? Em xin cảm ơn.

Nguyễn Huyền Thu – Nữ 36 tuổi

  1. Tôi là công chức nhà nước, chồng tôi làm ngoài. Vợ chồng tôi thu nhập khoảng gần 30 triệu/tháng. Tôi muốn vay mua nhà. Vậy tôi nên chọn gói vay và hình thức, ngân hàng nào là phù hợp với khả năng chi trả của tôi.( Tôi phải chi phí cho gia đình khoảng 12 triệu/tháng rối)

Hiện nay, trên thị trường có nhiều gói vay mua nhà như cho vay thanh toán hết số tiền nhà ngay hoặc trả góp trong nhiều năm theo chính sách của từng tổ chức tín dụng. Với thu nhập như của bạn có thể vay để mua nhà tại nhiều tổ chức tín dụng. Bạn nên liên hệ với các ngân hàng để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể hơn.

NGUYỄN VĂN AN – Nam 35 tuổi

  1. Tại sao các tổ chức cho vay tài chính không cho người trong lực lương vũ trang vay? ví dụ: CTTC PRUDETIAL… TPHCM

Pháp luật không quy định hạn chế đối tượng lực lượng vũ trong không được vay. Đối với một đối tượng cụ thể nào đó có thể do công ty tài chính quy định riêng.

Nguyễn Huyền Thu – Nữ 36 tuổi

  1. Tôi là công chức nhà nước, chồng tôi làm ngoài. Vợ chồng tôi thu nhập khoảng gần 30 triệu/tháng. Tôi muốn vay mua nhà. Vậy tôi nên chọn gói vay và hình thức, ngân hàng nào là phù hợp với khả năng chi trả của tôi.( Tôi phải chi phí cho gia đình khoảng 12 triệu/tháng rối)

Hiện nay, trên thị trường có nhiều gói vay mua nhà như cho vay thanh toán hết số tiền nhà ngay hoặc trả góp trong nhiều năm theo chính sách của từng tổ chức tín dụng. Với thu nhập như của bạn có thể vay để mua nhà tại nhiều tổ chức tín dụng. Bạn nên liên hệ với các ngân hàng để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể hơn.

NGUYỄN VĂN AN – Nam 35 tuổi

Nguyễn Ngọc Tuân – Nam 35 tuổi

  1. Xin hỏi cần có một hành lang pháp lý như thế nào đối với các công ty tài chính?

Hiện nay việc tổ chức và hoạt động của các công ty tài chính đã được quy định khá cụ thể trong Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và Nghị định số 39/2014/NĐ-CP ngày 7/5/2014 của Chính phủ.

Nguyễn văn dương – Nam 32 tuổi

  1. Tôi vay tiêu dùng có phải thế chấp tài sản không và lãi suất là bao nhiêu cũng như hạn mức vay là bao nhiêu đối với người thu nhập không ổn định?

Việc yêu cầu người vay có thế chấp hay không phụ thuộc vào chính sách của từng tổ chức tín dụng và tuỳ từng sản phẩm cho vay với mức lãi suất và hạn mức rất khác nhau.

 

nguyenthanhliêm – Nam 39 tuổi

  1. Tôi làm tài xế tự do không hợp đồng lao đông.không có chứng minh thu nhập. Vậy có được vay không? Tôi ở TP.HCM.

Thông thường các tổ chức tín dụng yêu cầu người vay cần có hộ khẩu thường trú rõ ràng, chứng minh được nhu cầu sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Tuy nhiên, một số tổ chức chấp nhận cho vay trên cơ sở căn cứ gián tiếp như hoá đơn tiền điện hoặc điện thoại để chứng minh mức chi phí thường xuyên và khả năng thu nhập hàng tháng.

Quốc Khánh – Nam 55 tuổi

  1. Nên vay tiêu dùng của công ty tài chính hơn hay của các ngân hàng thuơng mại hơn? 2. Điều gì cần chú ý nhất trong bản hợp đồng vay? 3. Nên vay thời hạn bao lâu thì hợp lý và có lợi nhất đối với nguời vay?

