878. Vì không thể phá sản ngân hàng

(NH) – NHNN mua lại 3 NH với giá 0 đồng là hành động cần thiết, có ý nghĩa sống còn, tránh nguy cơ đổ vỡ hệ thống NH; bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội

LS. Trương Thanh Đức

Thời gian qua, Thời báo Ngân hàng đã đăng tải nhiều bài viết thể hiện góc nhìn của các chuyên gia, nhà khoa học về những giải pháp tái cơ cấu hệ thống các TCTD và cơ sở pháp lý đối với việc mua lại 3 NHTMCP với giá 0 đồng. Tiếp tục phân tích thấu đáo vấn đề này, LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI khi trao đổi với phóng viên cho rằng, lý do cốt lõi là vì không thể phá sản NH.

Được biết, ông là người theo sát việc NHNN đã liên tiếp mua 3 NHTMCP với giá 0 đồng. Vậy, với góc nhìn của một luật sư, ông bình luận về vấn đề này thế nào?

Theo công bố của NHNN, cả 3 NH là VNCB, OceanBank và GP.Bank đều thuộc diện NH yếu kém, nợ xấu cao, nguy cơ mất vốn lớn, giá trị NH âm hàng nghìn tỷ đồng và giá trị mỗi cổ phần bằng 0 đồng, dựa trên cơ sở kết quả thanh tra và kiểm toán. Sau khi áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt, NHNN đã quyết định mua lại 3 NH trên với giá 0 đồng và chuyển đổi thành NHTM TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Cơ sở pháp lý ở đây là: Luật NHNN Việt Nam năm 2010; Luật Các TCTD năm 2010; Luật DN năm 2005 và 2014; Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2011-2015”; Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg ngày 1/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Sau khi NHNN mua lại với giá 0 đồng, cả 3 NH trên vẫn được giữ lại để tiếp tục hoạt động kinh doanh, tuy nhiên hàng nghìn cổ đông, sở hữu số cổ phiếu mệnh giá hơn chục nghìn tỷ đồng của 3 NH, lập tức chấm dứt tư cách cổ đông, không còn được hưởng bất kỳ quyền lợi nào. Nhưng đồng thời, họ cũng không còn chịu bất kỳ nghĩa vụ nào với tư cách cổ đông NH. Người vay tiền của 3 NH này đương nhiên vẫn phải có nghĩa vụ trả đầy đủ nợ vay, nhưng đặc biệt là người gửi tiền vẫn được bảo đảm chi trả toàn bộ số tiền gửi, gồm cả gốc và lãi.

Với 3 NH này, tại sao NHNN không sử dụng giải pháp duy trì, hợp nhất, sáp nhập như từng làm với một số TCTD trước đó?

NHNN có thể lựa chọn giải pháp chấn chỉnh, tái cơ cấu và duy trì NHTMCP. Tuy nhiên, để tiếp tục tồn tại và hoạt động thì các NH này phải duy trì giá trị thực của vốn điều lệ với mức tối thiểu bằng mức vốn pháp định 3.000 tỷ đồng, theo quy định tại Khoản 2 và 3, Điều 19 của Luật Các TCTD năm 2010.

Giải pháp này là bất khả thi, vì cả 3 NH trên không đáp ứng được yêu cầu về mức vốn điều lệ thực có tối thiểu trong một thời gian dài. 3 NH này cũng đã không lựa chọn giải pháp tăng vốn, hay nói đúng hơn đã không đạt được tỷ lệ biểu quyết tối thiểu 65% để tăng vốn điều lệ.

Về giải pháp hợp nhất, sáp nhập cũng không thực hiện được, vì không có NH nào tự nguyện đứng ra hợp nhất, sáp nhập. Đồng thời, NHNN đã không lựa chọn phương án chỉ định bắt buộc một NH đảm nhiệm việc hợp nhất, sáp nhập vì thiếu cơ sở pháp lý.

Các NH chỉ giải thể được nếu có khả năng thanh toán hết nợ theo quy định của Luật Các TCTD

Cũng đã có ý kiến đặt ra là tại sao không cho 3 NH trên giải thể, phá sản…?

Các NH chỉ giải thể được nếu có khả năng thanh toán hết nợ theo quy định tại Khoản 1, Điều 154 về giải thể TCTD, chi nhánh NH nước ngoài của Luật Các TCTD năm 2010.

