Đâu là mức thu nhập thực tế phải nộp thuế thu nhập cá nhân?
(BĐV) – Luật thuế mở ra
Theo Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, thì thuế thu nhập đối với mỗi cá nhân chỉ được tính riêng biệt cho từng người. Như vậy, một người có thu nhập cao chỉ lo cho bản thân hay phải nuôi dưỡng cả gia đình thì cũng phải nộp thuế như nhau. Từ năm 2009 trở đi, thuế thu nhập của một cá nhân theo Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ được tính cho cả những người phụ thuộc nữa. Theo quy định cũ, một người có thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế thu nhập. Tuy nhiên, nếu người ấy phải nuôi dưỡng 2 người nữa, thì thực chất họ bị đánh thuế khi thu nhập của mỗi người chỉ ở mức 1,7 triệu đồng/tháng. Còn theo quy định mới, thì một người có thu nhập trên 4 triệu đồng/tháng đã phải nộp thuế thu nhập. Nhưng, nếu người ấy phải nuôi dưỡng 2 người nữa, thì chỉ phải nộp thuế nếu có thu nhập trên 7,2 triệu đồng, hay thu nhập của mỗi người là trên 2,4 triệu đồng/tháng. Quy định việc giảm trừ gia cảnh 1,6 triệu đồng đối với mỗi người phụ thuộc là sự tiến bộ, công bằng, cụ thể, rõ ràng của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Số người phụ thuộc càng nhiều thì người nộp thuế càng được giảm trừ nhiều mức tiền phải nộp thuế.
Nhưng Nghị định thì đóng lại
Tuy nhiên đến Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 08-9-2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trên, thì việc giảm trừ cho người phụ thuộc lại có sự thay đổi khá lớn. Theo đó, người phụ thuộc phải là người hoàn toàn không có thu nhập hoặc “tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 500.000 đồng”. Tức là người phụ thuộc nếu có tiền lãi tiết kiệm, trợ cấp, học bổng,… trên 500.000 đồng/tháng, thì không còn được tính là người phụ thuộc. Điều có cũng có nghĩa là, một người nộp thuế phải nuôi dưỡng 2 người phụ thuộc, mà tổng thu nhập của cả 3 người này trên 5 triệu đồng/tháng, hay thu nhập của mỗi người là 1,7 triệu đồng, thì đã phải nộp thuế thu nhập. Như vậy, là có sự chênh lệch khá lớn giữa quy định của Luật và Nghị định về mức khởi điểm phải nộp thuế.
Và Thông tư chặt hơn
Cho đến Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30-9-2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 100/2008/NĐ-CP nói trên, thì còn thắt chặt hơn nữa. Theo các điểm 3.1.4 và 3.1.5, Mục I, Phần B của Thông tư này, thì nhiều trường hợp sẽ không được giảm trừ 1,6 triệu đồng theo Luật hoặc giảm trừ 1,1 triệu đồng theo Nghị định, thậm chí còn không được giảm trừ một đồng nào đối với người phụ thuộc. Đó là trường hợp người phụ thuộc đang ở trong độ tuổi lao động nhưng chưa đi làm (trừ “con đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề” và không có thu nhập hoặc thu nhập không quá 500.000 đồng/tháng. Do vậy, trong các trường hợp rõ ràng phải nuôi dưỡng người phụ thuộc (không có trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp mất việc làm) nhưng có thể vẫn không thuộc diện được miễn trừ gia cảnh.
Như vậy là thuế thu nhập đánh nặng hơn trước đây đối với những trường hợp không có người phụ thuộc hoặc tuy có người phụ thuộc nhưng họ đang trong độ tuổi lao động (đủ 18 tuổi đến 55-60 tuổi) không có việc làm hoặc có thu nhập ở mức trên 500.000 đồng/tháng.
Một người muốn biết mình sẽ phải nộp thuế bao nhiêu kể từ ngày 01-01-2009, thì có thể đối chiếu với một số mức thu nhập trong Bảng tính một số mức thuế thu nhập. Nếu có mỗi người phụ thuộc nằm trong diện được miễn trừ gia cảnh, thì sẽ trừ đi 1,6 triệu đồng/người.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.
——
Bài viết đã đăng Báo Đất Việt