(CL) – Ngày 1/7 tới đây, các quy định về điều kiện kinh doanh sẽ được áp dụng theo tinh thần của Luật đầu tư năm 2014. Theo đó, hàng loạt các điều kiện kinh doanh trong nhiều lĩnh vực đang quy định tại các thông tư cấp Bộ hay chưa được quy định cụ thể sẽ được quy định tại các Nghị định mới. Vậy làm thế nào để các điều kiện kinh doanh tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi và không còn là rào cản đối với phát triển kinh tế?
Nhiều chuyên gia cho rằng, không nên để các bộ ngành tự rà soát các điều kiện kinh doanh mà nên có sự tham gia của cơ quan độc lập. (Ảnh minh họa)
Hàng nghìn điều kiện kinh doanh trái luật
Nghị quyết về triển khai thi hành Luật doanh nghiệp, luật đầu tư đã nêu rõ nhiệm vụ của các Bộ trong việc rà soát các điều kiện kinh doanh, quy định đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, tiến độ triển khai rất chậm, chỉ khi có chỉ đạo trực tiếp tại các cuộc họp Chính phủ thì tiến độ mới được đẩy nhanh.
Phát biểu tại hội thảo “Điều kiện kinh doanh: Nhận diện và kiến nghị”, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết: Sau khi Luật Đầu tư được ban hành, các bộ vẫn “vô tư” ban hành các điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền. Hiện đang có khoảng 5.826 điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng đối với 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư, trong số này có gần 3.000 điều kiện hiện đang được quy định tại các văn bản không đúng thẩm quyền.
“Các bộ, ngành dường như đang thực hiện các hoạt động này một cách cơ học, đó là nâng các quy định từ cấp thông tư lên thành nghị định và vẫn giữ nguyên tính chất của quy định, chưa đánh giá về tính hợp lý và hiệu quả của các quy định về điều kiện kinh doanh. Trong quá trình rà xét, nhiều cơ quan soạn thảo vẫn chưa tách bạch các điều kiện đầu tư kinh doanh, rất nhiều điều kiện kinh doanh vẫn như cũ mà chưa có sự sàng lọc, đánh giá để cân nhắc sửa đổi, loại bỏ. ” – ông Lộc nhấn mạnh.
Nghị định số 03 ngày 3/2/2000 của Chính phủ “Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp” cũng đã quy định rõ: “Các văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành hoặc các cấp chính quyền địa phương ban hành mà không căn cứ vào luật, pháp lệnh, nghị định quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và ĐKKD các ngành, nghề đó đều không có hiệu lực thi hành.”
Luật sư Trương Thanh Đức (thành viên Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, Giám đốc Công ty Luật ANVI – Trọng tài viên VIAC) khẳng định: Sau 16 năm, số giấy phép con, tức đăng kí kinh doanh do các bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành trái luật không những không giảm đi mà còn không ngừng tăng vọt với con số lên đến khoảng 4.000 đăng kí kinh doanh trái luật.
“Đến nay, ngoài cuộc chiến chống lại đăng kí kinh doanh do các thông tư ban hành trái luật thì còn phải đối mặt thêm với các nghị định trái luật và ngay cả luật trái luật”.
Ông Đức nhận định, mỗi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư năm 2014 có thể tương ứng với một hoặc hàng chục điều kiện kinh doanh khác nhau. Theo đó, “hàng chục ngành, nghề kinh doanh và hàng nghìn điều kiện kinh doanh đã trái, đang trái và sẽ tiếp tục đứng trước nguy cơ trái luật”
Làm thế nào để điều kiện kinh doanh không còn là rào cản ?
Tiến sỹ Nguyễn Am Hiểu cho rằng: Bản chất của thị trường là phải tự do kinh doanh. Ông cho rằng khái niệm điều kiện kinh doanh đang được bàn là khái niệm “bị đánh tráo”. Cái mà chúng ta đang bàn luận là Nhà nước can thiệp vào các hoạt động kinh doanh như nào là hợp lí trong phát triển kinh tế thị trường. Nhu cầu và cách can thiệp của điều kiện kinh doanh phải dựa trên đặc thù của hoạt động ấy.
Ông khẳng định: Không có hoạt động kinh doanh nào là không có điều kiện. Tuy nhiên, mỗi loại hoạt động cần có những điều kiện khác nhau. Vấn đề quan trọng của pháp luật là phân biệt loại điều kiện nào cần và không cần thủ tục xác nhận. Thủ tục xác nhận ấy là gì, ai xác nhận…?
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho rằng: Hoạt động rà soát, ban hành các nghị định về điều kiện kinh doanh thực hiện khá chậm và đặt ra nhiều quan ngại về sự minh bạch trong quá trình xây dựng, cộng đồng doanh nghiệp ít có cơ hội tham gia vào hoạt động xây dựng này.
“Hầu hết các nghị định về điều kiện kinh doanh đang được soạn thảo được thực hiện theo trình tự thủ tục rút gọn, các bộ không có thời gian tổ chức lấy ý kiến, các dự thảo văn bản không được cập nhật công khai trên các trang thông tin điện tử. Điều này gây ra quan ngại về chất lượng cũng như tinh thần của Luật Đầu tư về điều kiện kinh doanh được thực thi một cách đầy đủ và hiệu quả trong các nghị định này”.
Ông cho rằng: Không nên để các bộ ngành tự rà soát các điều kiện kinh doanh mà nên có sự tham gia của cơ quan độc lập. Bởi vì ít khi các bộ ngành tự đề xuất cắt bỏ giấy phép, họ sẽ tìm cách hợp lý hoá, đổi tên, ẩn quy định. Cách làm bền vững sau này là thiết lập cơ chế kiểm soát việc ban hành giấy phép con mới, quy trình xét duyệt chặt chẽ và nên gắn trách nhiệm của người đứng đầu bộ ngành với việc duy trì hay ban hành mới giấy phép con bất hợp lý.
“Doanh nghiệp không sợ điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp chỉ sợ điều kiện kinh doanh không minh bạch”- Ông Tuấn nhấn mạnh.
Thanh Tân
———————————————————–
Nhà báo & Công luận (Kinh tế) 14-6-2016:
http://congluan.vn/lam-the-nao-de-dieu-kien-kinh-doanh-khong-con-la-rao-can/
(179/1.127)