Còn theo quy định tại Điều 98 về quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Luật Phá sản năm 2014 thì NHNN có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản 3 NHTM nói trên. Số tiền phải chi trả cho người gửi tiền có thể lấy từ nguồn tiền của chính các NH đó, từ nguồn thu nợ cho vay bao gồm cả việc bán nợ, từ việc thanh lý tài sản, từ nguồn do Bảo hiểm tiền gửi chi trả và từ nguồn hỗ trợ khác, kể cả của ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, giải pháp trên là bất khả thi, vì tại thời điểm mở thủ tục phá sản, 3 NH này không đủ khả năng chi trả cho người gửi tiền ngay lập tức, vì sự thiếu hụt tài chính và phải mất nhiều năm mới có thể thu hồi nợ được. Như vậy sẽ có thể dẫn đến tình trạng người gửi rút tiền, nguy cơ đổ vỡ hệ thống tài chính. Muốn tránh nguy cơ này thì đòi hỏi Nhà nước phải cam kết và có đủ tiền để bảo đảm chi trả đầy đủ tiền gửi cho người dân.

Chính vì vậy, Quyết định số 254/QĐ-TTg và số 255/QĐ-TTg chỉ đề cập đến các biện pháp sáp nhập, hợp nhất, mua lại mà không có biện pháp giải thể, phá sản NHTM trong giai đoạn hiện nay.

Việc định giá 0 đồng được hiểu như thế nào với trường hợp của 3 NH trên, thưa ông?

Do giá trị tài sản của 3 NH được xác định là giá trị âm, nên mỗi cổ phần, cổ phiếu chỉ được định giá 0 đồng. Nếu mang bán đấu giá số cổ phần đó, thì có thể bán được hàng nghìn tỷ đồng, nhưng cũng rất có thể không có người mua, hay cũng chỉ mua với giá quanh mức 0 đồng. Tuy nhiên, vì không có quy định pháp luật về việc bán đấu giá trong trường hợp này, nên tình huống phát mại cổ phiếu đã không xảy ra. Và sự an nguy của hệ thống NH cũng không thể chờ đợi để có thể thực hiện được việc này.

Một cách thức khác, NHNN không cần phải mua lại 100%, mà chỉ cần mua lại 65% tổng số cổ phiếu là đã có toàn quyền để tự quyết định mọi vấn đề của các NHTM. Vì theo quy định tại Khoản 3, Điều 59 về Đại hội đồng cổ đông, Luật Các TCTD năm 2010, thì chỉ cần đạt tỷ lệ biểu quyết từ 65% trở lên là có thể quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ và quyết định mọi vấn đề của NHTMCP.

Tuy nhiên, vì giá mỗi cổ phiếu là 0 đồng nên việc mua lại bao nhiêu phần trăm cũng không khác nhau nhiều. Việc mua lại 100% sẽ đơn giản, dễ dàng, thuận tiện hơn nhiều cho NHNN, trong đó có việc chuyển đổi loại hình DN từ NHTMCP sang NHTM TNHH một thành viên.

Sau khi NHNN mua lại 3 NH với giá 0 đồng, về mặt khuôn khổ pháp luật cần phải hoàn chỉnh gì thêm, thưa ông?

Khi mua lại 3 NH với giá 0 đồng, các quyết định của NHNN đều dựa trên căn cứ pháp luật, nhằm giải quyết tình thế. Đó là hành động cần thiết, có ý nghĩa sống còn, tránh nguy cơ đổ vỡ hệ thống NH; bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; đồng thời có tác dụng hữu hiệu trong việc chặn đứng tình trạng bất tuân thủ các yêu cầu, điều kiện bảo đảm an toàn đối với hoạt động NH.

Tuy nhiên, sự việc diễn ra trong bối cảnh hệ thống pháp luật chưa đầy đủ và thiếu cụ thể, rõ ràng để xử lý các trường hợp này. Trong trường hợp này, Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính là văn bản mật, cần thiết phải công khai vào thời điểm thích hợp.

Đồng thời, cần phải xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD năm 2010 theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể về điều kiện, biện pháp và thủ tục xử lý với những trường hợp tương tự như 3 NH nói trên. Hoặc cần phải sửa Luật Trưng mua, trưng dụng năm 2008 theo hướng cho phép nhận chuyển nhượng bắt buộc phần vốn góp hoặc cổ phần, cổ phiếu của các TCTD trong các trường hợp cần thiết.

Trước mắt, cần xem xét sửa đổi, bổ sung Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg, ngoài việc cho phép NHNN trực tiếp góp vốn và mua cổ phần của các TCTD còn cần phải cho phép việc nhận chuyển nhượng phần vốn góp của các thành viên công ty TNHH và mua bán cổ phiếu, nhận chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông công ty cổ phần thì mới bảo đảm khớp đúng hoàn toàn quy định của Luật DN, Luật Các TCTD và Luật Chứng khoán.

Xin cảm ơn ông!

Đức Nghiêm thực hiện

——-

Thời báo Ngân hàng (Tài chính – Tiền tệ) 30-10-2015:

http://thoibaonganhang.vn/vi-khong-the-pha-san-ngan-hang-41171.html

(1.657/1.657)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,599