877. Quảng cáo sai sự thật: Cú sốc lớn và bài học đắt giá cho Kangaroo

(TTT) – Các chuyên gia truyền thông cho rằng, sự cố liên quan đến máy lọc nước ngừa mỡ máu là cú sốc, bài học đắt giá cho Kangaroo.

Việc Công ty Cổ phần Tập đoàn điện lạnh điện máy Việt Úc (Tập đoàn Kangaroo) quảng cáo rầm rộ, thổi phồng về hiệu quả của máy lọc nước KG 100 Omega là có tác dụng “hỗ trợ ngăn ngừa mỡ máu” đã nhận được sự quan tâm của không ít người.

Trao đổi với phóng viên về sự việc đang gây xôn xao dư luận này,chuyên gia truyền thông mạng Nguyễn Ngọc Long cho hay:

“Kangaroo là một trong những trường hợp khá thành công trong việc gây sốc để quảng bá thời gian đầu.

Họ đã làm thành công để nhiều người chú ý tới thương hiệu của họ. Ngay khi được chú ý, họ đã tận dụng được cái đó để bốc lên.

Nhưng càng về sau, tôi thấy truyền thông của họ càng có những cái không đúng, thậm chí thành lừa dối người tiêu dùng. Như thế là không ổn!”, ông nhấn mạnh.

Kangroo không thể nhận lỗi là xong!

Blogger truyền thông xã hội này cho rằng, khi nói đến quảng cáo, người ta nghiễm nhiên chấp nhận việc thậm xưng. Tuy nhiên, ranh giới giữa thậm xưng và những thông tin không có thật là khác nhau.

“Việc quảng cáo như vậy có tác dụng là làm cho người ta tin và người ta mua. Rõ ràng Kangaroo rất hiểu điều đó.

Họ đang cố gắng sử dụng thậm xưng tức là tài trợ cho một công trình để công trình đó đưa ra một thông tin sau đó họ “bốc” lên thành 10 và họ hiểu là người dùng sẽ tin.

Nhưng nếu có thông tin phản bác, đương nhiên sẽ gây ảnh hưởng ngược lại và làm cho người ta mất niềm tin”, ông Long phân tích.

Chuyên gia truyền thông mạng Nguyễn Ngọc Long: Sau sự cố này, người mua sẽ bị mất niềm tin vào Kangaroo. (Ảnh: Internet)

Theo ông Long, sau sự cố này, những người chưa mua sản phẩm của họ sẽ bị mất niềm tin, sẽ có cảm giác “à cái bọn này đang nói dối”.

“Người ta sẽ nghĩ họ là kẻ nói dối. Một khi đã là kẻ nói dối thì nói cái gì cũng là nói dối. Rồi người ta sẽ liên hệ với những cái trước đây và cả những cái sau này.

Rõ ràng việc đó sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới thương hiệu”, Blogger này khẳng định.

Trước việc Kangaroo xin lỗi và gỡ bỏ toàn bộ các nội dung quảng cáo liên quan sản phẩm này, ông Long cho rằng, nếu chỉ làm như thế thôi thì không ổn.

“Việc nhận lỗi chỉ coi như là một tình tiết để giảm nhẹ chứ không thể biến có thành không được.

Đâu thể gây ra tội xong nhận lỗi rồi xí xóa? Nếu có một ai đó kiện hoặc tập thể người tiêu dùng kiện thì sẽ là một chuyện rất lớn”, anh Long nhấn mạnh.

“Bài học đắt giá cho Kangaroo”

Trong khi đó, bà Trịnh Bích Nga – người từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc truyền thông cho Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) nhận định:

“Tôi nghĩ đây là một bài học đắt giá, cú sốc với Kangaroo bởi nó gây ảnh hưởng lớn tới thương hiệu của họ. Để lấy lại được niềm tin với khách hàng cũng là cả quá trình tương đối dài”.

Bà Nga cho rằng khi làm quảng cáo, có thể dùng từ hoa mỹ, nhưng không được phép nói sai sự thật. Nếu quảng cáo không đúng với những gì đã có thì không thể chấp nhận được.

“Có nhiều cách xây dựng thương hiệu: Theo hướng tích cực hoặc tiêu cực. Nhưng dù có theo chiều hướng tiêu cực thì sản phẩm của mình cũng không được tiêu cực.

Quảng cáo sai sự thật như thế là không tôn trọng người tiêu dùng”, bà Nga nói.

Kangraoo không thể chỉ xin lỗi suông với người dùng! (Ảnh biên bản cuộc họp giữa Bệnh viện Tim Hà Nội và phía Kangaroo)

Với sự cố mà Kangaroo đang gặp phải, bà Nga nêu quan điểm: “Giờ họ làm sai, họ phải có trách nhiệm với cộng đồng, với người tiêu dùng.

Nếu họ chỉ nghĩ đến lợi ích của họ thì tôi nghĩ đó là một công ty không có tính nhân đạo, bởi sản phẩm của họ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người tiêu dùng”.

Theo bà Nga, ngoài việc xin lỗi, Kangaroo có thể thu hồi quảng cáo và làm lại sản phẩm của họ sao cho đạt đúng những gì họ từng nói.

“Họ làm sai thì đương nhiên cơ quan chức năng phải vào cuộc để xử lý kịp thời, tránh sự việc xảy ra lần nữa”, bà Nga nhấn mạnh.

Như chúng tôi đã đưa tin, ngay sau khi quảng cáo về máy lọc nước ngừa mỡ máu được phát tán rộng rãi, gây hiểu lầm cho dư luận, GĐ Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn đã đề nghị Kangroo cải chính thông tin và làm rõ sự việc này trước công chúng.

Ông Tuấn khẳng định, sản phẩm máy lọc nước RO thế hệ mới của Kangaroo không phải là thiết bị y tế, không phải là phương pháp điều trị thay thế thuốc chữa bệnh.

Được biết, Tổng Giám đốc khu vực Việt Nam của Kangaroo Lê Xuân Hoàn đã xin lỗi lãnh đạo bệnh viện và cam kết sẽ tiến hành thu hồi thông tin, tạm dừng mọi thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để tránh “hiểu lầm không đáng có”.

LUẬT SƯ TRƯƠNG THANH ĐỨC, GIÁM ĐỐC CÔNG TY LUẬT ANVI

Theo quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 5 Điều 51 Nghị Định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo: Đối với hành vi Quảng cáo sai sự thật hoặc quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng. Ngoài ra, còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo và Buộc cải chính thông tin (theo quy định tại Điểm a, Điểm c Khoản 7 Điểu 51 Nghị định trên).

Gia Bảo

——-

Tri thức trẻ (Xã hội) 29-10-2015:

http://soha.vn/xa-hoi/quang-cao-sai-su-that-cu-soc-lon-va-bai-hoc-dat-gia-cho-kangaroo-20151029113732914.htm

(133/1.140)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,599