(GĐ) – Ngày 14/6, tại hội thảo “Điều kiện kinh doanh: Nhận diện và kiến nghị” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, nhiều người có mặt kinh ngạc trước con số được đưa ra: Từ năm 2000 tới nay, số “giấy phép con” trái luật đã tăng vọt với con số lên tới khoảng 6.000 điều kiện kinh doanh.
Thủ tục đăng ký kinh doanh vẫn là mớ bòng bong với doanh nghiệp. Ảnh: TL
Luật sư Trương Thanh Đức, thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC cho rằng, hàng nghìn điều kiện kinh doanh đang được quy định tại các thông tư trong khoảng 10 năm qua đều là trái luật. Căn cứ theo Khoản 5, Điều 7 về ngành, nghề và điều kiện kinh doanh của Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã quy định: “Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh”. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến số giấy phép con tức là các điều kiện kinh doanh do các bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành trái luật tăng vọt với con số lên tới khoảng 6.000 điều kiện kinh doanh.
Ông Đức cho rằng, trong điều kiện hiện nay, nếu không tôn trọng quy định đã nêu trong Luật Đầu tư thì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ không được nâng lên. Vì thế môi trường kinh doanh ở Việt Nam sẽ không thể được cải thiện.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, mặc dù đã có Luật Đầu tư 2014 nhưng hiện vẫn có khoảng 5.826 điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng đối với 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư. Trong số này, có gần 3.000 điều kiện hiện đang được quy định tại các văn bản không đúng thẩm quyền. Chính vì thế, việc rà soát, sắp xếp, loại bỏ được các điều kiện kinh doanh bất hợp lý là một việc không hề dễ dàng và khó đi vào thực chất.
Theo đó, cần loại bỏ quy định đối với những ngành nghề nào không nhất thiết phải có điều kiện kinh doanh. Các bộ, ngành dường như đang thực hiện các hoạt động này một cách cơ học, đó là nâng các quy định từ cấp thông tư lên thành nghị định và vẫn giữ nguyên tính chất của quy định, chưa đánh giá về tính hợp lý và hiệu quả của các quy định về điều kiện kinh doanh.
Ngược lại, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI lại cho rằng, doanh nghiệp không sợ điều kiện kinh doanh; doanh nghiệp chỉ sợ điều kiện kinh doanh không minh bạch. Theo giải thích của ông Tuấn thì, các điều kiện kinh doanh không thể là những rào cản góp phần giảm tính cạnh tranh thị trường và tăng cơ hội độc quyền; làm giảm tính năng động, sáng tạo và đổi mới của doanh nghiệp; làm tăng giá, giảm chất lượng, giảm dịch vụ đi kèm dành cho người tiêu dùng; chưa kể tới nguy cơ tiêu cực và nhũng nhiễu.
Nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ những vướng mắc, bất cập trong các quy định kinh doanh hiện nay. Ông Hà Thanh Tùng, đại diện Công ty TNHH sản xuất, thương mại và dịch vụ Đông Tùng (tỉnh Hà Giang) đặt vấn đề, Bộ Công Thương quy định cụ thể với 1 trạm chiết gas phải có 300m3 tồn trữ và 2,62 triệu lít (tương đương với 100.000 vỏ bình). Điều này nếu áp dụng với những tỉnh miền núi, hải đảo, dân số ít phải đầu tư số lượng vỏ bình gas như vậy sẽ khiến kinh doanh không hiệu quả, bất hợp lý. Trong khi đó, ngành công thương hiện đang quản lý 2 giấy phép con trên 1 trạm chiết gas. Đó là chưa kể những thủ tục hành chính rắc rối, khiến doanh nghiệp tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí cho việc xin cấp phép.
Luật Đầu tư sửa đổi năm 2014 có nhiều điểm tiến bộ, quy định chỉ có 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Từ ngày 1/7/2016 tới đây, các quy định về điều kiện kinh doanh sẽ được áp dụng theo Luật Đầu tư năm 2014. Theo đó, hàng loạt điều kiện kinh doanh đang quy định tại các thông tư cấp Bộ hay chưa được quy định cụ thể sẽ được quy định tại các nghị định mới, dự kiến sẽ được Chính phủ thông qua trong thời gian tới. Điều này sẽ tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đông An – Ngọc Yến
—————————————-
Gia đình (Xã hội) 15-6-2016:
http://giadinh.net.vn/xa-hoi/tu-1-7-nhieu-dieu-kien-kinh-doanh-se-duoc-bai-bo-20160615102142299.htm
(204/863)