(KTSG) – Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Nga khẳng định, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có đủ cơ sở pháp lý để mua lại ngân hàng thương mại yếu kém với giá 0 đồng, nhưng đề nghị đây chỉ là giải pháp tình thế trước mắt.
Cuộc tọa đàm này nhằm trang bị cho các đại biểu QH bức tranh về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại – Ảnh TG
Được “đặt hàng” tại hội thảo về chủ đề “Cơ sở pháp lý để Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc cổ phần của các ngân hàng thương mại yếu kém với giá 0 đồng” do Viện Nghiên cứu Lập pháp tổ chức chiều 26-10, bà Nga khẳng định: “Qua xem xét bốn văn bản pháp lý, thì tôi thấy đã quy định rõ về thẩm quyền, thủ tục để NHNN mua lại NHTM yếu kém”.
Theo bà Nga, Luật Ngân hàng Nhà nước (khoản 4, điều 12), Luật các tổ chức tín dụng (Khoản 2 điều 149), Đề án Tái cơ cấu (mục 4, điều 2), và Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ đã tạo hành lang pháp lý để NHNN mua lại NHTM yếu kém với giá 0 đồng.
“Cơ sở pháp lý là khá chắc chắn. Cá nhân tôi khá yên tâm về căn cứ pháp lý về việc lần đầu tiên trong lịch sử NHNN mua lại ba ngân hàng với giá 0 đồng.”
Việc tổ chức hội thảo này là nhằm đem lại hiểu biết cho các đại biểu Quốc hội về tái cơ cấu hệ thống tín dụng, đặc biệt là việc NHNN mua lại với giá 0 đồng tại ba ngân hàng thương mại là Xây dựng, Đại dương, và Dầu khí gần đây gây nhiều tranh cãi.
Bà Nga nói: “Biện pháp này là cần thiết, phù hợp để giữ an toàn hệ thống, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền… Khi chúng ta làm hai Luật NHNN và Tổ chức tín dụng, Quốc hội yêu cầu phải đảm bảo an toàn hệ thống, và pháp luật đã cho phép các tổ chức tín dụng tự tái cơ cấu…”
“Kết luận, việc mua bắt buộc là giải pháp tích cực, đảm bảo căn cứ pháp lý, thực tiễn… mà Đảng và Nhà nước đặt ra trong tái cơ cấu kinh tế,” bà Nga nói.
Dù nói “chia sẻ” với các cổ đông mất vốn, song bà cho rằng, vì các cổ đông quyết định không đúng khi đầu tư mua cổ phiếu ở các tổ chức tín dụng này, nên họ cũng phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
Tuy nhiên bà cho rằng, trên thực tế, các NHTM không tuân thủ kỷ luật công bố thông tin nghiêm túc, nên chỉ khi NHNN tuyên bố mua lại thì các cổ đông nhỏ lẻ mới biết.
“Để tạo sự đồng thuận xã hội thì phải bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số. Câu hỏi đặt ra là quyền lợi cổ đông thiểu số sẽ như thế nào?” bà đặt trách nhiệm cho NHNN.
“Chúng tôi khuyến nghị chỉ nên coi đây là giải pháp trước mắt, IMF cũng khuyến nghị như vậy,” bà Nga nói.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân Thảo, mua NHTM với giá 0 đồng là “đặc thù” của Việt Nam ta, vì các quốc gia khác sẽ cho NHTM phá sản, thay vì mua 0 đồng.
“Chúng ta phải thực hiện đúng tinh thần xã hội chủ nghĩa thôi, nhà nước phải đứng ra giải quyết,” ông Thảo nói.
Nhận định của ông Thảo được đưa ra sau khi chuyên gia ngân hàng Lê Xuân Nghĩa trình bày tại phần đề dẫn hội thảo trước đó.
Ông Nghĩa khẳng định, căn cứ pháp lý để mua lại ngân hàng 0 đồng là Luật NHNN (điều 4, điều 49), Quyết định 48 của Thủ tướng, và một quyết định có số là 255 nhưng “không được công khai”.
“NHNN không phải bỏ ra xu nào, và vì NHNN bắt tay ngay vào quản lý nên dân chúng tiếp tục gửi tiền. Bên cạnh đó, NHNN đề nghị họ (NHTM đó) vay trên liên ngân hàng, và trong trường hợp đặc biệt thì NHNN cấp vốn để đảm bảo thanh khoản,” ông Nghĩa giải thích.
Ông nói: “Tôi đánh giá đó là hành động đầy sáng tạo. Tôi là cố vấn cho mấy NHTM thì thấy các NHTM này rất yếu kém, chây ì. Họ cho rằng bất động sản toàn là vàng ròng, không muốn bán, và muốn rút ruột ngân hàng thương mại để bù đắp, lún sâu vào mất vốn. Vì thế, cần NHNN ra quyết định nhanh chóng chấm dứt chây ỳ”.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng nhận xét rằng còn nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến đồng tình, có ý kiến băn khoăn về việc mua NHTM yếu kém với giá 0 đồng. Ông cho rằng, cần tiếp tục rà soát hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật cho việc này.
“Với các cổ đông cần xem xét, họ đưa vốn của mình ra kinh doanh, có lúc ấm lúc lạnh, làm ăn thua lỗ thì phải chịu rủi ro thôi,” ông nói.
Nán lại trao đổi với báo chí sau khi hội thảo kết thúc, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho biết thêm, thực tế việc mua 0 đồng không phải là việc quốc hữu hóa tài sản do Điều 51 Hiến pháp đã quy định, “Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.”
Ông Đức cũng dẫn ra hàng loạt trường hợp loại trừ pháp lý như không phải duy trì ngân hàng; không hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản ngân hàng; không phải là việc trưng mua, trưng thu tài sản; không phải là mua bán ngân hàng, và mua bán tài sản ngân hàng. Kèm theo đó, ông Đức viện dẫn rất chi tiết các luật liên quan hiện hành.
Mặc dù vậy, ông Đức cho rằng, các quyết định của NHNN đã dựa trên pháp luật nhằm giải quyết tình thế, là cần thiết, có ý nghĩa sống còn tránh nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng.
“Tuy nhiên, sự việc diễn ra trong bối cảnh hệ thống pháp luật còn chưa đầy đủ và cụ thể, rõ ràng để xử lý các trường hợp này,” ông nói với các phóng viên.
Tư Giang
——-
Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Ngân hàng) 26-10-2015:
http://www.thesaigontimes.vn/137565/Mua-ngan-ha%CC%80ng-0-do%CC%80ng-de-an-toan-he-thong.html
(221/1.140)