915. Sáng tạo công nghệ có “nằm trong” luật hình sự?

(DN) – Những quy định cụ thể về việc cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông trong Bộ Luật Hình sự 2015 (sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới) đang khiến cộng đồng startup – bao gồm những cá nhân có sáng tạo công nghệ – hoang mang, và dư luận thì đang bày tỏ những cách hiểu trái chiều.

Điều 292 Bộ luật Hình sự 2015

Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông

 

1. Người nào cung cấp một trong các dịch vụ sau đây trên mạng máy tính, mạng viễn thông không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc có doanh thu từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm:

a) Kinh doanh vàng trên tài khoản;

b) Sàn giao dịch thương mại điện tử;

c) Kinh doanh đa cấp;

d) Trung gian thanh toán;

đ) Trò chơi điện tử trên mạng;

e) Các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 2 lần trở lên;

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc có doanh thu từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

 

3. Phạm tội trong trường hợp thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên hoặc có doanh thu 5.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.

 

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo Điều 292, cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép, thu lợi từ 50-200 triệu đồng hoặc có doanh thu từ 500 triệu – 2 tỷ đồng sẽ bị phạt tiền từ 200-500 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm.

Có ý kiến rằng chiếu theo quy định trên thì Nguyễn Hà Đông – tác giả game Flappy Bird từng có thu nhập hàng tỷ đồng – có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó tổng giám đốc Tập đoàn VC Corp. cho rằng điều luật này khiến người tiếp nhận hiểu rằng từ 1/7 tới, nếu ai đó mở website rao vặt, forum có phần rao vặt, viết game tung lên các appstore nhằm kiếm tiền quảng cáo như Flappy Bird, hay ứng dụng kiểu Uber… mà chưa xin phép thì có nguy cơ bị bỏ tù và tịch thu toàn bộ tài sản.

“Ở Việt Nam, việc xin giấy phép rất khó, đặc biệt là giấy phép game. Các startup thường xuyên phải thử nghiệm các mô hình mới, nếu đợi xin giấy phép mới được làm thì cơ hội có lẽ đã bay xa”, ông Tuấn nhận định.

Luật sư Trần Đức Hoàng (đồng sáng lập dự án Ezlaw – hệ thống tạo hợp đồng trực tuyến cho phép người sử dụng ký tên ngay trên đó) cũng cho rằng điều luận trên là một “cơn ác mộng” cho hầu hết startup tại Việt Nam, bởi đại đa số startup Việt Nam và trên toàn thế giới tập trung vào công nghệ thông tin và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số trên mạng máy tính và mạng viễn thông.

Ông Hoàng viết trên fanpage của mình: “Kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên mạng Intenet là hướng đi phát triển bắt buộc của cả thế giới, không chỉ nói riêng Việt Nam. Việc bỏ hình sự hóa kinh doanh trái phép đối với hầu hết những ngành nghề cổ điển, truyền thống, nhưng vẫn hình sự hóa đối với những lĩnh vực công nghệ mới là một bước đi lùi của đất nước Việt Nam. Đơn giản mà nói, việc này không khác gì việc chúng ta đang bênh vực cho những kẻ đã giàu có và phát triển sẵn, nhưng lại đì đọt và chèn ép những người yếu thế và cần phát triển… Những Uber, Amazon, Facebook phiên bản của người Việt sẽ có thể bị đi tù do không xin phép cung cấp dịch vụ trên mạng”.

Do đó, theo ông, điều luật này có thể làm ảnh hưởng lớn đến cộng đồng startup, khiến họ nảy sinh tâm lý sẽ ưu tiên chọn những nơi khác để khởi nghiệp như Singapore, Mỹ hoặc Hong Kong (Trung Quốc).

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Nghĩa – một chuyên gia cố vấn cho các startup cũng lo ngại điều luật này khi có hiệu lực sẽ tạo tâm lý e ngại trong cộng đồng khởi nghiệp. Theo ông, công nghệ mang tính toàn cầu nên doanh thu có thể tăng vọt chỉ sau một đêm mà chính các startup cũng không kiểm soát được. “Và như vậy, nếu theo điều luật này thì có lẽ sau một đêm, họ bỗng dưng trở thành tội phạm”, ông Nghĩa nói.

Tuy nhiên, theo luật sư Phạm Công Út (TP. Hồ Chí Minh) thì điều luật này đặt ra không nhằm hạn chế sự sáng tạo trong lĩnh vực giải trí bằng công nghệ thông tin. Theo đó, nếu chỉ sáng tạo mang tính bất vụ lợi, hoặc tính vụ lợi không cao (chưa đến 50 triệu đồng) thì không phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng sự sáng tạo này với “thu nhập khủng” (lên đến 50.000 USD/ngày) thì phải được cấp giấy phép, nếu không phép thì có thể đối diện với mức án tù tối đa là 5 năm, hoặc bị phạt tiền từ 1,5 đến 5 tỷ đồng.

