(ĐĐK) – Tổng cục thuế công khai về nguồn tài chính có căn cứ pháp lý, số tiền nợ đọng thuế của doanh nghiệp hiện nay là 76.000 tỷ đồng, con số này tăng khoảng 4% so với thời điểm 31/12/2014. Trong đó, các khoản phạt và tiền chậm nộp là 15.978 tỷ đồng, chiếm 20,9% tổng số tiền nợ; nhóm nợ chờ xử lý là 3.300 tỷ đồng, chiếm 4,3% tổng số nợ thuế.
Trước đó, vào tháng 7, nhiều doanh nghiệp lớn cũng đã từng được Tổng cục Thuế bêu tên nợ thuế. Mới đây, tại cuộc họp báo chuyên đề về cân đối ngân sách của Bộ Tài chính, thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn “nêu đích danh”, Liên doanh dầu khí Việt Nga (Vietsovpetro) chây ì đóng thuế với số tiền lên tới 86 triệu USD.
Cũng theo thống kê, hiện có khoảng 13.000 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; trong đó có tới 4.098 doanh nghiệp có giao dịch liên kết có giá chuyển nhượng. Nhiều doanh nghiệp lớn như Metro, Coca Cola, Adidas Việt Nam … được xếp diện trốn thuế, chuyển giá nhưng để tìm ra được bằng chứng rất khó. Các điều tra vẫn thường xuyên được diễn ra nhưng vẫn chỉ dừng lại ở điều tra và ít khi có kết quả điều tra cuối cùng.
Bản thân lãnh đạo Bộ Tài chính cũng thừa nhận rằng, các hành vi gian lận thuế của các doanh nghiệp, ngày càng tinh vi. Chẳng hạn như tại khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hành vi gian lận thuế qua quy định giá chuyển nhượng rất phức tạp. Các hành vi này đã làm giảm số thu về thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Theo các chuyên gia, việc chứng minh DN FDI có chuyển giá hay không phức tạp hơn các DN trong nước vì nguyên, hương liệu các DN này do công ty mẹ ở nước ngoài độc quyền cung cấp. Vì thế, không có cơ sở so sánh, đối chiếu giá nguyên, hương liệu với các DN khác cùng ngành nghề. Cũng không thể lấy chi phí nguyên phụ liệu của DN Việt Nam cùng ngành nghề để so sánh vì nước các DN này nhập khẩu nguyên, vật liệu nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Vì vậy, việc thành lập Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng trực thuộc Vụ Thanh tra của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính được kỳ vọng là hành vi “tuyên chiến” với trốn thuế, chuyển giá.
Chuyên gia kinh tế Trương Thanh Đức cho rằng: Có 3 giải pháp để hạn chế việc trốn thuế, nợ thuế, chuyển giá. Thứ nhất, đó là cần sửa đổi luật lệ theo hướng đơn giản hóa, hợp lý và minh bạch các chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của DN, khuyến khích DN chấp hành pháp luật.
Thứ hai, cần có các quy định chặt chẽ hơn liên quan đến xác định chi phí đầu vào, đầu ra của DN và cơ chế, chính sách chặt chẽ để xử lý kịp thời khi sự việc xảy ra. Không có lý do gì, mua nguyên vật liệu tại cùng một thị trường nhưng chi phí thuế của 2 DN lại khác nhau. Nếu không có quy định rõ ràng, DN có thể lấy lý do do chi phí cao để tối thiểu nghĩa vụ thuế.
Đối với những DN xuyên quốc gia như Coca Cola, phải có sự hợp tác với quốc tế, khi đó việc điều tra mới hiệu quả và nhanh chóng hơn.
Thứ ba, tạo môi trường khuyến khích cạnh tranh, để các DN tranh đầu với nhau. Nếu DN này chuyển giá, DN kia sẽ phải phát hiện và báo cáo để cạnh tranh công bằng, bình đẳng hơn.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Cúc, chủ tịch Hiệp hội tư vấn Thuế cho rằng, để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới, cùng với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế phải tập trung nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung thống nhất toàn quốc về người nộp thuế, công khai thông tin về doanh thu, tiền thuế nộp… nhằm phòng ngừa các hành vi gian lận, trốn thuế, chống thất thu, chống gian lận về khấu trừ, hoàn thuế.
H.Hương
———-
Đại đoàn kết (Kinh tế – Xã hội) 02-11-2015:
http://daidoanket.vn/index.aspx/tim-cach-chong-tron-thue-chuyen-gia/73245
(219/769)