879. 4.000 điều kiện kinh doanh: Nâng cấp thành nghị định là không an toàn

(HQ) – Phát biểu tại Hội thảo Điều kiện kinh doanh: Nhận diện và kiến nghị được tổ chức sáng 14-6, Luật sư Trương Thanh Đức, Thành viên Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư khẳng định: Không cần chờ đến ngày 1-7-2016, tất cả hàng nghìn điều kiện kinh doanh đang được quy định tại các thông tư trong khoảng thời gian 16 năm qua đều là trái luật.

Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn phát biểu trong Hội thảo.

Tại sao tất cả điều kiện kinh doanh đều trái luật?

Theo lý giải của ông Đức, ngay từ khoản 5, Điều 7, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã quy định rõ: “Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.” Như vậy, hiển nhiên là hàng nghìn điều kiện kinh doanh đang được quy định tại các thông tư hiện đang tồn tại là trái luật. 

Ông Đức phân tích tiếp: Thậm chí, trước đó, trên cơ sở quy định tại khoản 3, Điều 6 về “Ngành, nghề kinh doanh” của Luật Doanh nghiệp năm 1999, Nghị định số 03/2000/NĐ-CP ngày 3-2-2000 của Chính phủ đã quy định rõ “Các văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành hoặc các cấp chính quyền địa phương ban hành mà không căn cứ vào luật, pháp lệnh, nghị định quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh các ngành, nghề đó đều không có hiệu lực thi hành.”

“Đến Luật Đầu tư năm 2014 đã nhắc lại quy định nêu trên. Thế nhưng, sau 16 năm, số giấy phép con, tức điều kiện kinh doanh do các bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành trái luật không những không giảm đi mà còn không ngừng tăng vọt với con số lên đến khoảng 4.000 điều kiện kinh doanh trái luật” – luật sư Trương Thanh Đức cho biết. 

Không thể chấp nhận cái sai

Và để quyết liệt giải quyết nghịch lý này, Luật Đầu tư 2014 đã nêu rõ, từ 1-7-2016 nếu các điều kiện kinh doanh không được nâng cấp lên nghị định sẽ hết hiệu lực. Chính vì vậy hiện nay mới đang có cuộc đua chạy thông tư lên nghị định. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tính đến 31-5-2016, trong tổng số 49 nghị định cần phải xây dựng, mới có 38 nghị định đã trình Chính phủ, 11 nghị định chưa trình. Với tốc độ này, có thời điểm Bộ Tư pháp phải thẩm định tới 44 nghị định trong 1 tuần.

Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn lại băn khoăn về chất lượng của các dự thảo nghị định này khi đặt câu hỏi rằng, liệu đăng ký kinh doanh có giúp phát triển thị trường? Ông Tuấn đưa ví dụ, bản giải trình của Nghị định về đăng ký kinh doanh hoạt động mua bán nợ ghi “Tổ soạn thảo đề xuất định hướng xây dựng Nghị định nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động mua, bán nợ hướng tới hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ tập trung tại Việt Nam”.

“Như vậy, các điều kiện kinh doanh liệu sẽ khuyến khích hay cản trở doanh nghiệp gia nhập thị trường? Nếu không có điều kiện kinh doanh, thị trường không phát triển, liệu khi có thêm điều kiện kinh doanh, thị trường sẽ phát triển hơn?” – ông Tuấn đặt câu hỏi.

Thảo luận về việc khi đến thời điểm 1-7 nhưng các nghị định chưa kịp ban hành, liệu các điều kiện kinh doanh sẽ đi đâu, về đâu, ông Nguyễn Am Hiểu, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC) cho rằng, theo nguyên lý, quy định nào có lợi cho dân thì áp dụng nên đến thời điểm 1-7, những quy định nào có lợi cho dân sẽ vẫn được áp dụng, trừ khi có quy định khác.

Luật sư Trần Vũ Hải, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội lại không đồng ý với quan điểm này, luật sư Hải cho rằng, không thể chấp nhận cái sai, đến thời điểm 1-7, nếu không có nghị định, các thông tư cần tự động bị hủy bỏ. Chủ tịch VIAC Trần Hữu Huỳnh cũng cho rằng, tư duy nâng cấp thông tư thành nghị định là không an toàn.

“Tưởng vậy mà không phải vậy”

Nêu một số kiến nghị cụ thể liên quan đến điều kiện kinh doanh, ông Trần Anh Đức, Đồng Trưởng nhóm Công tác đầu tư và thương mại, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho biết, theo quy định tại điều 23, Luật Đầu tư, khi thành lập hoặc mua cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp tại Việt Nam phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ trên 51% vốn điều lệ và đáp ứng điều kiện, thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi có nước ngoài sở hữu dưới 51% vốn điều lệ.

 

Thế nhưng, theo ông Trần Anh Đức, trong quá trình soạn thảo một nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, một bộ đã giải thích Điều 23 nói trên như sau: phải áp dụng các hạn chế đối với nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài mua 1% trong doanh nghiệp Việt Nam. “Vậy là có câu chuyện đối với Điều 23 của Luật Đầu tư: tưởng vậy mà không phải vậy” – ông Trần Anh Đức ngao ngán.

Cùng chung tâm tư này, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiên An Phúc chuyên nhập khẩu, kinh doanh ô tô chia sẻ, Thiên An Phúc cùng nhiều doanh nghiệp khác từ năm 2006 đã nhập khẩu nhiều loại ô tô của các hãng khác nhau. Đến năm 2011, Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 09 chỗ ngồi trở xuống được ban hành làm cho các doanh nghiệp không nhập khẩu được nữa mà chỉ có các hãng ung dung đặt đại lý của mình vào Việt Nam và bán sản phẩm mà không mất một đồng làm thị trường. Ông Tuấn đặt câu hỏi: Vậy Thông tư 20 có lợi cho doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài? Hiện Thông tư sắp thành nghị định có nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng?

Các ý kiến doanh nghiệp dù đề cập khó khăn ở lĩnh vực hoạt động nào đều có chung mong muốn những khó khăn do điều kiện kinh doanh mang lại cho doanh nghiệp sớm chấm dứt. Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội còn bật tiếng than: “Tôi đến VCCI quá nhiều, kêu quá nhiều, chúng tôi quá khổ, loay hoay, lăn lộn với điều kiện kinh doanh. Hiện các doanh nghiệp taxi hai chân, hai tay đã bị trói rồi, chỉ còn cái đầu lắc lư, loay hoay mấy chục năm nay, bởi chỉ thị, quyết định to hơn luật.

Tôi mong lần này, VCCI và các cơ quan đã bắt đầu nhìn thấy và nhận diện những điều kiện kinh doanh cản trở hoạt động của doanh nghiệp thì cần cố gắng tháo gỡ hết mức để doanh nghiệp phát triển” – ông Bình nói.

Hồ Huệ

————————————————–

Hải quan (Doanh nghiệp) 14-6-2016

http://www.baohaiquan.vn/pages/4-000-dieu-kien-kinh-doanh-truoc-gio-g-nang-cap-thong-tu-thanh-nghi-dinh-la-khong-an-toan.aspx

(349/1.306)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,586