888. Ồ ạt soạn thảo Nghị định, không thèm đánh giá tác động

(DT) – Sáng nay (14/6), một hội thảo lớn về việc xây dựng các nghị định về điều kiện kinh doanh (ĐKKD), nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp tỏ ra rất lo ngại về tình trạng các bộ, ngành ồ ạt soạn thảo dự thảo các nghị định về ĐKKD của ngành mình (thay thế cho các thông tư, theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư) mà không lấy ý kiến đánh giá tác động, không kiểm soát thủ tục hành chính… Giấy phép con, phí cao “đè” doanh nghiệp Hàng nghìn giấy phép con sắp thành đồng nát? Bãi bỏ tất cả “giấy phép con” trong kinh doanh

Thủ tục thành lập doanh nghiệp đã thuận lợi hơn nhưng rào cản kinh doanh còn rất nhiều

Cụ thể, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cơ quan chủ trì tổ chức hội thảo trên, để thực thi Luật Doanh nghiệp (DN), Luật Đầu tư (sửa đổi), các bộ, ngành phải rà soát lại ĐKKD, xây dựng ĐKKD theo 268 ngành nghề kinh doanh mà luật đã quy định để ban hành ở cấp nghị định thay cho các thông tư trước đây.

“Tuy nhiên, tiến độ triển khai rất chậm, đặc biệt đưa các ĐKKD từ thông tư lên nghị định. Chỉ khi Thủ tướng có chỉ đạo trực tiếp gần đây, cho phép rút gọn trình tự, thủ tục thì tiến độ mới được đẩy mạnh”, ông Tuấn nói.

Nhưng chính vì điều này, theo ông Đậu Anh Tuấn, nhiều nghị định đã được xây dựng mà “không đăng dự thảo trên mạng, không gửi lấy ý kiến DN, không tổ chức hội thảo, không đánh giá tác động, không tổng kết thi hành…”.

“Nhiều nghị định cũng không làm các việc: Kiểm soát thủ tục hành chính, thuyết minh và giải trình tiếp thu ý kiến. Điều này rất nguy hiểm vì như vậy là sai hết trình tự, thủ tục về ban hành văn bản, có thể ảnh hưởng xấu đến lợi ích của đối tượng tác động”, ông Đậu Anh Tuấn cảnh báo.

Mặc dù vậy, tiến độ trình Chính phủ các dự thảo nghị định cũng rất chậm. Được biết, theo yêu cầu, các bộ, ngành liên quan phải ban hành 49 Nghị định để hướng dẫn 2 luật trên nhưng hiện nay mới có 38 Nghị định được trình Chính phủ. Đáng chú ý, Bộ Tư pháp phải thẩm định tới 44 nghị định trong một tuần- một công việc quá tải trong khi VCCI chỉ được lấy ý kiến 24/49 Nghị định.

Chính vì sự gấp gáp này, nhiều dự thảo Nghị định có chất lượng được nhiều chuyên gia kinh tế, DN cho là rất kém, có khả năng sau này sẽ phải liên tục sửa đổi lại do có những vi phạm, thiếu nhất quán, đồng bộ.

Ví dụ, tờ trình về Nghị định ĐKKD vận tải biển nêu yêu cầu phải có ĐKKD do nhiều DN vận tải biển có năng lực yếu, ông Đậu Anh Tuấn đặt câu hỏi: Vì sao Nhà nước phải lo, nghĩ hộ DN ?

Hay dự thảo Nghị định về ngành nghề an ninh, trật tự có quy định buộc người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật, thẩm mỹ phải có Chứng chỉ hành nghề y tư nhân, các chuyên gia kinh tế cho rằng, người đứng đầu cơ sở đó chỉ cần giỏi kinh doanh, quản trị điều hành DN chứ không nhất thiết phải biết quá sâu về chuyên môn.

“Người trực tiếp phẫu thuật thẩm mỹ mới cần bảo đảm chuyên môn, cần có chứng chỉ”, ông Đậu Anh Tuấn phản bác lại quan điểm của Tờ trình.

Một dự thảo Nghị định khác: Nghị định về ĐKKD lĩnh vực tài nguyên môi trường yêu cầu tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước khoan dưới đất phải có Giấy chứng nhận ĐKKD trong đó có hoạt động liên quan đến ngành nghề trên. Một chuyên gia tại hội thảo chất vấn: “Luật DN đã bãi bỏ việc ghi ngành nghề trong Giấy chứng nhận ĐKKD thì làm sao DN đáp ứng được điều này?”.

Một số DN trong các ý kiến bằng văn bản gửi tới hội thảo tỏ ý rất lo ngại khi các bộ, ngành cấp tập soạn thảo ĐKKD mà không hề lấy ý kiến tác động, thậm chí không đăng lên website, không rà soát như quy định của Luật ban hành văn bản pháp luật sẽ có những điểm không rõ ràng, tiếp tục duy trì những “giấy phép con”, những ĐKKD bất hợp lý, gây trở ngại cho sản xuất, kinh doanh, tiếp tục tạo dư địa cho nhũng nhiễu, tiêu cực.

Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiên An Phúc cho rằng, có những chính sách đã rất vô lý trong các thông tư cũ thì cũng không nên nâng cấp lên trong nghị định mới.

“Ví dụ như qui định buộc một DN nhập khẩu hàng hoá phải có giấy ủy quyền của chính hãng trong Thông tư 20/2011/TT-BTP của Bộ Tư pháp đã trái Luật DN nay lại nâng cấp ban hành ở cấp Nghị định cũng chỉ kéo dài một quy định bất hợp lý, gây khó khăn cho DN”, ông Tuấn nêu.

Luật Sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho rằng, có hàng loạt ĐKKD đã trái luật suốt 16 năm qua thì cũng không nên vì thay đổi cơ chế mới mà lại cho phép các ĐKKD này được nâng lên từ Thông tư lên cấp Nghị định bởi điều này, vẫn níu kéo cơ chế, chính sách bất cập cũ.

“Chúng tôi không sợ ĐKKD, chúng tôi chỉ sợ ĐKKD không minh bạch”, một doanh nhân khác bức xúc nói.

Mạnh Quân

——————————————–

Dân trí (Kinh doanh) 14-6-2016:

http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:3FnKEQOzM6kJ:dantri.com.vn/kinh-doanh/o-at-soan-thao-nghi-dinh-khong-them-danh-gia-tac-dong-20160614073336598.htm+&cd=2&hl=vi&ct=clnk&gl=vn

(61/1.012)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,870