913. Điều kiện kinh doanh càng nhiều, doanh nghiệp càng nhỏ lại!

(PL&XH) – Hiện có 5.826 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) đối với 268 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó gần 3.000 điều kiện (gần 50%) được quy định trong các văn bản không đúng thẩm quyền và nhiều Bộ vẫn “vô tư” ban hành ĐKKD không đúng thẩm quyền như chưa có Luật Đầu tư mới là thông tin được ông Vũ Tiến Lộc đưa ra tại Hội thảo “Điều kiện kinh doanh: nhận diện và kiến nghị” do Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp – Luật Đầu tư của Chính phủ phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, dù thời gian qua, Chính phủ đã có những nỗ lực để thúc đẩy cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tuy nhiên, ĐKKDvẫn còn chằng chịt. Theo Luật Đầu tư, có 268 ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng sau khi luật này được ban hành, nhiều Bộ vẫn vô tư ban hành những ĐKKD bất hợp lý và dường như đang rất “đủng đỉnh” trong việc rà soát các ĐKKD, dù Luật Đầu tư bổ sung quy định từ ngày 1-7-2016, nếu các ĐKKD của các Bộ không được nâng lên cấp Nghị định thì sẽ hết hiệu lực.

Các chuyên gia pháp lý nhận định về điều kiện kinh doanh còn nhiều khó khăn cho DN.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, theo thống kê có tới 49 Nghị định cần ban hành, nhưng hiện các Bộ mới trình Chính phủ 38 Nghị định, còn tới 11 Nghị định chưa trình, khiến 16 ngành nghề chưa có văn bản hướng dẫn về ĐKKD. Để đáp ứng tiến độ triển khai Luật Doanh nghiệp (DN) và Luật Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng các Nghị định theo thủ tục rút gọn. Khi thời điểm 1-7, ngày Luật DN và Luật Đầu tư có hiệu lực càng đến gần, các Bộ mới bắt đầu “vắt chân lên cổ” xây dựng các Nghị định quy định về ĐKKD.

Mặc dù, Thủ tướng cho phép rút gọn về trình tự, thủ tục trình các Nghị định về ĐKKD nhưng với một số lượng lớn các nghị định cần xây dựng, ông Tuấn lo ngại do thời gian gấp nên nhiều nghị định được xây dựng trong tình trạng “8 không”: không đăng dự thảo lấy ý kiến góp ý trên mạng; không gửi lấy ý kiến DN; không tổ chức hội thảo; không đánh giá tác động; không tổng kết thi hành; không kiểm soát thủ tục hành chính; không bản thuyết minh; không bản giải trình, tiếp thu ý kiến.

Nhiều chuyên gia pháp lý nhìn nhận, qui địnhĐKKD có thể giúp bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; trật tự an toàn, đạo đức xã hội; sức khỏe của cộng đồng. Nhưng có những ĐKKD cũng sẽ gây hệ quả thường bị các cơ quan ban hành bỏ qua như giảm tính cạnh tranh thị trường, tăng cơ hội độc quyền, giảm tính năng động, sáng tạo, đổi mới của DN, làm tăng giá, giảm chất lượng, giảm dịch vụ đi kèm dành cho người tiêu dùng và nguy cơ tiêu cực, tham nhũng. Do đó khi soạn thảo ĐKKD, dù theo thủ tục rút gọn vẫn cần lấy ý kiến các DN, đánh giá tác động về chi phí đầu vào tối thiểu, khả năng gia nhập thị trường của DN mới và khả năng đáp ứng của các DN đang hoạt động.

LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Cty Luật ANVI cho biết, sau 16 năm, số “giấy phép con” (ĐKKD) do các Bộ ban hành không giảm mà còn tăng chóng mặt. Mặc dù Luật Đầu tư mới đã quy định rõ 267 ngành, nghề có ĐKKD nhưng LS Trương Thanh Đức vẫn lo ngại, sẽ còn nhiều ngành, nghề khác tiếp tục được bổ sung vào danh mục các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nếu quan điểm của Bộ, ngành không thay đổi tích cực.

Theo LS Đức, cần xem lại sự cần thiết đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện  như “Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ”, “Dịch vụ tổ chức dạy thêm học thêm”;“Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô”;“Kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi”,“Kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”…  vì tất cả các ngành, nghề nói trên đều không thấy rõ ĐKKD “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” theo quy định của Luật Đầu tư. 

LS Đức cũng băn khoăn về hoạt động kinh doanh dịch vụ đánh bạc không nằm trong sáu ngành, nghề bị cấm kinh doanh, đồng thời cũng nằm ngoài 4 nhóm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện liên quan là “Kinh doanh xổ số”, “Kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài”, “Kinh doanh casino” và “Kinh doanh dịch vụ đặt cược”. Tuy nhiên nó lại bị nghiêm cấm dưới mọi hình thức theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng như Bộ luật Hình sự năm 2015? Đồng thời, cần rà soát những qui định như với ngành, nghề “Kinh doanh thuốc” được quy định trong Luật Đầu tư năm 2014, tương ứng với quy định trong Luật Dược năm 2005. Tuy nhiên, Luật Dược năm 2016 lại không còn quy định về “Kinh doanh thuốc” mà lại quy định ngành, nghề “Kinh doanh dược”. Vậy ngành, nghề “Kinh doanh dược” không có trong danh mục 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư năm 2014, thì liệu có sự khác nhau hay không…

Càng nhiều ĐKKD thì DN càng nhỏ lại là quan điểm của ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam. Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, các ĐKKD càng phải được minh bạch hóa. “DN không sợ ĐKKD, DN chỉ sợ ĐKKD không minh bạch”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Phương Thảo

——————————–

Pháp luật & Xã hội (Kinh doanh) 18-6-2016:

http://phapluatxahoi.vn/kinh-doanh/dieu-kien-kinh-doanh-cang-nhieu-doanh-nghiep-cang-nho-lai-112932

(386/1.079)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,891