912. Đừng vì đối phó mà đưa thông tư thành nghị định.

(TG) – Nhiều DN không kìm nén được bức xúc, đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập của đăng ký kinh doanh (ĐKKD) ban hành vô tội vạ, cản trở hoạt động kinh doanh  khiến DN thiệt hại nhiều tỷ đồng. Bức xúc của DN đã làm nóng hội thảo “Điều kiện kinh doanh: Nhận diện và kiến nghị” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây.

Ông Đỗ Quốc Bình, đại diện Hiệp hội Taxi Việt Nam cho biết ĐKKD là vấn đề DN đã đòi hỏi sửa đổi cả chục năm nay, nhưng tới nay vẫn chưa thấy có gì thay đổi. Ông ví các DN taxi Việt Nam “đánh vật” với các loại giấy phép con như chàng Đôn – ki – hô – tê đánh nhau với cối xay gió, đánh mãi thì nó vẫn ở đó, vẫn cứ quay, vẫn là chướng ngại vật mà các DN buộc phải vượt qua.

“Đánh vật” với giấy phép như chàng Đôn – ki – hô – tê với cối xay gió

Cùng chung nỗi khổ của DN taxi, ông Nguyễn Tuấn, Đại diện DN nhập khẩu ô tô cũng tỏ rõ bức xúc khi vài năm trở lại đây hơn 200 DN nhập khẩu ô tô trong nước không nhập khẩu được một chiếc ô tô mới nào vì không đáp ứng đủ ĐKKD. Ông Tuấn trình bày: “Cách đây 3 năm, Thông tư 20 quy định rằng chỉ các DN được ủy quyền của hãng mới được nhập khẩu, vì thế mà gần 200 DN nhập khẩu ô tô Việt Nam không thể nhập ô tô mới, vì hãng chỉ ủy quyền cho một đại lý ở một khu vực mà thôi, và các đại lý này thường là DN liên doanh. Cho nên thời gian gần đây các DN nhập khẩu ô tô trong nước buộc phải sống bằng buôn bán xe cũ”.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Công ty CP Kylin GX 668 Hải Phòng đã có lần chia sẻ rõ hơn về vấn đề này. Theo ước tính của ông, tổng thiệt hại của DN kể từ khi Thông tư 20 ra đời đã lên tới khoảng 6 triệu USD. Không chỉ vậy, phần thất thoát của Nhà nước cũng không hề nhỏ, bởi ông Hùng cho biết, trước thời điểm Thông tư 20 ban hành, DN này vẫn đều đặn nộp thuế cả trăm tỷ đồng mỗi tháng.

 Ảnh minh họa

Như vậy, Thông tư 20 rõ ràng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của nhà nước và người tiêu dùng. Bởi thuế nhập khẩu của các công ty liên doanh đa số sẽ chảy về nước họ, còn giá thì họ lại độc quyền, người tiêu dùng phải mua xe đắt hơn, còn Nhà nước thì thất thu thuế.

“Nếu sắp tới Thông tư 20 được nâng cấp thành nghị định thì có lẽ các DN nhập khẩu ô tô sẽ cân nhắc để giải thể”, ông Tuấn ngao ngán nói.

Chốt lại, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI khẳng định, ĐKKD hiện nay đang áp dụng cho các DN không dựa trên quy luật cung cầu của thị trường. Ông cho biết, về mặt lý thuyết ĐKKD đưa ra để tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động kinh doanh thuận lợi, dễ dàng hơn. Nhưng thực tế lại chứng minh điều ngược lại. ĐKKD sẽ càng trở nên phi lý nếu như chúng ta đặt câu hỏi: lý do ban hành các ĐKKD là gì?

Cần xem lại quy trình ban hành luật

Tuy nhiên, câu hỏi khó trả lời hơn phải là: “Làm thế nào để loại bỏ được các ĐKKD vô lý, đang gây khó dễ cho DN?”. Đây không phải vấn đề đơn giản. Bởi theo luật sư Trương Thanh Đức, ĐKKD đã trái luật suốt 16 năm qua. Vấn đề này cũng đã được xới xáo lên từ mấy năm trở lại đây, nhưng thực tế cũng cho thấy tới nay vẫn chưa có nhiều biến chuyển tích cực.

Do đó, “hàng chục ngành, nghề kinh doanh và hàng nghìn ĐKKD đã trái, đang trái và sẽ tiếp tục đứng trước nguy cơ trái luật”, ông Đức lo ngại.

Qua khảo sát của ông Đức thì giấy phép con ngày càng tăng mạnh, tới mức khó có thể tưởng tượng được: “Tôi thấy rằng các giấy phép con tăng vô cùng, tăng vô tội vạ, không ai có thể tưởng tượng rằng nó đã lên tới hơn 4.000 loại giấy phép con được ban hành”. Và ông Đức khẳng định hầu hết trong số đó là trái luật .

Ông viện dẫn, trong điều 7.5 của Luật Doanh nghiệp 2005 đã quy định rõ: Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Trong luật cũng chỉ rõ 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, còn tất cả các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ, ngành hoặc các cấp chính quyền địa phương ban hành về ĐKKD mà nằm ngoài 267 ngành nghề trên thì đều bị cho là trái luật. Tuy nhiên, thực tế hiện hành cho thấy các bộ ngành vẫn đang vô tư ban hành thông tư, các loại giấy phép con mà không điếm xỉa gì tới Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã ban hành.

 Làm sao để ĐKKD về đúng với bản chất là giúp cho con đường kinh doanh của DN rộng mở hơn, thuận lợi hơn, đặc biệt là các DNNVV như quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ đã nêu ra trong nhiều phiên họp gần đây?

Cách đây tròn 1 năm, luật sư Trương Thanh Đức đã đề xuất hai giải pháp: “Một là tòa phải tuyên được một vài bản án là quy định này trái pháp luật, vô giá trị, yêu cầu xử lý kiểm điểm. Hai là Thủ tướng có văn bản nêu đích danh vụ việc nào, văn bản của bộ nào trái luật rồi kiểm điểm, kỷ luật. Cái gì cũng thế, phải răn đe, có tấm gương để mọi người soi vào. Phải xử lý liên tục hàng chục vụ việc như vậy trong vài năm thì sẽ thành việc hiển nhiên không thể khác.”

Tuy nhiên 1 năm vừa qua, 2 đề xuất này của ông Đức vẫn chưa được để tâm. Và đây có phải là thời điểm để Chính phủ quyết liệt hơn trong việc giải quyết vấn nạn giấy phép con, trái luật nhằm mở lối cho DN Việt Nam hội nhập?

Luật sư Trương Thanh Đức cũng đề xuất thêm một số giải pháp: cần xem lại quy trình ban hành luật đã đúng trình tự chưa? Đã dành thời gian để đối tượng chịu tác động là DN được tham gia ý kiến chưa? Nếu chưa thì cần đặt câu hỏi: luật, nghị định mới đã giải quyết được những sai lầm mà trước đã mắc phải chưa? Nếu chưa thì có nên ban hành không?

Điều nguy hiểm hơn mà ông Đức cũng như nhiều chuyên gia lo lắng là, tới đây do quá vội vàng để đối phó với chỉ đạo của cấp trên, các Bộ, ngành sẽ bê nguyên thông tư lên thành nghị định, để những giấy phép con được hợp thức hóa lên một cấp thậm chí còn cao hơn và khó xử lý hơn.

Việt Nguyễn

——————————–

Thương gia (Thời sự) 17-6-2016:

http://thuonggiathitruong.vn/dung-vi-doi-pho-ma-dua-thong-tu-thanh-nghi-dinh/

(661/1.280)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,599