(TT) – “Doanh nghiệp không sợ điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp chỉ sợ điều kiện kinh doanh không minh bạch”.
Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, ngoài cuộc chiến tiếp diễn chống lại điều kiện kinh doanh do các thông tư ban hành trái luật, thì còn phải đối mặt thêm với các nghị định trái luật
Thông tin này được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Điều kiện kinh doanh: Nhận diện và kiến nghị” do Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư của Chính phủ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm nay 14/6.
Thẩm định 44 nghị định trong… 1 tuần
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI bày tỏ, sau khi Luật Đầu tư được ban hành, nhiều bộ vẫn ban hành điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền.
“Không thể hiểu nổi, không thể chấp nhận được, các bộ vẫn ban hành một cách rất vô tư, trong khi đã có Luật Đầu tư mới rồi”, ông Lộc nói và cho biết, thủ tục hành chính rườm rà, thanh tra, kiểm tra chồng chéo cũng đang là mối quan ngại hàng đầu của doanh nghiệp.
Theo ông Lộc, sau khi Luật Đầu tư được Quốc hội thông qua, các bộ, ngành vẫn “đủng đỉnh” không tiến hành rà soát các điều kiện kinh doanh.
Chỉ đến khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, không bàn lùi, đến ngày 1/7 tới đây phải ban hành các nghị định quy định về điều kiện kinh doanh, lúc đó các bộ, ngành mới “vắt chân lên cổ” để rà soát.
Ngày 1/7 tới đây, các điều kiện kinh doanh của Bộ đang quy định tại các thông tư nếu không nâng cấp lên Nghị định thì sẽ hết hiệu lực.
Ông Lộc lo lắng, các bộ, ngành chỉ mới thực sự tiến hành soạn thảo các dự thảo nghị định quy định về điều kiện kinh doanh, nhưng lại không công khai dự thảo, đặt ra vấn đề rất quan ngại về chất lượng văn bản.
Theo thống kê, sẽ có 49 nghị định quy định về điều kiện kinh doanh, nhưng đến ngày 31/5, mới trình Chính phủ được 38 nghị định. Nhất là, chỉ trong 1 tuần, Bộ Tư pháp thẩm định đến 44 nghị định.
“Các dự thảo được xây dựng mà không đăng dự thảo trên mạng, không lấy ý kiến doanh nghiệp, không tổ chức hội thảo, không đánh giá tác động, không tổng kết thi hành, không kiểm soát thủ tục hành chính, không bản thuyết trình, không giải trình, tiếp thu ý kiến”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI cho biết.
Thậm chí, như ông Tuấn thông tin, đến tìm dự thảo các nghị định này để đóng góp ý kiến cũng “hết hơi”. Thêm vào đó, có những dự thảo còn bổ sung thêm điều kiện kinh doanh mới.
Đơn cử, dự thảo quy định kinh doanh mũ bảo hiểm, ngoài việc đưa các quy định của Thông tư lên Nghị định còn bổ sung thêm nhiều điều kiện kinh doanh khác như có hệ thống phân phối, nhà xưởng, trang thiết bị sản xuất…
Các chuyên gia cho rằng, các dự thảo quy định về điều kiện kinh doanh phải lấy đủ ý kiến doanh nghiệp, đánh giá tác động
Nguy cơ tiêu cực, nhũng nhiễu
Luật sư Trương Thanh Đức, thành viên Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cho biết, sau 16 năm, số giấy phép con, tức điều kiện kinh doanh do các bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành trái luật không những không giảm đi mà còn không ngừng tăng vọt với con số lên đến khoảng 4.000 điều kiện kinh doanh trái luật.
“Đến nay, ngoài cuộc chiến tiếp diễn chống lại điều kiện kinh doanh do các thông tư ban hành trái luật, thì còn phải đối mặt thêm với các nghị định trái luật”, luật sư đánh giá.
Chính vì vậy, nếu vẫn không dứt khoát về quan điểm và tôn trọng quy định nêu trên của Luật Đầu tư, thì lại sẽ có nguy cơ không xác định được cụ thể 268 ++ bao nhiêu ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Chẳng hạn, “yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản” chính là một điều kiện kinh doanh theo quy định điểm b, khoản 6, Điều 15 về phòng bệnh động vật mà Luật Thú y năm 2015. “Tuy nhiên, điều kiện kinh doanh này không có trong danh mục 268 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là trái với quy định nêu trên của Luật Đầu tư”, luật sư Đức dẫn chứng.
Thực tế cho thấy, điều kiện kinh doanh có thể giúp đạt được các mục tiêu về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Nhưng cũng gây ra các hệ quả thường bị cơ quan ban hành “bỏ qua”.
Đó là, giảm tính cạnh tranh thị trường, tăng cơ hội độc quyền, giảm tính năng động, sáng tạo, đổi mới của doanh nghiệp; tăng giá, giảm chất lượng, giảm dịch vụ đi kèm dành cho người tiêu dùng; nguy cơ tiêu cực, nhũng nhiễu…
Các chuyên gia cho rằng, các dự thảo quy định về điều kiện kinh doanh phải lấy đủ ý kiến doanh nghiệp, đánh giá tác động.
“Doanh nghiệp không sợ điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp chỉ sợ điều kiện kinh doanh không minh bạch”, ông Tuấn nói.
Còn TS Nguyễn Am Hiểu, Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài quốc tế lưu ý, trường hợp Luật có hiệu lực mà chưa ban hành được nghị định, người dân không thể gánh chịu hậu quả vì họ không có lỗi.
“Những vấn đề bất lợi thì không được áp dụng. Trường hợp chưa có nghị định mới, doanh nghiệp có quyền áp dụng nghị định cũ, trừ những vấn đề nghị định cũ trái luật đã có hiệu lực”, ông Hiểu đưa ra quan điểm.
Thảo Nguyên
——————————————
Thanh tra (Kinh tế) 14-6-2016:
(272/1.063)