(LĐ) – Hiện nay, rất nhiều thanh, thiếu niên sử dụng ma túy đá như một trào lưu thể hiện “đẳng cấp” của mình mà không hề nhận thấy tác hại của nó. Bên cạnh đó, tỉ lệ người sử dụng ma túy đá vào cai nghiện trong các trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội ngày càng tăng. Trong khi đó tỉ lệ phạm tội giết người do hoang tưởng sau khi sử dụng ma túy đá cũng tăng cao đột biến trong những năm gần đây, đang khiến dư luận rất bức xúc.
Tràn lan “án” ma túy đá
Gần đây, liên tiếp các vụ án do “ngáo đá” xảy ra khiến cho người dân chưa hết bàng hoàng. Ngày 30.10, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết vừa khống chế Phạm Thế Huỳnh (SN 1986, trú tổ 2, khu 4, phường Hà Tu, TP. Hạ Long), khi đối tượng này đang “ngáo đá”, cầm dao phay truy sát anh rể vì tưởng anh rể cầm súng bắn mình. “Nghịch tử” vác dao chém bố đẻ, giết bác ruột trong lúc “ngáo đá” vào ngày 4.11 ở Định Hóa, Thái Nguyên vừa bị công an khởi tố về tội giết người. Thời điểm khi Ma Đình Tiệp (24 tuổi) gây án có nhiều biểu hiện ảo giác xuất hiện trong đầu. Chưa hết, sáng 15.11, do ngáo đá, người mẹ trẻ Vũ Lệ Huyền (24 tuổi) ở Quảng Ninh đã bế theo con chưa đầy 1 tuổi liên tiếp lao đầu vào ôtô. Tại cơ quan công an, chị Huyền nhiều lần có ý định vồ lấy con mình ném xuống đất nhưng lực lượng công an đã cảnh giác, ngăn chặn kịp thời. Mới đây, ngày 20.11, Xeo Văn Nhi (19 tuổi, trú tại xã Na Loi, Kỳ Sơn, Nghệ An) giết cháu ruột mới 17 tháng tuổi. Chỉ vì thấy cháu khóc không nín, Nhi đã ôm cháu bé đập vào cột nhà khiến cháu tử vong tại chỗ. Theo cơ quan điều tra, Nhi có biểu hiện “ngáo đá” trong lúc gây tội ác…
Các học viên tại trung tâm giáo dục lao động xã hội số 6 Hà Nội phải tự chăm sóc bản thân. Ảnh: Kỳ Anh
Là người từng bị mê lú bởi ma túy đá, anh H (phường Vĩnh Hưng – Hoàng Mai – HN) đang cai nghiện ma túy tại Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy kể: “Có lần chơi đá xong, 7 ngày không ăn không ngủ. Hầu như thanh niên nào không có công ăn việc làm ở khu nhà tôi là đều dính vào “đá” hết. Thậm chí, có cả học sinh lớp 10, lớp 11 cũng tham gia “chơi đá”, mới đầu khoảng 3-4 đứa với nhau, dần dần đứa nọ rủ rê đứa kia”.
Ông Tuấn cũng cảnh báo: “Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi thì cứ 100 người nghiện ma túy thì đã có 70 người sử dụng ma túy đá. Hiện nay ma túy đá biến tướng với rất nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt, nó đang len vào học đường rất lớn. Những kẻ bán ma túy tuyên truyền là ma túy đá không gây nghiện nhưng thực chất độ tinh chế của ma túy đá gấp 45-50 lần heroin thông thường. Cơ quan chức năng cần phải tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để xã hội cảnh giác với ma túy đá”.Ông Lê Trung Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy (UBND TP. Hà Nội) cho biết: “Tỉ lệ người sử dụng ma túy đá vào trung tâm để điều trị đang tăng rất mạnh. Khi họ vào trung tâm, những dấu hiệu về mặt tâm thần của họ như hoang tưởng, ảo giác, ảo thanh xuất hiện rất nhiều rồi. Các bệnh nhân đều xuất hiện ảo giác, hoang tưởng, thích cảm giác máu me, thích ngửi mùi máu, thích cảm giác mạnh lúc vung dao giết người…”.
Kể về một số trường hợp đến cai nghiện tại trung tâm, ông Tuấn cho biết: “Có một cậu sinh viên 25 tuổi, sử dụng ma túy đá và cần sa song song nhau. Khi đến trung tâm, cậu ta xuất hiện hoang tưởng rất rõ rệt. Nửa đêm cứ ra sân đòi bay lên trời, nặng hơn là đập phá, la hét. Đi đâu cũng nhìn thấy người ngoài hành tinh, luôn khẳng định mình là một loại chim hóa thân thành con người. Cách ly được khoảng 20 ngày rồi mà tình trạng vẫn chưa có gì thay đổi”.
“Chơi đá” muốn đâm chém gì đó cho nhẹ người đi
Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần TPHCM, trong năm 2014, tổng số lượt bệnh nhân đến khám bệnh có liên quan đến ma túy đá là 2.489 lượt. Trong đó có 336 bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Còn trong 2015, chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm, số lượt khám bệnh có liên quan đến ma túy đá đã chiếm 2.088 lượt và 263 bệnh nhân nhập viện.
