904. Hơn 4.000 loại giấy phép con trái luật: Doanh nghiệp khó sống

(ĐĐK) – Theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, các điều kiện kinh doanh trong các thông tư của cấp bộ sẽ hết hiệu lực từ 1/7 tới nếu không được nâng cấp lên thành nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, thông tin từ VCCI cho hay, do thời hạn quá gấp nên nhiều nghị định được xây dựng mà không đăng dự thảo trên mạng, không hỏi ý kiến DN, không tổ chức hội thảo, không đánh giá tác động, tiếp thu ý kiến… Tính đến ngày 31/5/2016, trong số 49 nghị định thì chỉ có 38 nghị định đã trình Chính phủ, trong số đó chỉ 24 nghị định lấy ý kiến của  VCCI.

Ngành gas đang gặp khó với Nghị định 19.

Hàng ngàn điều kiện không đúng thẩm quyền

Theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, hiện đang có khoảng 5.826 điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng đối với 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư, trong số này có gần 3.000 điều kiện hiện đang được quy định tại các văn bản không đúng thẩm quyền.

Cụ thể, theo phân tích của ông Lộc, trước đây bất cứ bộ ngành, địa phương nào cũng có thể đặt ra điều kiện kinh doanh, nhưng Luật Doanh nghiệp 2014 đã bác bỏ thẩm quyền này của các bộ, ngành địa phương.

Chính phủ cũng đã kiên quyết cắt bỏ các điều kiện kinh doanh, loại bỏ giấy phép con, tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi Luật Đầu tư 2014 được ban hành, nhiều bộ, ban ngành vẫn quy định điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền. “Điều này là không thể hiểu nổi và cũng không thể chấp nhận nổi, các bộ ban ngành vẫn vô tư ban hành coi như chưa có Luật Đầu tư mới” – Chủ tịch VCCI bày tỏ sự ngạc nhiên.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, sau 16 năm, số giấy phép con, tức điều kiện kinh doanh do các bộ, ngành, chính quyền địa phương ban hành trái luật không những không giảm mà còn tăng vọt với con số lên đến khoảng 4.000 điều kiện kinh doanh trái luật.

Luật sư Đức bày tỏ quan điểm: Có những ngành nghề không cần thiết phải đưa vào quy định kinh doanh có điều kiện cũng đưa vào. “Tôi kinh doanh than, củi hay tôi buôn thuyền thúng cũng phải có điều kiện. Hay kinh doanh mũ bảo hiểm cũng đưa vào loại hình này. Nhà nước không kiểm soát được người sản xuất mũ thì lại đi kiểm soát người bán mũ, rồi người đội mũ cũng bị kiểm soát. Đây chỉ là những ví dụ điển hình về các loại hình kinh doanh mà Nhà nước cho vào diện “kiểm soát” mà tôi cho là không cần thiết” – ông Đức nhận định. 

Đẩy doanh nghiệp gas đến bờ vực phá sản

Những ngày vừa qua, trong dư luận xôn xao về Nghị định 19 về kinh doanh khí có hiệu lực từ ngày 15-5-2016. “Tại hội thảo này, chúng tôi, những DN  kinh doanh gas đến từ nhiều địa phương, đã lặn lội ra tận Hà Nội để có thể bày tỏ kiến nghị về một Nghị định có thể nói là chặn đường sống của nhiều DN ngành khí, gas” – ông Lê Văn Bình, Công ty Gas Minh Chánh (tỉnh Bình Thuận) cho biết.

Theo ông Bình, Nghị định 19 về kinh doanh khí đang đẩy các DN gas trên cả nước đến bên bờ vực phá sản. Vì các quy định tại Nghị định này thay thế Nghị định 107 của Chính phủ dường như triệt tiêu hết mọi hy vọng của cộng đồng DN ngành gas. Một trong số các quy định làm khó các DN gas hiện nay phải kể đến quy định về việc, DN phải có các bồn chứa với tổng sức chứa tối thiểu 300m3 và có số lượng chai LPG đủ điều kiện lưu thông trên thị trường thuộc sở hữu của thương nhân với tổng dung tích chứa tối thiểu 2.620.000 lít.

“Để thực hiện quy định này, DN phải đầu tư thêm hơn 20 tỷ đồng nữa. Mà đối với các DN gas ở các vùng miền là không cần thiết. Làm như vậy là gây áp lực lên các DN nhỏ và vừa, chỉ có lợi cho một số DN lớn” – ông Bình bức xúc.

Tương tự, ý kiến của ông Hà Thanh Tùng – Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Đông Tùng (Hà Giang)  cũng xoáy sâu vào những bất cập được quy định tại Nghị định 19. Theo ông Tùng, với các quy định về số lượng bình và diện tích chứa được đưa ra trong Nghị định này, chắc chắn sẽ đẩy giá thành gas lên cao, hạn chế sức cạnh tranh của DN nhỏ và vừa. Hệ lụy là người tiêu dùng sẽ phải mua khí gas với giá cao hơn nhiều lần so với trước. Và nguy cơ dẫn đến độc quyền, lợi ích nhóm là hoàn toàn có thể xảy ra.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các DN, giới luật gia cho rằng, có rất nhiều điều kiện kinh doanh vô lý cần loại bỏ ngay để giúp cộng đồng DN dễ thở hơn, không thể tiếp tục để tồn tại những điều kiện kinh doanh theo kiểu làm khó thêm cho DN.

Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), đề xuất các Bộ, ngành bãi bỏ các quy định điều kiện kinh doanh là cực kỳ khó sống, theo ông Tuấn rất  cần các Bộ, ngành minh bạch thông tin về các điều kiện kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của cộng đồng DN trong thời gian tới.

“Luật Đầu tư phải được rà soát từ năm 2015 để sẵn sàng thực hiện vào thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực từ 1/7/2016. Do đó, việc sàng lọc loại bỏ các quy định không phù hợp thực tế là cần thiết” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Minh Phương

——————————

Đại đoàn kết (Kinh tế) 15-6-2016:

http://m.daidoanket.vn/kinh-te/hon-4000-loai-giay-phep-con-trai-luat-doanh-nghiep-kho-song/106140

(175/1.081)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,599