(ĐTCK) – Giải quyết triệt để nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) ngay trong năm 2015 là một trong những mục tiêu được Chính phủ và Quốc hội đặt ra, nhằm đảm bảo an toàn nợ công và góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững. Mặc dù vậy, mục tiêu này có thể lỗi hẹn khi mới đây, theo số liệu công bố, nợ công tại các địa phương vẫn còn rất lớn, thậm chí có dấu hiệu tăng trở lại, trong đó có cả TP. Hà Nội.
Các công trình giao thông, thủy lợi đang có nợ đọng xây dựng cơ bản nhiều nhất. Ảnh: Lê Toàn
Báo cáo cập nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội mới đây cho thấy, số nợ XDCB còn lại sau khi bố trí kế hoạch vốn năm 2015 trên địa bàn Thành phố là hơn 1.500 tỷ đồng. Trong đó, có 3 dự án thuộc nhiệm vụ chi ngân sách Thành phố, huyện làm chủ đầu tư trị giá 14,9 tỷ đồng; 15 dự án thuộc nhiệm vụ chi ngân sách cấp huyện, được ngân sách Thành phố hỗ trợ có mục tiêu trị giá 46,2 tỷ đồng; còn lại là các dự án XDCB nguồn vốn tập trung cấp huyện, xã và dự án đào đắp, kiên cố hóa kênh mương thủy lợi nội đồng, xây dựng nông thôn mới hơn 1.000 tỷ đồng.
Phó giám đốc Sở Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, ông Vũ Duy Tuấn cho rằng, nếu tính theo tỷ lệ các cấp ngân sách tại Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 6/7/2012 thì ngân sách Thành phố chỉ có thể xem xét hỗ trợ cho cấp huyện để trả nợ hơn 300 tỷ đồng; còn lại các huyện, xã chịu trách nhiệm trả nợ hơn 740 tỷ đồng!
Hà Nội xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng trong 2015
Với số nợ đọng trên 1.500 tỷ đồng, có thể thấy Hà Nội tiếp tục nằm trong Top những tỉnh, thành phố có số nợ đọng xây dựng cơ bản lớn nhất. Thậm chí, con số này còn có mức tăng khá lớn so với mức hơn 1.300 tỷ đồng cập nhật vào cuối năm 2014 theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, dù Hà Nội đã triển khai khá nhiều biện pháp nhằm giải quyết tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.
Tình trạng nghịch lý “càng xử lý, nợ càng tăng” có vẻ như không chỉ diễn ra ở Hà Nội, mà còn tại nhiều địa phương khác trên cả nước, khi con số nợ đọng XDCB tiếp tục có xu hướng tăng, điển hình tại một số địa phương như Bắc Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Hà Nam…
Trong báo cáo về kết quả xử lý nợ XDCB của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 9, chỉ tính riêng số nợ XDCB phát sinh thêm trong 2 năm 2013 và 2014 đã lên đến 10.293 tỷ đồng.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, đã có sự quyết liệt xử lý nợ đọng XDCB từ Chính phủ, nhưng quá trình triển khai còn nhiều bất cập, nhiều địa phương vẫn chưa tuân thủ theo các quy định của Luật Đầu tư công. Do đó, vẫn tiếp tục phát sinh các khoản nợ xây dựng cơ bản. Toàn bộ nguồn trả nợ lại bằng con số dự tính ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương, nhưng sau đó lại hụt thu, hoặc phải chi bù chỗ này, chỗ nọ, dẫn đến các khoản nợ ngày một dầy lên. Chưa kể đến việc, nền kinh tế phục hồi trở lại, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông gia tăng, thì càng dễ gia tăng nợ đọng XDCB.
- Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương:
Có nhiều DN đã chết hoặc chờ chết vì không thu được món nợ XDCB. Điều này là có thật, bởi trong thời kỳ lạm phát đầu tư công trước kia, nhiều địa phương dù chưa cân đối nguồn vốn đã vội phê duyệt dự án. Các DN cứ đua nhau vay vốn ngân hàng với lãi suất cao để tham gia thầu các dự án, nhưng sau đó, do ngân sách địa phương có hạn, cộng thêm nhiều công trình vượt giá, đội vốn dẫn đến tình trạng nợ đọng kéo dài từ ngày này qua ngày khác. Tình trạng nợ nần dây dưa kéo dài cả chục năm, không ít DN chật vật hàng năm trời để được thanh toán khoản nợ.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, hiện tại, nợ đọng XDCB rất khó giải quyết. Tình trạng phê duyệt dự án không tính toán, không cân đối nguồn vốn đầu tư, thực hiện khối lượng công việc cao hơn nguồn vốn phê duyệt, kéo dài thời gian thực hiện vẫn chưa hẳn là dừng lại, đặc biệt, tập trung tại các công trình dự án giao thông, thủy lợi.
“Kể cả trong trường hợp vốn đã được bố trí sắp xếp, Kho bạc Nhà nước đã sẵn sàng giải ngân, nhưng trong nhiều trường hợp không giải ngân được, không thanh toán được, là do những lý do về mặt thủ tục, lý do kỷ cương kỷ luật, đặc biệt là kỷ cương kỷ luật trong vấn đề khởi công công trình, trong vấn đề làm hồ sơ thủ tục để thanh quyết toán với Nhà nước”, ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán – Kiểm toán Việt Nam cho biết thêm.
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho thấy, sai phạm phổ biến trong công tác quản lý vốn tại các địa phương chính là việc vi phạm các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án. Chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, tổng cộng có tới 2.324 dự án, công trình bị thanh tra “thổi còi” với các lỗi: thanh toán vượt khối lượng thực tế thi công, thanh toán sai so với dự toán thực tế được duyệt, ứng vốn, nhưng không thực hiện hợp đồng…
Theo đánh giá của các chuyên gia, những sai phạm nêu trên là rất nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa phản ánh hết những hạn chế trong công tác quản lý vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ tại các địa phương.
Việt Dương
—————-
Đầu tư Bất động sản (Đầu tư) 01-12-2015:
http://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/gian-nan-bai-toan-xoa-no-dong-xay-dung-co-ban-135731.html
(137/1.106)