(ANVI) – Góp ý Dự thảo Thông tư Hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Người cư trú là tổ chức, các nhân:
- Hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đã được quy định tại một Nghị định riêng. Do vậy, cần có 2 Thông tư hướng dẫn về các giao dịch ngoại hối có liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước và hoạt động đầu tư trực tiếp. Dự thảo hiện nay chủ yếu cũng chỉ hướng dẫn về điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp phép ra nước ngoài của hoạt động đầu tư gián tiếp.
- Điểm 3 của Dự thảo Thông tư chỉ nên đề cập đến quyền cung ứng dịch vụ ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của tổ chức tín dụng, mà không nên quy định về trách nhiệm của “các tổ chức tín dụng được thực hiện đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp ra nước ngoài theo các quy định hiện hành của pháp luật…”, vì ở điểm 1 đã xác định rõ chỉ điều chỉnh “các giao dịch ngoại hối có liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của Người cư trú là tổ chức kinh tế (nhưng không bao gồm tổ chức tín dụng) và Người cư trú là cá nhân được phép đầu tư ra nước ngoài”.
- “Giấy chứng nhận đầu tư gián tiếp” (điểm 4.a và 7) do Ngân hàng Nhà nước xác nhận là một loại giấy phép con, không có cơ sở pháp lý (Pháp lệnh Ngoại hối, Nghị định số 60/2006/NĐ-CP ngày 28-12-2006 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Ngoại hối và Nghị định số 78/2006/NĐ-CP ngày 09-8-2006 của Chính phủ quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đều không có quy định này.
- “Giới hạn đầu tư gián tiếp ra nước ngoài trong một năm” (điểm 6) của tổ chức kinh tế không quá 1 triệu USD, của các nhân không quá 100.000 USD, cũng là một rào cản không có cơ sở pháp lý, là một quy định không hợp lý. Nếu cần thiết có giới hạn này, thì cần ban hành Nghị định của Chính phủ.
- Thông tư là văn bản quy phạm pháp luật thấp nhất hướng dẫn, cụ thể hoá các nội dung quy định của pháp luật, do đó, cần làm rõ mọi vấn đề hoặc chỉ rõ nguồn văn bản để thực hiện, chứ không nên viết như điểm 14: “trường hợp đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, người cư trú là tổ chức,cá nhân phải chuyển vốn gốc, lợi nhuận và các nguồn thu phát sinh khác từ dự án ở nước ngoài về tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài mở tại tổ chức tín dụng được phép theo quy định của pháp luật về đầu tư ra nước ngoài”
- Điểm 15, nên hướng dẫn đơn vị thời gian chuyển lợi nhuận về tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài thống nhất với Nghị định 160/2006/NĐ-CP ngày 28-12-2006 Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Ngoại hối về thời hạn chuyển lợi nhuận và các nguồn thu khác về nước là 60 ngày thay vì 2 tháng.
- Mục III (từ điểm 18 đến 22) nên được kết cấu lại hợp lý hơn theo hướng phân chia nội dung về tài khoản và việc chuyển vốn, lợi nhuận thành các mục riêng. Việc mở, sử dung tài khoản, đăng ký và xác nhận tài khoản là thủ tục buộc tổ chức kinh tế, cá nhân được phép đầu tư phải thực hiện trước khi được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài. Về trình tự thời gian, thì toàn bộ các thủ tục này cũng diễn ra trước khi tổ chức kinh tế, cá nhân được phép đầu tư ra nước ngoài thông qua tài khoản đó; còn việc chuyển vốn, lợi nhuận thì được thực hiện sau khi đã được hoạt động đầu tư. Vì vậy nên quy định thành hai mục khác nhau để phân biệt rõ trình tự, thủ tục xin cấp giấy phép ra nước ngoài và trách nhiệm của tổ chức kinh tế và cá nhân khi được phép đầu tư ra nước ngoài.
- Theo khoản 3, Điều 58, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì: Thông tư “được ban hành để hướng dẫn thực hiện những quy định được luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ giao thuộc phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực do mình phụ trách”. Do vậy, không nên đặt tên các phần “Quy định chung” và “Thông tư này điều chỉnh các giao dịch ngoại hối” như Dự thảo.
- Các từ “bản sao công chứng” (điểm 9), “bản sao có công chứng” (điểm 19) cần sửa thành bản sao có chứng thực hoặc có xác nhận của chính tổ chức kinh tế cho phù hợp với quy định về pháp luật công chứng, chứng thực và yêu cầu thực tế; Từ “trong thời gian” (điểm 15) cần sửa thành “trong thời hạn” cho đúng với thuật ngữ pháp lý.
Trân trọng tham gia!
—————————–
Bài được lưu ở đây:
ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN
FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)
E-mail: duc.tt @anvilaw.com
Web: www.anvilaw.com
ĐT: 090.345.9070