(VN+) – Ông Nguyễn Quang Tiến, Phó Trưởng Ban Cải cách và Hiện đại hóa, Tổng cục Thuế, nhận định chống chuyển giá là lĩnh vực khó nhất trong công tác quản lý thuế, bởi việc này liên quan đến nhiều vấn đề như thu thập cơ sở dữ liệu, hợp tác quốc tế…
Hoạt động thu, nộp thuế tại Cục Thuế Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)
Nhưng ông Tiến cũng khẳng định khi làm tốt, thanh tra giá chuyển nhượng không chỉ giúp chống thất thu ngân sách mà quan trọng hơn giúp nâng cao ý thức tuân thủ của các doanh nghiệp về thuế.
Theo ông Nguyễn Quang Tiến, trong 3 năm vừa qua, nhiều vụ việc chuyển giá đã bị phát hiện với giá trị điều chỉnh rất lớn; trong đó, vụ đầu tiên được phân tích thành công phải kể đến là trường hợp Công ty Dệt may Hualon của Liên doanh Malaysia-Đài Loan (Trung Quốc), British Virin Island tại Đồng Nai.
Qua thanh tra, cơ quan thuế đã ra quyết định giảm lỗ hơn 100 tỷ đồng và truy thu thuế 78 tỷ đồng. Đây là thành tích lớn nhất của ngành thuế trong khu vực Đông Nam Á.
Nhưng để có thể “phanh phui” được những doanh nghiệp chuyển giá như trên không phải là điều dễ dàng. Theo chuyên gia kinh tế Trương Thanh Đức, việc chứng minh các doanh nghiệp đa quốc gia có chuyển giá hay không là cực kỳ khó.
“Khó ở chỗ, chưa có cơ sở để khẳng định các chi phí doanh nghiệp kê khai là hợp lý hay không hợp lý. Ví dụ, chi phí lương cho chuyên gia nước ngoài, doanh nghiệp có thể kê cao hoặc thấp vì mỗi nước có một mặt bằng lương khác nhau, mỗi doanh nghiệp lại có một chính sách lương khác nhau,” ông Đức chỉ rõ.
Ông Trương Thanh Đức cho rằng, để chống chuyển giá cần sửa đổi luật lệ theo hướng đơn giản hóa, hợp lý và minh bạch các chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp chấp hành pháp luật.
Ông Đức cũng cho rằng, cần có các quy định chặt chẽ hơn liên quan đến xác định chi phí đầu vào, đầu ra của doanh nghiệp và cơ chế, chính sách chặt chẽ để xử lý kịp thời khi sự việc xảy ra.
Ngoài ra, tạo môi trường khuyến khích cạnh tranh, để các doanh nghiệp tranh đầu với nhau. Nếu doanh nghiệp này chuyển giá,doanh nghiệp kia sẽ phải phát hiện và báo cáo để cạnh tranh công bằng, bình đẳng hơn.
Mới đây, Tổng cục Thuế cũng đã thành lập Phòng thanh tra giá chuyển nhượng với hy vọng sẽ tạo nên bước chuyển biến mới trong công tác quản lý giá chuyển nhượng, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp, ngăn chặn các hành vi gian lận thuế qua định giá chuyển nhượng, hạn chế tình trạng thất thu ngân sách nhà nước.
Theo Tổng cục Thuế, hiện nay Việt Nam đã và đang chủ động mở cửa nền kinh tế, các doanh nghiệp tham gia hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đóng góp tích cực vào việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên cùng với các yếu tố tích cực, các hành vi gian lận thuế của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI cũng phát sinh đa dạng, trong đó tinh vi và phức tạp nhất là các hành vi gian lận thuế qua định giá chuyển nhượng.
Tổng cục thuế cho rằng, các hành vi này đã làm giảm số thu về thuế, gây thất thu cho ngấn sách nhà nước, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh thiếu công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, tác động lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước./.
Thùy Dương
—————-
Vietnam Plus (Tài chính) 29-10-2015:
(246/708)