(KDPL) – Con số 4000 giấy phép con, tức điều kiện kinh doanh do các bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành trái luật, đang gây nhiều bất lợi cho doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tại Hội thảo “Điều kiện kinh doanh: Nhận diện và kiến nghị” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức, Luật sư Trương Thanh Đức, thành viên Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, Giám đốc Công ty Luật ANVI – Trọng tài viên VIAC cho biết, sau 16 năm, số giấy phép con, tức ĐKKD do các bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành trái luật không những không giảm đi mà còn không ngừng tăng vọt với con số lên đến khoảng 4.000 ĐKKD trái luật.
Hàng chục ngành, nghề kinh doanh và hàng nghìn ĐKKD đã trái, đang trái và sẽ tiếp tục đứng trước nguy cơ trái luật
Luật sư Trương Thanh Đức cũng chỉ ra thực tế, mặc dù Luật Đầu tư năm 2014 có quy định chỉ có 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng tại thời điểm này lại xuất hiện ít nhất ngành, nghề kinh doanh thứ 268 là dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
Ông Đức tỏ ra quan ngại, nếu vẫn không dứt khoát về quan điểm và tôn trọng quy định nêu trên của Luật Đầu tư thì lại sẽ có nguy cơ không xác định được cụ thể 268++ bao nhiêu ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc cũng đồng quan điểm, cho biết:
“Sau khi Luật Đầu tư 2014 được ban hành, nhiều bộ, ban ngành vẫn quy định điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền, điều này là không thể hiểu nổi và cũng không thể chấp nhận nổi, các bộ ban ngành vẫn vô tư ban hành coi như chưa có Luật Đầu tư mới”.
Ông Lộc cũng cho rằng, thủ tục hành chính vẫn còn rườm ra, đặc biệt là việc chồng chéo trong thanh kiểm tra đang là mối lo ngại hàng đầu của doanh nghiệp. Các bộ ngành chưa đánh giá tính hợp lý, hiệu quả về các quy định ĐKKD, chưa tách bạch cụ thể với tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, sự lẫn lộn này là nguy cơ làm phức tạp thêm ĐKKD lẽ ra là không cần thiết. Nhiều ĐKKD vẫn như cũ mà chưa được xem xét loại bỏ.
Ông Đức cho biết thêm, dù các ĐKKD có được ban hành đúng thẩm quyền ngay hôm nay, thì vẫn cứ trái luật. Ngay cả trường hợp ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đã được quy định trong Luật Đầu tư năm 2014, nhưng nếu cứ chép lại ĐKKD trong các thông tư vào nghị định hay cứ ban hành ĐKKD không có cơ sở hợp lý, thì không nhưng gây khó khăn, cản trở hoạt động kinh doanh, mà cũng còn trái với quy định tại Luật Đầu tư, thậm chí là còn vi Hiến.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, doanh nghiệp có lẽ sẽ không quá sợ ĐKKD nếu nó được ban hành một cách minh bạch, thay vì ban hành một cách khó hiểu như hiện nay, gây bất lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thu Hà (Theo Infonet, Dân trí)
————————————————————–
Kinh doanh & Pháp luật (Tin tức) 15-6-2016:
(201/605)