Thứ nhất, vay ở đâu phụ thuộc vào sự thuận tiện của khách hàng và việc chấp nhận cơ chế, điều kiện vay vốn. Vay tiêu dùng tại các ngân hàng thương mại thường phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ, phức tạp hơn nên lãi suất thường thấp hơn so với công ty tài chính.

 

Khi vay tiêu dùng, cần chú ý vào mức lãi suất, các khoản phí và các điều kiện trả nợ khác.

Mặt khác, thời hạn vay càng ngắn càng tốt, nếu vay dài thì lãi suất sẽ cao hơn và rủi ro về lãi suất và trả nợ cũng lớn hơn. Tuy nhiên, còn phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ.

Nguyễn Văn Mạnh – Nam 32 tuổi

  1. Nếu 1 người trong gia đình có rơi vào nợ xấu nhóm 4 thì các thành viên khác trong hộ khẩu có bị ảnh hưởng khi vay vốn không? Xin cảm ơn.

Theo quy định của pháp luật, thì khoản nợ của cá nhân này, không liên quan đến khoản nợ của cá nhân khác trong gia đình hoặc có cùng hộ khẩu, nếu như đó là các giao dịch vay vốn độc lập. Tuy nhiên, nếu việc vay vốn với tư cách là của hộ gia đình hoặc các thành viên trong hộ gia đình có mối quan hệ mật thiết với nhau như vợ chồng chẳng hạn, thì sẽ bị xem xét, đánh giá chung, vì là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của người vay.

Tạ Thị Lan – Nữ 29 tuổi

  1. Tại sao vay tiêu dùng lãi suất quá cao như vậy? Và tại sao bên tư vấn của ngân hàng tư vấn cho khách lãi suất chỉ là 1,7%/tháng nhưng sau ký hợp đồng thì thực thu là 2,91%/1 tháng?

Lãi suất cho vay tiêu dùng nói riêng, cho vay của các công ty tài chính nói chung luôn cao hơn lãi suất cho vay SXKD, vì một loạt lý do như: Việc huy động vốn để cho vay của công ty tài chính khó khăn hơn ngân hàng, nên thường phải trả lãi cao hơn; tiền cho khách hàng vay được tiêu dùng hết và trả nợ bằng nguồn khác, nên TCTD khó nắm bắt và kiểm soát được dòng tiền; khoản vay thường nhỏ, nên chi phí cao; tài sản thế chấp không có hoặc khó xử lý, nên rủi ro lớn;…

Lãi suất ghi trên hợp đồng mới là cơ sở để thực hiện. Còn mức lãi suất đưa ra khi tư vấn có thể đã bị thay đổi tại thời điểm ký hợp đồng hoặc do thông tin tư vấn không chính xác.

Lê Nguyễn Loan Phượng – Nữ 33 tuổi

  1. Cho em hỏi, trong trường hợp em nợ trên 3 tháng góp thì bị công ty tài chính chuyển thành nợ xấu trên hệ thống ngân hàng, vậy khi em trả hết tiền thì em có bị nợ xấu nữa không? Trong trường hợp em thanh lý sớm em có em có được ưu đãi gì không? Làm sao em biết mình còn nợ xấu và cách khắc phục nợ xấu như thế nào?

Nếu bạn đã trả hết nợ thì sẽ không còn nợ xấu nữa nhưng trong lịch sử quan hệ tín dụng vẫn bị ghi nhận là từng có nợ xấu. Trong trường hợp bạn thanh lý hợp đồng sớm thì sẽ không phải trả toàn bộ số lãi theo thời hạn đã cam kết.

Trường hợp có nợ xấu sẽ được các tổ chức tín dụng thông báo và đôn đốc. Nếu không được gia hạn nợ thì chỉ có cách trả đúng thời hạn mới không bị tính là nợ xấu nữa.

Nguyễn Xuân Lâm – Nam 29 tuổi

  1. Em vay tiêu dùng mà người tư vấn không nói rõ là có hay không tham gia bảo hiểm với hợp đồng cũng không đưa. Xin hỏi các lãnh đạo như vậy có vấn đề gì không?

