Tranh cãi lãi vay
(ANVI) – Hơn 20 năm trước, lãi suất cho vay cao nhất của ngân hàng cỡ 50 – 70%/năm, thì Bộ luật Dân sự 1995 đã quy định, lãi suất cho vay bên ngoài không quá 50% mức đó, tức là khoảng trên 100%/năm.
Bộ luật Dân sự 2005 quy định mức lãi suất cho vay cao nhất không quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định. Dự thảo Bộ luật dân sự đã nâng giới hạn này lên 200%, nhưng vẫn chưa ăn nhập gì với cuộc sống[1]. Vì như vậy thì lãi suất kịch trần cũng chỉ là 18%/năm (bằng với mức lãi chậm nộp thuế theo Luật Quản lý thuế).
Lãi suất cho vay hiện hành giữa dân cư cũng như các tổ chức kinh tế với nhau không được quá 13,5%/năm, trong khi trên thực tế cao hơn mức này rất nhiều mà vẫn rất chi là bình thường và có lý.
Đặc biệt là lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng (ngân hàng, công ty tài chính, hợp tác xã tín dụng,…) lại đàng hoàng được vượt khỏi giới hạn (trừ vài lĩnh vực áp dụng lãi suất ưu đãi). Trên thực tế, mấy năm nay, lãi suất ngân hàng có khi lên đến 30 – 40%, thậm chí 60 – 70%/năm hoặc cao hơn cũng vẫn cứ hợp pháp.
Đúng là luật đổi sao rời, cao lộn xuống thấp, dưới lộn lên trên. Và nếu quy định như vậy, thì phần lớn các khoản cho vay trên thực lâu nay vẫn trường kỳ trái luật.
ANVI, ngày 11-3-2015
[1] Bộ luật Dân sự 2015 quy định lãi suất cho vay không quá 20%/năm.