888. Pháp nhân khó thoát án hình sự

(DĐDN) – Dù thời gian thông qua chỉ còn tính bằng ngày nhưng nội dung pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) vẫn khiến nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), chuyên gia pháp lý và DN băn khoăn.

Một câu hỏi chưa có lời giải: Khi pháp nhân là DN phải chịu TNHS thì quyền lợi người lao động trong DN và các đối tác làm ăn với pháp nhân đó sẽ được xử lý thế nào?

Lo ngại ảnh hưởng quyền lợi bên liên quan

Thực tế cho thấy, TNHS của pháp nhân đã được ghi nhận trong nhiều văn bản pháp luật quốc tế mà Việt Nam tham gia như: Công ước của Liên Hợp Quốc về phòng chống tham nhũng, Công ước chống tội phạm xuyên quốc gia…. Trên thế giới, có tới 120 nước quy định TNHS đối với pháp nhân.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, việc quy định TNHS của pháp nhân khẳng định quan điểm của VN trong việc xử lý nghiêm minh các pháp nhân vi phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Theo ông Hiện, quy định này không chỉ bảo đảm sự thống nhất chung của hệ thống pháp luật, mà còn nhằm thực thi các cam kết của VN trong các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, bảo đảm công bằng giữa pháp nhân VN ở nước ngoài và pháp nhân nước ngoài tại VN.

Tuy nhiên, nhiều ĐBQH tỏ ra lo ngại, DN là pháp nhân có thể vi phạm pháp luật, nhưng người lao động vô tội tại DN sẽ phải chịu thiệt hại về quyền lợi. ĐBQH Tô Văn Tám (đoàn ĐB tỉnh Kon Tum) đặt câu hỏi, khi pháp nhân phạm tội và chịu hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thì quyền lợi của người lao động sẽ ra sao, họ có lỗi không và có phải chịu hậu quả pháp lý của pháp nhân không? Dự thảo bộ Luật chưa thấy có quy định về vấn đề này. Chính vì vậy, ĐB Tám đề nghị bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi người lao động khi pháp nhân chịu hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh…

Đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) phân tích: Theo pháp luật của VN, trách nhiệm hình sự chỉ áp dụng đối với các cá nhân, tức là theo nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự, nên không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Trường hợp pháp nhân vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự với chế tài cao nhất là tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, bồi thường thiệt hại… Các biện pháp xử lý hành chính, dân sự này về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu xử lý vi phạm đối với pháp nhân.

“Việc xử lý trách nhiệm hình sự pháp nhân như tước giấy phép, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn sẽ ảnh hưởng những người không liên quan đến hoạt động tội phạm, ảnh hưởng người lao động, ảnh hưởng an sinh, trật tự xã hội, đến phát triển nền kinh tế” – bà Huyền bày tỏ.

Khi thảo luận đóng góp ý kiến cho dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, LS Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đặt ra nhiều vấn đề. Đơn cử, khi một tổ chức kinh tế bị truy cứu TNHS thì các giao dịch kinh tế thương mại đang diễn ra sẽ ra sao? Nếu bị truy cứu TNHS, DN bị đóng cửa, bị rút giấy phép, bị tạm ngừng hoạt động một thời gian thì những đối tác là bạn hàng, khách hàng của các tổ chức kinh tế này cũng như người lao động trong tổ chức kinh tế có quyền khởi kiện những quyết định của tổ chức kinh tế đó hay không?… Mặt khác, theo ông Huỳnh, mức hình phạt cũng phai xem xét một cách thận trọng, hạn chế những hình phạt có thể gây thiệt hại lớn cho xã hội, đặc biệt cho các đối tác và người lao động.

Quy định TNHS của pháp nhân là chế định hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ nên quan trọng nhất là thực thi cần thận trọng để tránh sai sót.

Tránh chồng chéo

Tuy vậy, đa số các ĐBQH đồng tình với quy định xử lý hình sự pháp nhân. Theo ĐBQH Trần Hồng Hà (Đoàn ĐB tỉnh Vĩnh Phúc), đây là điều cần thiết vì tình hình vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện đang diễn ra phức tạp, ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng. Truy cứu TNHS pháp nhân sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi của người dân hiệu quả hơn khi họ khiếu kiện…

Thực tế cũng chỉ ra rằng, nếu chỉ bằng công cụ hành chính, dân sự thì các cơ quan quản lý nhà nước như thanh tra địa phương không thể giải quyết tận gốc rễ vấn đề. Bởi trong lĩnh vực dân sự, việc cung cấp chứng cứ chứng minh bảo vệ quyền lợi thuộc về các đương sự. Trong trường hợp, các đương sự vi phạm không cung cấp chứng cứ, các đương sự ở phía thế yếu như người dân không thể thu thập được tài liệu thì cũng rất khó để khởi kiện được. Nếu pháp nhân là chủ thể chịu TNHS thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng ngay các hoạt động tố tụng, ngăn chặn thu thập toàn bộ chứng cứ và đưa ra được chế tài xử phạt phù hợp.

Theo Luật sư Hoàng Văn Dũng, Văn phòng luật sư Bross và các cộng sự, trong các loại trách nhiệm pháp lý thì TNHS được quan niệm là chế tài có tính nghiêm khắc nhất. Mặt khác, khi bị truy cứu TNHS thì pháp nhân, người đại diện của pháp nhân sẽ phải tham gia hoạt động tố tụng hình sự, trực tiếp chịu tác động của một quy trình tố tụng nghiêm khắc, và có tính giáo dục, răn đe cao nhất của Nhà nước, đặc biệt là thông qua hoạt động xét xử công khai tại phiên tòa hình sự thì tính răn đe và phòng ngừa vi phạm pháp luật đối với pháp nhân sẽ cao hơn.

Đồng tình, LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, việc truy cứu TNHS của pháp nhân không loại trừ TNHS của cá nhân. Tuy nhiên, Bộ luật cần làm rõ về phạm vi giới hạn TNHS của cá nhân và pháp nhân trong cùng một vụ án. Bộ luật cần quy định cụ thể về đại diện quyền lợi của DN để bảo đảm việc xử lý đúng người, đúng tội, tránh tình trạng một hành vi phạm tội bị xử lý hình sự nhiều lần.

Mặc dù, dự thảo Bộ luật Hình sự đang nhận những ý kiến cuối cùng để thông qua vào ngày 25/11 tới nhưng những băn khoăn của các chuyên gia pháp lý như của LS Đức vẫn chưa được giải quyết.

Đây cũng là băn khoăn của ĐBQH Lưu Thị Huyền. ĐB Huyền cho rằng, việc dự thảo quy định cả cá nhân và pháp nhân phải chịu TNHS về cùng một tội phạm trong cùng một vụ án sẽ rất khó xác định phạm vi, mức độ chịu trách nhiệm của từng chủ thể, cũng như khó áp dụng mức hình phạt. Khi cả pháp nhân và cá nhân cùng phải chịu TNHS thì ai là chủ thể tham gia tố tụng của pháp nhân, thủ tục tố tụng ra sao, áp dụng các biện pháp ngăn chặn thế nào? Đó cũng là những câu trả lời cần làm rõ trước 25/11 tới.

Bá Tú

——-

Diễn đàn Doanh nghiệp 09-11-2015:

http://enternews.vn/phap-nhan-kho-thoat-an-hinh-su.html

(131/1.367)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,599