Trường hợp này là do nhân viên tư vấn đã không làm đúng trách nhiệm cung cấp đủ thông tin cho khách hàng. Nếu khách hàng chấp nhận kí hợp đồng để tham gia bảo hiểm thì đồng thời chấp nhận điều kiện vay vốn mà tổ chức tín dụng đặt ra. Tuy nhiên, nếu làm đúng thì cần phải thể hiện rõ nội dung này trong quá trình thương lượng và ghi nhận trong giấy tờ giao dịch giữa 2 bên.

Lê Thi Hoa – Nữ 50 tuổi

  1. Xin hỏi:hình thức cho vay tiêu dùng có hợp pháp không? Và nó có tồn tại lâu không? dân có nên vay không?

Cho vay tiêu dùng là một nghiệp vụ cho vay hoàn toàn hợp pháp của các tổ chức tín dụng. Xu thế này sẽ ngày càng phát triển. Việc quyết định vay vốn hay không hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu và khả năng trả nợ của khách hàng.

Nguyễn Văn Lợi – Nam 24 tuổi

  1. Những vấn đề nào cần lưu ý khi vay tiêu dùng cá nhân:

Nghĩa vụ quan trọng nhất, đồng thời cũng là khó khăn nhất của người vay là việc trả nợ gốc và lãi. Vì vậy, trước hết phải nắm rõ lãi suất sẽ phải trả là bao nhiêu, cả trong trường hợp trả đúng hạn và quá hạn. Và đặc biệt là phải tính tới khả năng trả nợ có bảo đảm không. Lãi suất vay tiêu dùng thường cao, nếu không trả được nợ thì thường bị tính lãi quá hạn bằng 150% so với lãi suất trong hạn, đôi khi còn bị cộng thêm một số nghĩa vụ tài chính khác, sẽ dẫn đến lãi suất phải trả rất cao, càng khó trả nợ.

Nguyễn Thị Hoa Quế – Nữ 34 tuổi

  1. Những lý do khiến vay tín chấp bị từ chối?

Khoản vay tín chấp trong trường hợp này, đúng bản chất là khoản vay không có tài sản bảo đảm theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005. Dù cho vay có hay không có tài sản bảo đảm, thì TCTD cũng sẽ từ chối cho vay nếu đánh giá khoản vay có khả năng rủi ro cao vượt mức có thể chấp nhận, tức cho vay mà không bảo đảm việc thu hồi vốn vay, không bảo đảm sự an toàn cần thiết khi cho vay. Trong nhiều trường hợp, khoản vay bị từ chối là do TCTD không có đủ thông tin cần thiết để đánh giá sự tín nhiệm và khả năng trả nợ của khách hàng vay.

Pham Van Vung – Nam 32 tuổi

  1. Tôi phải đến đâu nếu hợp đồng của tôi có phát sinh vướng mắc?

Nếu người vay cho rằng mình bị ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng, thì có nhiều cách để bảo vệ như: Khiếu nại với chính đơn vị cho vay hoặc cấp trên trực tiếp, với Ngân hàng Nhà nước tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, với Cơ quan quản lý cạnh tranh và Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Người vay cũng có thể khởi kiện đến Toà án nhân dân cấp quận, huyện nơi có trụ sở của TCTD cho vay. Nếu hợp đồng tín dụng thoả thuận cơ chế giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại thì có thể khởi kiện ra Trọng tài.

Nguyễn Quán Chính – Nam 33 tuổi

  1. Tôi có phải chứng minh mục đích vay?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, yêu cầu đối với việc cho vay, giải ngân, quản lý khoản vay của các TCTD cũng như việc sử dụng vốn vay của khách hàng phải bảo đảm đúng mục đích. Tiêu dùng cũng chính là một mục đích vay vốn. Tuy nhiên, nếu vay vốn với mục đích tiêu dùng rõ ràng, cụ thể như xây, sửa nhà, mua phương tiện vận tải, nộp học phí, khám chữa bệnh,… thì đương nhiên phải chứng minh đúng mục đích vay vốn.

