(TBKD) – Sau 16 năm, số giấy phép con, tức điều kiện kinh doanh, do các bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành trái luật không những không giảm đi mà còn tăng không ngừng, tới 4.000 ĐKKD trái luật. Đến nay, ngoài cuộc chiến tiếp diễn chống lại các ĐKKD do các thông tư ban hành trái luật, thì còn phải đối mặt thêm với các nghị định trái luật và ngay cả luật trái luật.
Nửa sau cuộc hội thảo “Điều kiện kinh doanh: Nhận diện và Kiến nghị” diễn ra sáng ngày 14/6 nhằm lắng nghe và thu thập các ý kiến của một số nhóm ngành doanh nghiệp về các ĐKKD đang gây khó khăn cho DN (mà sắp tới nhiều điều trong số đó còn có “nguy cơ” được luật hóa thì không rõ số phận nhiều DN sẽ ra làm sao) đã nhanh chóng bị biến thành một buổi… kể khổ.
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi… khổ
Ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, khẳng định “Điều kiện kinh doanh đã trái luật suốt 16 năm qua. Bởi không cần phải chờ đến ngày 1/7/2016, tất cả hàng nghìn ĐKKD đang được quy định tại các thông tư trong khoảng thời gian 16 năm qua đều là trái luật bởi lần lượt Luật Doanh nghiệp năm 1999, năm 2005 đều có quy định: Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh”.
Ông Hà Thanh Tùng, đại diện cho nhóm các doanh nghiệp kinh doanh khí ở khu vực Đông Bắc và Tây Bắc, bức xúc: “Dân số các tỉnh miền núi dao động quanh mức 450.000 – 750.000 người, bình quân sản lượng tiêu thụ khoảng 150-250 tấn/ tháng tùy điều kiện kinh tế xã hội của mỗi tỉnh. Tuy nhiên, theo cách tính mà Bộ Công Thương đưa ra thì mỗi tỉnh vùng sâu vùng xa phải tiêu thụ khoảng 300 tấn/tháng. Do vậy, các DN phải đầu tư thừa khả năng tiêu thụ của thị trường, hơn một nửa giá trị thật của nhu cầu”.
“Việc áp đặt con số bắt buộc mà không tính đến yếu tố dân số, vùng miền, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… khó khăn hơn so với vùng có điều kiện thuận lợi là không phù hợp. Chưa hết, để trở thành thương nhân phân phối gas, chúng tôi phải xin hai giấy phép con, mà trước đây chỉ có một. Tuy nhiên, nếu thực hiện đúng quy định của Thông tư số 03 thì nhiều DN không có cách gì để xin được giấy phép”, ông Tùng bổ sung.
Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc công ty Thiên An Phúc, cho biết: “Từ năm 2006, khoảng 200 DN Việt Nam được nhập khẩu các loại xe Hyundai, Kia, Daewoo, Toyota…Đến năm 2011, sau 5 năm, các DN trong nước tích cực làm thị trường, quảng cáo thì Thông tư 20/2011 (Yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy ủy quyền của chính hãng) ra đời làm cho các DN Việt Nam không nhập khẩu được nữa, chỉ có các hãng là ung dung đặt đại lý của mình ở Việt Nam và bán sản phẩm mà không phải mất một đồng làm thị trường. Vậy Thông tư 20 có lợi cho DN trong nước hay DN nước ngoài?”.
“Thông tư 20/2011 theo Bộ Công Thương là nhằm mục tiêu giảm lạm phát, giảm nhập siêu. Vậy xin hỏi năm 2010, 2011 nhập khẩu ô tô chỉ khoảng trên dưới 1 tỷ USD, sau khi Thông tư ra đời, năm 2014, nhập khẩu 1,5 tỷ USD và 2015 là 2,5 tỷ USD. Vậy mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế có đạt được không? Và lợi nhuận 2,5 tỷ USD này là rơi vào túi ai hay lại chảy ra các tập đoàn nước ngoài”, ông Tuấn chất vấn.
