(PL) – Hiện có 5.826 điều kiện kinh doanh đối với 268 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó gần 3.000 điều kiện (gần 50%) được quy định trong các văn bản không đúng thẩm quyền và nhiều Bộ vẫn “vô tư” ban hành điều kiện kinh doanh không đúng thẩm quyền như chưa có Luật Đầu tư mới.
DN đang mong chờ những quy định về điều kiện kinh doanh minh bạch
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phản ánh tại Hội thảo “Điều kiện kinh doanh: nhận diện và kiến nghị” sáng nay (14/6) do Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp – Luật Đầu tư phối hợp với VCCI tổ chức.
Lo chất lượng khi xây dựng kiểu “tám không”
Cần xây dựng 49 nghị định quy định về điều kiện kinh doanh (ĐKKD) theo 2 Luật này nhưng đến ngày 30/5 các Bộ mới trình được 38 Nghị định. Còn 11 Nghị định vẫn đang “treo” khiến 16 ngành nghề chưa có văn bản hướng dẫn về ĐKKD.
Để đáp ứng tiến độ triển khai Luật doanh nghiệp (DN) và Luật đầu tư, Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng các Nghị định theo thủ tục rút gọn. Khi thời điểm 1/7 – ngày Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư có hiệu lực càng đến gần, các Bộ mới bắt đầu “vắt chân lên cổ” xây dựng các Nghị định quy định về ĐKKD.
Do điều kiện gấp về thời gian nên nhiều nghị định được xây dựng với quy trình “tám không” mà ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận thấy, gây lo ngại về chất lượng, tác động, tính khả thi, hiệu quả của các ĐKKD mới trong các Nghị định này.
Thêm vào đó, “dù rất cần thiết rà soát, sắp xếp, loại bỏ các ĐKKD bất hợp lý nhưng công tác này vẫn chưa đạt kỳ vọng và thực chất, mới thực hiện một cách cơ học, chưa đánh giá tính hợp lý, hiệu quả của các ĐKKD” – ông Vũ Tiến Lộc nhận xét.
Theo ông Nguyễn Am Hiểu – Trọng tài viên VIAC, ban hành pháp luật là trách nhiệm của Nhà nước. Nhà bước chưa ban hành kịp thì người dân không thể hánh chịu hậu quả vì họ không có lỗi.
Trong trường hợp đến 1/7 các Nghị định về ĐKKD chưa được ban hành thì DN có quyền áp dụng các Nghị định cũ, trừ những vấn đề Nghị định cũ trái với luật đã có hiệu lực.
Dễ “quên” nguy cơ tham nhũng
LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI lo ngại, mặc dù Luật đã quy định rõ 268 ngành, nghề có ĐKKD nhưng “sẽ còn nhiều ngành, nghề khác tiếp tục được bổ sung vào danh mục các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nếu quan điểm của Bộ, ngành về quản lý DN không thay đổi tích cực”
Để ĐKKD không phải là rào cản hoạt động sản xuất, kinh doanh, minh bạch là điều quan trọng nhất vì “DN không sợ ĐKKD, DN chỉ sợ ĐKKD không minh bạch”.
Theo VCCI, các ĐKKD có thể giúp đạt các mục tiêu về quốc phòng, an ninh quốc gia; trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.
Nhưng các ĐKKD cũng sẽ gây hệ quả thường bị các cơ quan ban hành bỏ qua như giảm tính cạnh tranh thị trường, tăng cơ hội độc quyền, khả năng hình thành cartel.
Giảm tính năng động, sáng tạo, đổi mới của DN, làm tăng giá, giảm chất chất lượng, giảm dịch vụ đi kèm dành cho người tiêu dùng và nguy cơ tiêu cực, tham nhũng.
Do đó khi soạn thảo ĐKKD, dù theo thủ tục rút gọn vẫn cần lấy ý kiến các DN, đánh giá tác động về chi phí đầu vào tối thiểu, khả năng gia nhập thị trường của DN mới và khả năng đáp ứng của các DN đang hoạt động.
Huy Anh
Pháp luật Việt Nam (Chính sách) 14-6-2016:
http://baophapluat.vn/chinh-sach/gan-50-dieu-kien-kinh-doanh-quy-dinh-trai-tham-quyen-278976.html
(62/721)