Nguyễn Thảo – Nam

  1. Quy trình thẩm định theo pháp luật diễn ra như thế nào?

Quy trình thẩm định một khoản vay cụ thể do các TCTD tự quy định trên cơ sở Quy chế cho vay theo Quyết định số 1626/2001/QĐ-NHNN như sau:

“Điều 15. Thẩm định và quyết định cho vay

  1. TCTD xây dựng quy trình xét duyệt cho vay theo nguyên tắc bảo đảm tính độc lập và phân định rõ ràng trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cho vay.
  2. TCTD xem xét, đánh giá tính khả thi, hiệu quả của dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc dự án đầu tư, phương án phục vụ đời sống và khả năng hoàn trả nợ vay của khách hàng để quyết định cho vay.
  3. TCTD quy định cụ thể và niêm yết công khai thời hạn tối đa phải thông báo quyết định cho vay hoặc không cho vay đối với khách hàng, kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ vay vốn và thông tin cần thiết của khách hàng. Trường hợp quyết định không cho vay, TCTD phải thông báo cho khách hàng bằng văn bản, trong đó nêu rõ căn cứ từ chối cho vay.”

Phạm Mạnh Hùng – Nam 30 tuổi

  1. Lãi suất của các công ty tài chính cao do đâu?

Lãi suất cho vay tiêu dùng nói riêng, cho vay của các công ty tài chính nói chung luôn cao hơn lãi suất cho vay SXKD, vì một loạt lý do như: Việc huy động vốn để cho vay của công ty tài chính khó khăn hơn ngân hàng, nên thường phải trả lãi cao hơn; tiền cho khách hàng vay được tiêu dùng hết và trả nợ bằng nguồn khác, nên TCTD khó nắm bắt và kiểm soát được dòng tiền; khoản vay thường nhỏ, nên chi phí cao; tài sản thế chấp không có hoặc khó xử lý, nên rủi ro lớn;…

Đỗ Như Tùng – Nam 37 tuổi

  1. Lãi suất của các công ty tài chính đang rất cao, có hai luồng quan điểm là áp trần lãi suất hay để tự cạnh tranh theo thị trường. Vậy ý kiến của ông thế nào về vấn đề này?

Trong nền kinh tế thị trường, thì lãi suất là giá cả của đồng tiền, mà đồng tiền thể hiện sức khoẻ của nền kinh tế, nên lãi suất cao hay thấp là do thị trường cạnh tranh của nền kinh tế quyết định. Không một công ty tài chính nào có thể tự đặt ra mức lãi suất quá khác biệt so với thị trường, đồng thời cũng không thể ép buộc khách hàng phải vay vốn. Vì vậy, muốn giảm lãi suất thì phải tác động gián tiếp vào môi trường kinh doanh, tăng tính cạnh tranh giữa các TCTD, giảm bớt rủi ro, hỗ trợ thu hồi nợ nhanh chóng, chứ không nên áp trần lãi suất. Nếu áp trần lãi suất không phù hợp với quy luật khách quan của thị trường thì chỉ dẫn đến tình trạng lách luật hay vi phạm tràn lan, kết quả cuối cùng là lãi suất vẫn không giảm thật sự, thậm chí còn tăng thêm vì phải phát sinh các chi phí đối phó, hợp thức hoá việc thu ngoài con số chính thức.

Đinh Kim Sơn – Nam 41 tuổi

  1. Năm ngoái tôi có vay của Home Credit để mua một cái máy tính. Do trục trặc tài chính tôi đóng trễ nợ nhiều lần. Bây giờ tôi lại đang có nhu cầu vay sửa sang nhà cửa vì sắp đến Tết rồi. Với lịch sử vay tín dụng như vậy, liệu trường hợp của tôi có bị đánh giá tín dụng xấu không? Tôi có thể xem điểm tín dụng của tôi bằng cách nào? Sau bao lâu thì tôi sẽ lại vay được?