Nhiều đại diện các DN, kinh doanh ở nhiều ngành nghề lĩnh vực đa dạng cũng cùng chung nỗi niềm bị các ĐKKD ban theo kiểu “hành là chính” đã liên tiếp đưa ra các kiến nghị sửa đổi, bãi bỏ, đề nghị ngày 1/7 tới, Chính phủ và các bộ ban ngành phải rốt ráo rà soát lại tất cả các ĐKKD vô lý, trái luật, là rào cản cho sự phát triển doanh nghiệp cũng như vi phạm vào quyền tự do kinh doanh để tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Từ ngày 1/7/2016, hàng nghìn điều kiện kinh doanh trái luật sẽ không còn hiệu lực
Một lô nghị định “8 không” ra đời
Các ĐKKD có thể giúp đạt được các mục tiêu về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng nhưng cũng gây các hệ quả thường bị cơ quan ban hành bỏ qua như: giảm tính cạnh tranh thị trường, tăng cơ hội độc quyền, giảm tính năng động, sáng tạo, đổi mới của doanh nghiệp, nguy cơ tiêu cực, nhũng nhiễu, tăng giá giảm chất lượng…
Mới đây, Thủ tướng đã cho phép rút gọn về trình tự, thủ tục trình các Nghị định về ĐKKD, nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng và lấy ý kiến của đối tượng điều chỉnh. Tuy nhiên, do thời hạn gấp, nhiều Nghị định “8 không” ra đời: không đăng ký dự thảo trên mạng, không gửi lấy ý kiến doanh nghiệp, không tổ chức hội thảo, không đánh giá tác động, không tổng kết thi hành, không kiểm soát thủ tục hành chính, không bản thuyết minh, không bản giải trình, tiếp thu ý kiến.
Ông Nguyễn Am Hiểu, Trọng tài viên VIAC, băn khoăn: “Liệu có nên luật hóa hay nghị định hóa các thông tư hay không Có ban hành các dự thảo còn có quá nhiều vấn đề hay không. Việc nâng cao tính pháp lý của các văn bản cấp thấp là một quy luật. Tuy nhiên, nếu đưa vấn đề thành nguyên tắc để áp dụng đối với tất cả thì vô cùng nguy hiểm. Việt Nam là một quốc gia đang chuyển đổi, nhiều vấn đề các cơ quan của Chính phủ phải xử lý tình huống, vì vậy, không nên luật hóa những vấn đề xử lý tình huống, nhất là những vấn đề có nhiều quan điểm trái chiều”.
“Ban hành pháp luật là trách nhiệm của Nhà nước, Nhà nước chưa ban hành kịp thì người dân không phải gánh chịu hậu quả. Trong khi xử lý vấn đề ưu đãi khác nhau giữa các địa phương, đã có văn bản của địa phương là trái luật, trường hợp ở đây là chưa có Nghị định mới thì doanh nghiệp có quyền áp dụng Nghị định cũ, trừ những vấn đề Nghị định cũ trái với luật đã có hiệu lực”, ông Hiểu chia sẻ.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI góp ý để các ĐKKD không góp phần “thắt cổ” DN thì ngay từ khâu soạn thảo đã phải bảo đảm được rất nhiều các yếu tố như phải lấy đủ các ý kiến từ cộng đồng DN, đánh giá được tác động có liên quan: tính chi phí đầu vào tối thiểu, khả năng gia nhập thị trường của DN mới, tính xem có bao nhiêu DN đang tồn tại đáp ứng được quy định mới…
Phương Nguyên
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI Theo Luật Doanh nghiệp 2005, các Bộ, địa phương không được ban hành ĐKKD nhưng trên thực tế, các bộ vẫn ban hành. Luật Đầu tư 2014 bổ sung quy định: Kể từ 1/7/2016, nếu các ĐKKD của Bộ không được nâng lên cấp Nghị định thì sẽ hết hiệu lực. Ông Nguyễn Am Hiểu – Trọng tài viên VIAC Bản chất của thị trường là phải tự do kinh doanh. Tuy nhiên, quyền tự do nào của một người luôn bị hạn chế bởi quyền tự do của người khác và vì vậy, trong những điều kiện nhất định, quyền tự do bị giám sát bởi quyền lực Nhà nước. Vì vậy, khái niệm điều kiện kinh doanh đang được bàn là khái niệm “bị đánh tráo”. Cái mà chúng ta đang bàn thật ra là Nhà nước can thiệp vào các hoạt động kinh doanh như thế nào là hợp lý trong phát triển kinh tế thị trường. Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế, VCCI Theo Luật đầu tư, chỉ có khoảng 268 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy vậy, các điều kiện kinh doanh còn lại rất chằng chịt, khoảng 5.826 ĐKKD áp dụng cho gần 3.000 điều kiện được quy định tại các văn bản không đủ thẩm quyền. Nhiều bộ vẫn tiếp tục ban hành các ĐKKD trái thẩm quyền, coi như chưa từng có Luật Đầu tư mới, làm phức tạp điều kiện kinh doanh. |
————-
Thời báo Kinh doanh (Diễn đàn) 15-6-2016:
http://thoibaokinhdoanh.vn/Dien-dan-10/Dieu-kien-kinh-doanh-Chi-so-khong-minh-bach-24574.html
(102/1.552)