(ĐBND) – Các tiêu chí xác định quy mô doanh nghiệp đã được quy định rõ và áp dụng trong nhiều năm qua. Vấn đề tưởng như không cần phải tranh luận này lại được đặt ra khi lấy ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội tại Hà Nội về dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Dựa trên doanh thu sẽ khả thi hơn
Theo khảo sát 1.000 doanh nghiệp của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, khi khởi nghiệp, mỗi doanh nghiệp sẽ phải mất ít nhất 10 triệu đồng tiền phí tư vấn pháp lý. Doanh nghiệp cũng sẽ phải đóng các loại phí để thực hiện thành lập, thuê mặt bằng, thực hiện trách nhiệm với địa phương… Do đó, tổng chi phí khởi nghiệp của các doanh nghiệp được khảo sát trung bình khoảng 100 triệu đồng/đơn vị. |
Hai tiêu chí được dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đưa ra để xác định doanh nghiệp thuộc quy mô nhỏ và vừa là: Doanh nghiệp có doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề không vượt quá 100 tỷ đồng; hoặc có lao động bình quân năm của năm trước liền kề không quá 300 người. Trên cơ sở hai tiêu chí này, căn cứ vào mục tiêu hỗ trợ trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định chi tiết về quy mô doanh thu và số lao động theo ngành, lĩnh vực để tạo sự linh hoạt trong thực tế.
Nếu như tiêu chí số người lao động đã quen thuộc với cộng đồng doanh nghiệp, thì tiêu chí dựa vào doanh thu của năm trước liền kề là lựa chọn mới. Bởi ngay Nghị định số 59/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn phân biệt 3 loại doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa theo quy mô tổng nguồn vốn hoặc số lao động bình quân năm (tổng nguồn vốn là tiêu chí ưu tiên). Mặt khác, theo Luật sư Trương Thanh Đức, doanh nghiệp có doanh thu 100 tỷ đồng thường có nguồn vốn thấp hơn rất nhiều, thậm chí thấp hơn hẳn so với quy định hiện hành. Giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa gần trở thành doanh nghiệp lớn thường cũng sẽ khác nhau rất nhiều về năng lực và quy mô. Do đó, nếu cào bằng tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ khiến “người hưởng lợi, người thiệt thòi”.
Giải thích cho tiêu chí này, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Phó Tổ trưởng Tổ biên tập Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Hoa Cương cho biết, tiêu chí doanh thu đang được một số cơ quan quản lý nhà nước (cơ quan thuế) sử dụng thường xuyên để xác định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, cũng như một số chính sách ưu đãi thuế khác. Việc căn cứ vào doanh thu sẽ phản ánh tình trạng hoạt động, quy mô thực tế của doanh nghiệp (đang hoạt động, phát sinh doanh thu), tạo căn cứ để tổ chức tín dụng đánh giá cấp tín dụng. Ông Nguyễn Hoa Cương cũng khẳng định, với điều kiện thực tế ở nước ta, việc sử dụng tiêu chí doanh thu sẽ khả thi hơn so với tiêu chí tổng nguồn vốn.
Ảnh minh họa (Nguồn: ITN) |
Có lặp lại bài học của gói kích cầu kinh tế?
Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận được sự quan tâm bởi dự thảo Luật đưa ra khá nhiều ưu đãi cho loại hình doanh nghiệp này. Ví dụ, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực ưu tiên được áp dụng mức thuế suất thấp hơn 5% so với mức thuế suất thu nhập phổ thông. Chính phủ sẽ hỗ trợ 100% chi phí chẩn đoán doanh nghiệp, 50% chi phí tư vấn giải pháp cho doanh nghiệp. Việc sử dụng các dịch vụ tư vấn, đào tạo chuyên sâu do cơ quan, tổ chức của Nhà nước cung cấp cũng được hỗ trợ tối đa 50% kinh phí.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nghệ An Phan Thanh Miễn thì trên thực tế, nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ mới là nhóm yếu thế, có nhiều khó khăn, lúng túng và thực sự cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Doanh nghiệp quy mô vừa thường đã kinh doanh ổn định, nên không cần thiết phải có nhiều chính sách hỗ trợ. Còn nhóm doanh nghiệp lớn có nhiều lợi thế trong tiếp cận tín dụng, xúc tiến thương mại… thì phải kiểm soát chặt để tránh lạm dụng các ưu đãi được dự thảo Luật này quy định – ông Phan Thanh Miễn nhấn mạnh.
Phó Trưởng Khoa Luật, Đại học Ngoại thương Hà Công Anh Bảo cũng cho biết, nếu căn cứ vào những tiêu chí được dự thảo Luật đưa ra, doanh nghiệp vừa thành lập, chưa có doanh thu và tuyển dụng người lao động sẽ lúng túng khi xin ưu đãi, hỗ trợ từ Nhà nước. Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã coi tiêu chí này là một căn cứ để xác nhận thuộc loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, nếu chỉ dựa vào một trong hai tiêu chí được dự thảo Luật quy định, thì sẽ dễ tính gộp cả doanh nghiệp là “sân sau” của những “người khổng lồ” (tập đoàn, tổng công ty), vốn có chỗ dựa vững chắc.
Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đưa ra 100 nội dung hỗ trợ để khuyến khích khởi nghiệp, đầu tư nâng cao công nghệ, kỹ thuật để doanh nghiệp phát triển thuận lợi hơn. Đây là sự khuyến khích rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhưng cũng có thể là một gánh nặng không nhỏ với ngân sách nhà nước. Hơn nữa, bài học của gói kích cầu nền kinh tế năm 2009 vẫn còn, khi không có tiêu chí cụ thể nên nguồn vốn ưu đãi lãi suất dường như chỉ dành cho doanh nghiệp lớn, nơi đang thực sự khó khăn lại khó tiếp cận được. Vì thế, các ưu đãi, hỗ trợ được dự thảo Luật này quy định phải đến đúng địa chỉ, phát huy hiệu quả thực sự.
Lê Bình
——————————
Đại biểu Nhân dân (Kinh tế) 23-6-2016:
http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=374099
(52/1.103)