Đối với từng tổ chức tín dụng thì thường có những quy định về phân loại, xếp hạng, đánh giá khách hàng, trong đó một trong những căn cứ là uy tín (như có bị nợ xấu, nợ quá hạn hay không) trong lịch sử quan hệ tín dụng. Còn theo Quy định về Phân loại  nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD, đã được ban hành kèm theo Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22-4-2005 của Thống đốc NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung), thì có một số trường hợp trả nợ trễ sẽ bị coi là khoản nợ xấu, như khoản vay đã quá hạn từ 91 ngày trở lên hoặc đã được gia hạn nợ mà lại tiếp tục bị quá hạn hoặc khả năng trả nợ bị ảnh hưởng nghiêm trọng theo đánh giá của các TCTD,…

Pháp luật cũng không cấm việc cho vay đối với khách hàng “đóng trễ nợ” nói chung hoặc có nợ xấu nói riêng. Tuy nhiên, khách hàng đang hoặc đã từng có nợ xấu thì sẽ bị các TCTD đánh giá thấp nên thường không cho vay hoặc áp dụng điều kiện cho vay chặt chẽ hơn. Còn về điểm tín dụng của khách hàng do từng TCTD chấm thì không được công khai, vì liên quan đến các thông tin cá nhân là thông tin bí mật của khách hàng. Chỉ khi khách hàng giao dịch với TCTD đã chấm điểm thì mới có thể được biết về điểm tín dụng của mình.

Trương Xuân Hùng – Nam 29 tuổi

  1. Nếu trong trường hợp không trả được nợ đúng hạn, người tiêu dùng có thể được hỗ trợ gì từ phía công ty tài chính không?

Tuy thuộc vào lý do trả nợ không đúng hạn, người vay có thể được công ty tài chính xem xét cho gia hạn nợ (tức kéo dài thời hạn trả nợ cuối cùng); cho điều chỉnh kỳ hạn trả nợ (tức là thay đổi các thời hạn trong từng lần trả nợ, nhưng giữ nguyên thời hạn trả nợ cuối cùng); cho miễn giảm nợ lãi, phí, tiền phạt. Và trong trường hợp đặc biệt, có thể được xem xét giảm nợ gốc.

Vu Ngoc Anh – Nam 27 tuổi

  1. Tôi là người đứng tên vay trả góp cho người khác vay vốn, nhưng giờ người vay không trả khoản vay đó nữa thì tôi phải làm gì?

Xét về mặt pháp lý, trách nhiệm trả nợ vẫn là của bạn. Còn quan hệ với người khác nằm ngoài mối quan hệ vay vốn với TCTD. Tuy nhiên, nếu xảy ra trường hợp này, thì bạn cũng cần đề nghị TCTD làm việc giữa 3 bên (TCTD, người sử dụng vốn vay và bạn) để phối hợp giải quyết. Đồng thời cần phải yêu cầu cơ quan pháp luật xử lý, như tố giác tội phạm với cơ quan công an, nếu như người khác có dấu hiệu phạm tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm,… hoặc khởi kiện ra Toà án yêu cầu người liên quan phải thực hiện nghĩa vụ đã thoả thuận với bạn, nếu họ vi phạm nghĩa vụ theo thoả thuận giữa hai bên.

Nguyen Thi Dung – Nữ 55 tuổi

  1. Tại sao tôi phải mua bảo hiểm cho khoản vay của mình, tôi không mua có được không?

Hoạt động cho vay của ngân hàng rủi ro rất cao, vì vậy cần thực hiện nghiêm túc các điều kiện, thủ tục cho vay, đồng thời thường phải có tài sản bảo đảm tiền vay để xử lý, thu hồi nợ trong trường hợp khách hàng không trả được nợ. Và một trong những biện pháp bảo đảm an toàn vốn vay, đó là mua bảo hiểm cho khoản vay, nhất là trong trường hợp cho vay không có tài sản bảo đảm. Tuy pháp luật không có quy định bắt buộc đối với việc tham gia loại bảo hiểm đối với khoản tiền cho vay, nhưng nếu bạn không đồng ý mua loại bảo hiểm này (theo thoả thuận), thì có thể sẽ không được TCTD chấp nhận việc cho vay.

