(ĐTCK) – “Sau 16 năm, số giấy phép con không hề giảm mà ngược lại còn tăng chóng mặt, ước tính sơ bộ, hiện nay, có gần 4.000 điều kiện kinh doanh là trái luật”, luật sư Trương Thanh Đức, thành viên Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, cho biết tại hội thảo về điều kiện kinh doanh vừa diễn ra.
Tình trạng điều kiện đầu tư không rõ ràng đang hạn chế DN Việt Nam thu hút nhà đầu tư chiến lược nước ngoài
Theo ông Đức, cuộc chiến chống các điều kiện kinh doanh trái luật ngày càng cam go và phức tạp, bởi các điều kiện kinh doanh không chỉ xuất hiện do thông tư ban hành trái luật, mà còn từ nghị định, thậm chí cả luật trái luật. Đáng lo ngại là số lượng các loại hình điều kiện kinh doanh không thuộc danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư 2014 đang có nguy cơ gia tăng chóng mặt và không thể xác định được, dẫn tới nhầm lẫn trong việc xác định các điều kiện kinh doanh thuộc danh mục này và khó phân biệt với các điều kiện kinh doanh trái luật.
“Nếu vẫn không dứt khoát về quan điểm và tôn trọng quy định của Luật Đầu tư, nguy cơ không xác định được cụ thể là 267, 268 hay nhiều hơn nữa số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện sẽ lại xuất hiện”, ông Đức khẳng định và nêu ví dụ, “yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản” cũng chính là một điều kiện kinh doanh theo quy định về “Phòng bệnh động vật”, Luật Thú y năm 2015. Tuy nhiên, điều kiện kinh doanh này không có trong danh mục 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là trái với quy định của Luật Đầu tư.
Hay “Hoạt động dịch vụ của tổ chức hoà giải thương mại” không nằm trong số 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư năm 2014, nhưng ngành nghề tương tự là “Hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại” lại có. Ông Đức cho rằng, nếu Chính phủ ban hành nghị định về hoà giải thương mại khi chưa bổ sung ngành, nghề “Hoạt động dịch vụ của tổ chức hoà giải thương mại” thì sẽ trái với quy định của Luật Đầu tư 2014.
Ở góc độ khác, ông Trần Anh Đức, đồng Trưởng nhóm Công tác đầu tư và thương mại, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) nhận xét, tình trạng điều kiện đầu tư không rõ ràng hiện nay đang hạn chế doanh nghiệp Việt Nam thu hút nhà đầu tư chiếc lược nước ngoài. Ví dụ, theo cam kết WTO, đối với dịch vụ đại lý lữ hành và điều hành tour du lịch, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ dưới hình thức liên doanh với đối tác Việt Nam. Điều kiện này chỉ đề cập tới liên doanh mà không đề cập tới việc mua cổ phần. Trong khi đó, Luật đầu tư mới không còn quy định về khái niệm liên doanh.
Hay trong lĩnh vực giáo dục, hàng nghìn học sinh phải ra nước ngoài vì không có cơ hội học tập tại trường quốc tế ở Việt Nam, hoặc một số phải đăng ký quốc tịch nước láng giềng để đủ điều kiện được học trường quốc tế trong nước, do có rất nhiều điều kiện hạn chế nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục phổ thông được quy định tại Nghị định 73/2012/NĐ-CP. Trong đó có quy định giới hạn không quá 10% và 20% học sinh Việt Nam trong các trường tiểu học và trung học phổ thông theo chương trình của nước ngoài, cấp văn bằng nước ngoài.
Một vấn đề cấp thiết đang đặt ra hiện nay là liệu đến 1/7 tới đây có kịp ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn điều kiện kinh doanh để đảm bảo việc thực thi Luật Đầu tư 2014? Theo đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), thời hạn này đang đến rất gần song công việc vẫn còn ngổn ngang. Do đó, dù nghị định có được ban hành thì nhiều khả năng có chất lượng thấp, không đáp ứng đúng tinh thần “cởi trói” của Luật Đầu tư 2014. Thậm chí, có nhiều cơ quan quản lý đang cố gắng tận dụng giai đoạn nước rút này để “cài cắm” thêm nhiều điều kiện kinh doanh khác.
Đề xuất cách thức giải quyết cho việc chậm ban hành nghị định và văn bản hướng dẫn sau thời hạn 1/7, các chuyên gia luật cho rằng, nên áp dụng nguyên tắc nghị định nào có lợi cho doanh nghiệp, cho người dân thì vẫn tiếp tục áp dụng. Còn theo luật sư Trần Vũ Hải, các văn bản, thông tư hướng dẫn trái với tinh thần Luật Đầu tư cần được tự động chấm dứt hiệu lực để không cản trở và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
“Chỉ những trường hợp hết sức đặc biệt liên quan trực tiếp tới an ninh quốc gia mới xem xét tiếp tục áp dụng, song cần phải do trực tiếp Chính phủ quy định”, ông Hải đề nghị.
Hiếu Minh
—————————–
Đầu tư Chứng khoán (Thời sự) 15-6-2016:
http://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/dieu-kien-kinh-doanh-trai-luat-van-tang-chong-mat-155440.html
(411/962)