Luật sư Lê Thiệp (Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu, Hà Nội) lại đưa ra cách hiểu khác: Người như Nguyễn Hà Đông là người viết phần mềm hay lập trình chương trình máy tính chứ không phải là người kinh doanh dịch vụ. “Trong trường hợp của Đông thì không cần phải xin phép, chỉ đơn vị sử dụng các ứng dụng này vào mục đích kinh doanh mới phải xin phép mà thôi. Nhà nước khuyến khích với các tự do sáng tạo, còn nếu Nguyễn Hà Đông hay ai đó có thu nhập hay hưởng lợi từ việc bán bản quyền thì anh phải nộp thuế rõ ràng”.

Công ty Luật Trí Minh thì phân tích: “Theo đúng quy định, chỉ khi nào người cung cấp dịch vụ mà chưa xin phép hoặc không đúng nội dung đã được cấp phép thì mới thuộc phạm vi xử lý của Điều 292. Vậy nên nếu Nguyễn Hà Đông nói riêng và cộng đồng những nhà lập trình trò chơi điện tử tuân theo đúng quy định của pháp luật thì hoàn toàn không có vấn đề gì xảy ra. Hơn nữa, chỉ những cá nhân, đơn vị sử dụng những ứng dụng này với mục đích kinh doanh mà chưa xin phép mới bị xử lý, còn đối với những nhà lập trình thì họ chỉ cần đăng ký bản quyền đối với sản phẩm sáng tạo của họ, nộp thuế dựa theo thu nhập hay hưởng lợi từ bản quyền.

Như vậy, mục đích của Điều 292 Bộ luật Hình sự 2015 đó chính là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính người sử dụng các dịch vụ này, chống thất thoát một lượng lớn thuế từ các hoạt động đó. Điều 292 này có mục đích là nhắm vào những đơn vị, những người: Cung cấp một trong các dịch vụ trên mạng máy tính, mạng viễn thông không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép, tức là đã kinh doanh sản phẩm trực tuyến nhưng không đăng ký với Bộ Công Thương, với đơn vị thuế và như vậy rõ ràng có dấu hiệu trốn thuế. Còn lại, với những người trực tiếp sáng tạo sản phẩm thì không bị ảnh hưởng trực tiếp trừ khi những người đó tiến hành thương mại hóa sản phẩm”.

Trang VnExpress dẫn ý kiến của luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng trước mắt chưa cần quá lo lắng với điều khoản trên. Theo ông Đức, việc viết phần mềm trò chơi điện tử và đưa lên các trang web để các đơn vị khai thác là hợp pháp, hợp lệ, cũng giống như các nhà soạn nhạc, viết văn… nên chỉ phải nộp thuế thu nhập cá nhân và các nghĩa vụ về quyền tác giả; đây không phải là kinh doanh.

 “Nếu mở trang web bán hàng, cung cấp các giải pháp công nghệ thì mới cần đăng ký. Còn việc tạo ra sản phẩm, cung cấp qua những nhà cung cấp dịch vụ hợp pháp thì không bị điều chỉnh bởi quy định này. Giả sử nếu một người viết game như Nguyễn Hà Đông lập ra công ty để kinh doanh và đưa sản phẩm đó lên cung cấp dịch vụ hoặc một cá nhân hoạt động có tính chất như một công ty, khai thác mạng để bán hàng thì sẽ bị quy định bởi Điều 292 nói trên và phải xin giấy phép”, ông Đức lý giải. 

Tuy vậy, ông Trương Thanh Đức cho rằng Điều 292 trong Bộ Luật Hình sự 2015 có thể dẫn đến các cách hiểu khác nhau, do đó cần có những văn bản dưới luật để làm rõ những nội dung này, tránh tình trạng một điều luật có nhiều cách hiểu dẫn đến cách xử lý và thực thi khác nhau.

Còn theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa thì để tránh hiểu lầm và tạo động lực cho sáng tạo, các nhà làm luật nên làm rõ và tách biệt 2 nhóm là những startup công nghệ và các mô hình khởi nghiệp theo cách kinh doanh thông thường.

K.NGỌC tổng hợp

——————————–

Doanh nhân (Tư vấn pháp luật) 19-6-2016:

http://www.doanhnhansaigon.vn/tu-van-phap-luat/sang-tao-cong-nghe-co-nam-trong-luat-hinh-su/1098045/

(266/1.802)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,599