Nguyễn Văn Tiến – Nam 37 tuổi

  1. Tôi vừa làm hợp đồng với HD SAISON để mua một chiếc xe máy trả góp cho con trai đi học. Xin Luật sư cho tôi biết nếu trong trường hợp tôi trả nợ không đúng hạn mà có lý do thì có bị xử lý không?

Việc trả nợ không đúng hạn là vi phạm nghĩa vụ trả nợ trong hợp đồng tín dụng và sẽ bị xử lý theo các chế tài mà hai bên vay và cho vay đã thoả thuận cũng như theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu có lý do chính đáng (như bị hoả hoạn, ốm đau, tổn thất về tài sản dẫn đến khó khăn về tài chính,…) thì tuỳ theo từng trường hợp cụ thể, đơn vị cho vay sẽ xem xét cho gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, miễn giảm tiền lãi phải trả.

——————————

  1. Hợp đồng của các công ty tài chính hiện nay khá dài, người vay tiêu dùng cần chú ý những điểm nào trong hợp đồng?

Chủ yếu tập trung vào mấy nội dung quan trọng nhất, đó là số tiền vay, lãi suất trong hạn, lãi suất hạn, các khoản phí, chi phí khác (nếu có), các kỳ hạn trả nợ và thời hạn trả nợ cuối cùng. Đặc biệt, do thời hạn vay vốn khá dài, nên cần phải chú ý đến cách thức điều chỉnh lãi suất (cố định hay thay đổi, hay gòn gọi là thả nổi, và thay đổi thì dựa trên căn cứ hay công thức nào), vì có khả năng lãi suất bị biến động rất lớn, nhất là trường hợp tăng rất cao so với thoả thuận hay dự tính ban đầu.

  1. Các công ty tài chính cũng cần có trách nhiệm đối với khách hàng? Theo ông đó cụ thể là những trách nhiệm gì?

Theo quy định tại Điều 473 về “Nghĩa vụ của bên cho vay”, Bộ luật Dân sự năm 2005 và Điều 25 về “Quyền và nghĩa vụ của tổ chức tín dụng”, Quy chế Cho vay của TCTD đối với khách hàng, ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNNngày 31-12-2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (đã được sửa đổi, bổ sung), thì với tư cách là bên cho vay, các công ty tài chính cũng phải có các trách nhiệm đối với khách hàng. Đó là thực hiện đúng thoả thuận trong hợp đồng tín dụng (như giải ngân cho bên vay đầy đủ, đúng số lượng, thời hạn hay chỉ được yêu cầu bên vay trả lại tiền vay trước thời hạntheo đúng thoả thuận).  Ngoài ra, theo các nguyên tắc chung của giao dịch hợp đồng, thì bên cho vay cũng có trách nhiệm thiện chí, hợp tác, tạo điều kiện cho khách hàng trả nợ đúng hạn.

  1. Khi vay tài chính tiêu dùng, người vay tiền có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ cụ thể là gì?

Nghĩa vụ của người vay tài chính tiêu dùng hiện nay cũng giống như quyền và nghĩa vụ đối với người vay vốn của các TCTD nói chung. Cụ thể là theo Quy chế Cho vay của TCTD đối với khách hàng, ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN như sau:

Khách hàng vay có quyền:Từ chối các yêu cầu của TCTD không đúng với các thoả thuận trong hợp đồng tín dụng; khiếu nại, khởi kiện việc vi phạm hợp đồng tín dụng theo quy định của pháp luật;

Đồng thời, khách hàng vay có nghĩa vụ:Cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin, tài liệu liên quan đến việc vay vốn và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, tài liệu đã cung cấp; sử dụng vốn vay đúng mục đích, thực hiện đúng các nội dung đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng và các cam kết khác; trả nợ gốc và lãi vốn vay theo thoả thuận trong hợp đồng tín dụng; chịu trách nhiệm trước pháp luật khi không thực hiện đúng những thoả thuận về việc trả nợ vay và thực hiện các nghia vụ bảo đảm nợ vay đã cam kết trong hợp đồng tín dụng.

