(TBTC) – Sau 16 năm, số giấy phép con do các bộ, ngành, chính quyền địa phương ban hành trái luật đã tăng đột biến lên đến 4.000. Thậm chí, việc ban hành điều kiện kinh doanh không đúng thẩm quyền, trái với luật diễn ra tràn lan.
Đây là đánh giá của các chuyên gia tại Hội thảo “Điều kiện kinh doanh: Nhận diện và kiến nghị” do VCCI tổ chức hôm nay, 14/6.
Hàng nghìn điều kiện kinh doanh trái luật
Phát biểu tại hội thảo, Luật sư Trương Thanh Đức, thành viên Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, Giám đốc Công ty Luật ANVI – Trọng tài viên VIAC đánh giá, rất nhiều điều kiện kinh doanh (ĐKKD) đã và đang được quy định tại các thông tư trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây là trái luật.
“Sau 16 năm (từ năm 2000), số giấy phép con do các bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành trái luật đã tăng đột biến lên đến 4.000. Thậm chí, hiện nay, bên cạnh cuộc chiến tiếp diễn chống lại điều kiện kinh doanh do các thông tư ban hành trái luật, DN còn phải đối mặt với các nghị định trái luật, luật trái luật”, luật sư Trương Thanh Đức cho biết.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Tố Uyên |
Dẫn chứng luật sư này đưa ra là khoản 5, Điều 7 về “ngành, nghề và ĐKKD”, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã quy định rõ: Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và ĐKKD.
Chưa hết, ông Đức cũng lấy dẫn chứng ngay tại Nghị định số 03 ngày 3/2/2000 của Chính phủ về “Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp” đã quy định rõ: Các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành hoặc các cấp chính quyền địa phương ban hành mà không căn cứ vào luật, pháp lệnh, nghị định quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và ĐKKD các ngành, nghề đó đều không có hiệu lực thi hành.
Bên cạnh đó, phát biểu tại hội thảo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng cho biết, hầu hết các bộ, ngành đều ban hành ĐKKD một cách cơ học và không đúng thẩm quyền. Hiện đang có khoảng 5.826 điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng đối với 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư, trong số này có gần 3.000 điều kiện hiện đang được quy định tại các văn bản không đúng thẩm quyền.
Doanh nghiệp hoang mang
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho biết, theo khảo sát hiện nay đã có 50 dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh được trình lên Chính phủ, tuy nhiên, điều đáng quan ngại là doanh nghiệp chỉ tiếp cận được gần một nửa số văn bản đó.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết: “Chúng tôi thực sự lo ngại khi phát hiện ra rất nhiều mâu thuẫn giữa tờ trình và nội dung dự thảo nghị định, giải trình và mục đích của điều kiện kinh doanh được đề xuất…”.
Ví dụ theo ông Tuấn, tờ trình Nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải biển có giải trình lý do bổ sung một số điều kiện kinh doanh để nâng cao chất lượng doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải biển. Trong khi đó, Luật Đầu tư quy định lý do ban hành điều kiện kinh doanh là quốc phòng, an ninh quốc gia; trật tự, an toàn xã hội; đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng…
Đặc biệt, ông Tuấn đã tổng kết được 8 không trong các quy định về điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành: Không đăng dự thảo trên mạng; không lấy ý kiến doanh nghiệp; không tổ chức hội thảo; không đánh giá tác động; không tổng kết thi hành; không kiểm soát thủ tục hành chính; không thuyết minh; không bản giải trình ý kiến.
“Quy trình rút gọn trong việc xây dựng các nghị định về điều kiện kinh doanh được Chính phủ cho phép các bộ, ngành áp dụng để đảm bảo các nghị định về điều kiện kinh doanh hoàn tất trước ngày 1/7 tới để kịp ban hành. Có nghĩa là thời gian chỉ còn ngót ngét nửa tháng nữa, tuy nhiên, cho đến nay, các bộ, ngành dường như vẫn chưa thực hiện hiệu quả và tồn tại rất nhiều bất cập. Điều này khiến cho không ít doanh nghiệp lo lắng, hoang mang”, ông Tuấn nhấn mạnh./.
Tố Uyên
————————————————————-
Thời báo Tài chính (Kinh doanh) 14-6-2016:
(348/843)