Nói về mức độ nguy hiểm của ma túy đá, TS-BS Tô Thanh Phương – Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư I cho biết: “Gần đây, tỉ lệ người nhập viện vì ma túy đá rất nhiều. Họ có biểu hiện kích động mạnh, rất dữ dội. Ma túy đá nó gây ra ảo giác, hoang tưởng kinh dị, rùng rợn lắm. Nó làm cơ thể bệnh nhân bứt rứt, khó chịu nên họ luôn muốn cấu xé, đâm chém gì đó để cho nhẹ người đi”.
Theo nhận định của TS-BS Tô Thanh Phương, ma túy đá là ma túy của hội hè, hay gặp ở các thanh, thiếu niên, ở các khu vui chơi giải trí, nhà hàng. Ma túy đá rất dễ sử dụng và nhanh chóng đưa người ta đến hoang tưởng, ảo giác rất dữ dội, trong đầu họ xuất hiện những tiếng nói xui đâm chém, giết người. Chính vì vậy rất dễ gây ra các vụ án mạng kinh hoàng. “Tình trạng sử dụng ma túy đá cực kỳ đáng báo động. Bị tâm thần vì ma túy đá là chữa rất vất vả. Nếu không có biện pháp quản lý tốt thì lại rất dễ dàng mắc lại vì ma túy đá hiện nay rất dễ mua trên thị trường. Thậm chí ngay cả giới trí thức cũng sử dụng ma túy đá rất nhiều. Tôi đã từng điều trị cho bệnh nhân là thạc sĩ. Đây là điều cực kỳ đáng lo ngại” – BS Phương nói.
Dấu hiệu để phát hiện người “chơi đá”
Bác sĩ CKII Huỳnh Thanh Hiển – Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần TPHCM phân tích, thời gian gần đây, từ những trường hợp tử vong vì HIV/AIDS đã khiến giới trẻ sợ hình thức tiêm chích nên đã chuyển sang sử dụng ma túy đá dạng đốt hít với suy nghĩ “cho an toàn”. Mặt khác, có sự gia tăng như trên là do giới trẻ đang có sự ngộ nhận rằng, ma túy đá không gây nghiện như heroin. Thực chất, ma túy đá vẫn gây nghiện và nguy hiểm hơn là sẽ gây tổn thương trên não.
BS Hiển cho hay, bên cạnh loạn thần, trầm cảm, hầu hết người sử dụng ma túy đá đều rơi vào tình trạng rối loạn giấc ngủ. Bệnh nhân thường gặp tình trạng này ngay sau khi sử dụng, mất ngủ khoảng 2-3 ngày liên tục. Sau đó, họ lại ngủ bù trong cùng khoảng thời gian đó. Theo bác sĩ Hiển, đây là dấu hiệu quan trọng nhất để thân nhân nhận biết con em mình có khả năng sử dụng ma túy đá hay không. “Khi thấy con em có dấu hiệu đặc biệt về giấc ngủ, người nhà nên tìm cách thử nước tiểu của cháu bằng que thử Amphetamine có bán ở hầu hết các nhà thuốc. Nếu kết quả dương tính với ma túy đá thì nên đem cháu đến bệnh viện tâm thần khám và điều trị, đề phòng bệnh nhân bị loạn thần, có khả năng gây án” – BS Hiển khuyên.
Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân sử dụng ma túy đá. Do đó, bệnh nhân được điều trị triệu chứng loạn thần tương tự trường hợp loạn thần ở bệnh nhân bị tâm thần phân liệt.
Theo Thiếu tướng Nguyễn An Tuấn – Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm ma túy (C47 Bộ Công an), đối với ma tuý đá, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới đang phải đối mặt với trào lưu mua bán vận chuyển ma tuý tổng hợp dạng đá. Người nghiện ma tuý đá đang có chiều hướng gia tăng, lớp trẻ sử dụng ma tuý đá rất nhiều. Ma tuý đá cũng được đưa thẩm lậu qua biên giới.
Luật sư Trương Thanh Đức – Công ty luật ANVI cho biết: Ở góc độ pháp lý, người bị “ngáo đá” là hậu quả của hành vi chủ động, không vô thức khi bắt đầu sử dụng chất ma túy (là một loại chất kích thích mạnh), do đó, pháp luật hiện hành không coi họ là người mắc bệnh tâm thần và không có cơ sở đề nghị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Pháp luật chưa có quy định riêng biệt đối với người phạm tội trong tình trạng bị kích thích do nghiện ma túy, do “ngáo đá”, nhưng ở Điều 14 Bộ luật Hình sự đã có quy định chung là người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Trường hợp người “ngáo đá” phạm tội thì cũng tương tự người phạm tội trong tình trạng say rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, đều phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ác đã gây ra.
C.NGUYÊN
——————————————
Lao Động (Xã hội) 28-11-2015:
http://laodong.com.vn/xa-hoi/khi-tri-thuc-cung-su-dung-ma-tuy-da-401288.bld
(182/1.738)