890. Quy định trần lãi suất: Tránh hành chính hóa quan hệ dân sự

(ĐT) – Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi) vào ngày 24/11 tới. Tuy vậy, vấn đề trần lãi suất tại Khoản 3, Điều 467 của Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) dường như vẫn chưa đi đến hồi kết, bởi còn rất nhiều ý kiến trái chiều.

Đại diện Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự –kinh tế cho rằng, việc quy định lãi suất trần cần có hai điều kiện cơ bản.

Một là, bảo đảm không biến lãi suất trần trở thành công cụ pháp lý để hành chính hóa quan hệ dân sự. Mục tiêu chính là xây dựng chuẩn mực pháp lý để các bên trong hợp đồng vay căn cứ vào đó mà thỏa thuận về lãi và lãi suất cho phù hợp, bảo đảm hai bên cùng có lợi.

Hai là, lãi suất trần phải bảo đảm tính linh hoạt, có thể được sửa đổi, bổ sung kịp thời để đáp ứng yêu cầu biến động của kinh tế – xã hội.

Cần có một trần lãi suất chung, rõ ràng, hợp lý, đủ rộng để ngân hàng áp dụng linh hoạt. Ảnh: Đ.T

Tuy vậy, ông Hải cũng thừa nhận rằng, tự do thỏa thuận, tự do định đoạt là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự trong nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường.

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Hòa Bình), Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) và Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, trần lãi suất này chỉ áp dụng với cho vay dân sự, khống chế việc cho vay nặng lãi trong dân sự. Còn cho vay giữa các tổ chức tín dụng và khách hàng được thực hiện theo Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đại biểu Trương Minh Hoàng chia sẻ, đi vào các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn mới thấy, tín dụng đen, cho vay nặng lãi vẫn diễn ra. Khi cần tiền, người dân chấp nhận mức lãi suất cho vay cao, tính ra có thể tới 30%/năm. Họ chấp nhận vay, nhưng không hợp đồng, thậm chí hợp đồng miệng, ghi sổ và hẹn ngày trả, chẳng nói lãi bao nhiêu.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, cuộc tranh luận về lãi suất cho phép xoay quanh tỷ lệ 150% hay 200% lãi suất cơ bản hay khống chế ở mức trần 20% đều không mang tính thuyết phục, vì không dựa trên cơ sở lý thuyết hay thực tiễn nào. Trên cơ sở thương mại, lãi suất là giá phải trả cho tiền vay, một loại hàng hóa đặc biệt trong nền kinh tế. Việt Nam đang đi vào nền kinh tế thị trường ngày một sâu hơn và giá cả được xác định bởi cung – cầu. Hiện nay, chúng ta áp dụng lãi suất thỏa thuận, hay nói khác là  lãi suất cho vay thả nổi. Đây là hướng đi phù hợp của nền kinh tế thị trường và không có lý do gì để đảo ngược tiến trình này.

“Với những lo ngại bỏ trần sẽ có những hệ lụy như cho vay nặng lãi của tín dụng đen thì đây là phạm vi của Bộ luật Hình sự. Theo đó, riêng Bộ luật Hình sự có thể đưa ra một tỷ lệ khống chế dựa trên lãi suất tham khảo mang tính khách quan và thông tin có sẵn trên thị trường”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, nếu không quy định trần lãi suất thì sẽ “chết” dân, “chết” người nghèo. Dù phương án căn cứ theo lãi suất cơ bản hay chốt một con số cố định thì đều nêu rõ: trừ trường hợp Luật Các tổ chức tín dụng có quy định khác. Tổ chức tín dụng sinh ra để cho vay, mà cho vay theo dự án. Theo đó, những dự án nhìn thấy rõ lợi nhuận, khả thi, thì có thể lãi suất rất nhẹ.

“Còn những dự án rủi ro cao thì lãi suất phải cao hơn. Điều này không bị khống chế bởi quy định nêu trên. Quy định nêu trên chỉ khống chế trong quan hệ dân với dân. Hơn nữa, hệ thống ngân hàng đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng cũng tự kiểm soát lẫn nhau”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI  khuyến nghị: “Cần phải có một hành lang pháp lý và một trần lãi suất chung rõ ràng, thực tế, hợp lý, đủ rộng, để các ngân hàng tự quyết định cho vay khoản này chặt chẽ, khoản kia dễ dàng, khoản này lãi suất thấp, khoản kia lãi suất cao và đặc biệt là không bị trói tay trước tình trạng hơi tý là vi phạm, cùng với đó là nơm nớp nỗi sợ trách nhiệm hình sự khi khoản vay bị thất thoát, mất vốn, thiếu lãi”.

Hồng Dung

———-

Đầu tư (Ngân hàng) 11-11-2015:

http://baodautu.vn/quy-dinh-tran-lai-suat-tranh-hanh-chinh-hoa-quan-he-dan-su-d35339.html

(104/904)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,836