  1. Ngoài khoản vay phải trả gốc lãi hằng tháng tôi còn phải trả khoản phí nào nữa không?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, thì đối với cho vay tiêu dùng, khách hàng có thể phải trả phí trả nợ trước hạn (thực chất đây là khoản tiền lãi phải trả toàn bộ hoặc một phần cho thời hạn đã cam kết vay vốn theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005). Tuy nhiên, các TCTD có thể thu một số khoản phí khác như phí trước khi giải ngân, như thẩm định, quản lý tài sản bảo đảm, phí công chứng, chứng thực và đăng ký tài sản bảo đảm). Sau khi giải ngân thì cũng có thể có TCTD thu một số khoản phí như phí gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ,…

  1. Tôi là người đứng tên vay trả góp cho người khác vay vốn, nhưng giờ người vay không trả khoản vay đó nữa thì tôi phải làm gì?

Xét về mặt pháp lý, trách nhiệm trả nợ vẫn là của bạn. Còn quan hệ với người khác nằm ngoài mối quan hệ vay vốn với TCTD. Tuy nhiên, nếu xảy ra trường hợp này, thì bạn cũng cần đề nghị TCTD làm việc giữa 3 bên (TCTD, người sử dụng vốn vay và bạn) để phối hợp giải quyết. Đồng thời cần phải yêu cầu cơ quan pháp luật xử lý, như tố giác tội phạm với cơ quan công an, nếu như người khác có dấu hiệu phạm tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm,… hoặc khởi kiện ra Toà án yêu cầu người liên quan phải thực hiện nghĩa vụ đã thoả thuận với bạn, nếu họ vi phạm nghĩa vụ theo thoả thuận giữa hai bên.

  1. Hiện tại tôi đang vay thế chấp, vậy tôi có được vay tiêu dùng cá nhân nữa không?

Không có quy định nào của pháp luật hạn chế việc một người vay vốn nhiều nơi và nhiều khoản vay khác nhau, kể cả việc vay vốn SXKD hay tiêu dùng, việc vay vốn có hay không có tài sản thế chấp. Tất cả phụ thuộc vào điều kiện vay vốn và việc TCTD đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng.

  1. Không có hộ khẩu KT3 có vay tiêu dùng được không?

Pháp luật không quy định người vay phải có hộ khẩu cùng địa bàn với TCTD cho vay, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt, như việc Quỹ tín dụng nhân dân cho vay các hộ nghèo không phải là thành viên, thì phải có hộ khẩu và thường trú trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân theo quy định tại Điều 37 về “Hoạt động cho vay”, Thông tư số 04/2015/TT-NHNN ngày 31-5-2015, của Thống đốc NHNN Quy định về Quỹ tín dụng nhân dân.

Tuy nhiên, các TCTD thường không cho vay đối với người không có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú (KT3) trên cùng địa bản, vì khó theo dõi, quản lý khách hàng, nhất là khi phải khởi kiện ra Toà đòi nợ thì phải kiện tại nơi thường trú hoặc tạm trú dài hạn của người vay.

  1. Hiện người tiêu dùng vẫn đang phải chịu mức lãi suất vay cao. Tôi cho rằng NHNN cần có biện pháp áp trần lãi suất để bảo đảm quyền lợi cho người dân. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Lãi suất trong nhiều năm nay về cơ bản đã được tự do hoá theo thị trường. Với mạng lưới các TCTD dày đặc và thật sự cạnh tranh thật sựnhư hiện nay, thì nhìn chung, lãi suất đang phản ánh đúng mặt bằng giá cả thị trường, ngoại trừ một vài trường hợp bất thường. Vì vậy, không cần thiết phải áp đặt trần lãi suất. Hoặc có áp đặt thì cũng chỉ là hình thức, vì phải là trần rất cao và đặc biệt gần như không kiểm soát được việc lách luật theo hướng phản ánh đúng quy luật cung cầu thị trường.

Báo Dân trí  ngày 26-10-2015:

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,599