(NLĐ) – Giải pháp đã khá đầy đủ nhưng quá trình thực thi dường như còn mang tính chất hô hào, chỉ làm ở phần ngọn
Hàng loạt cá nhân, cơ sở, đơn vị đã bị phát hiện kinh doanh trái phép chất tạo nạc salbutamol. Đáng nói là trong khi dư luận đang hoang mang, lo lắng thì đến nay, nguyên liệu độc hại này vẫn bị buông lỏng quản lý.
Quản lý chồng chéo, kém hiệu quả
Theo ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN-PTNT), thực trạng mất an toàn thực phẩm (ATPP) nói chung và việc quản lý chất cấm nói riêng là do hoạt động quản lý nhà nước về ATTP kém hiệu quả. Hiện có 12 cơ quan thuộc 3 bộ: NN-PTNT, Y tế, Công Thương thực hiện vấn đề này. Tuy nhiên, trong từng bộ lại “chặt khúc”, chia cho từng đơn vị trực thuộc thực hiện. Mỗi bộ đều có cách kiểm tra và xử lý riêng. Kết quả sản phẩm ra ngoài xã hội vẫn không bảo đảm ATTP.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP phức tạp, chồng chéo, mâu thuẫn và chậm chạp, dẫn tới việc doanh nghiệp không biết làm thế nào cho đúng luật, các cơ quan thực thi chỉ dựa vào văn bản có lợi cho họ để làm việc. Đơn cử, cùng một khái niệm cơ bản, nghi vấn ATTP nhưng mỗi cơ quan, bộ, ngành lại có cách giải quyết khác nhau. Lực lượng kiểm tra ATTP thường nhằm vào cơ sở lớn để kiểm tra, để phạt; trong khi những cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất không bảo đảm thì bỏ qua.
Một lô thịt heo không rõ nguồn gốc, bị nhiễm khuẩn phát hiện tại TP HCM Ảnh: NGỌC ÁNH
Ngoài ra, tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh ATTP chưa cao. Hiện nay, chế tài xử phạt không đủ sức răn đe. Ví dụ, điều 244 Bộ Luật Hình sự quy định nếu buôn bán thực phẩm độc hại mà gây thiệt hại đến tính mạng hoặc sức khỏe con người nghiêm trọng thì mới xử lý hình sự.
“Như vậy, người tiêu dùng phải “lăn ra chết” thì hành vi vi phạm mới bị xử lý hình sự. Trong khi đó, nếu người dân ăn xong bị ngộ độc cấp tính hoặc chất độc từ từ ngấm vào cơ thể, nhiều năm sau mới phát bệnh thì chẳng ai đền” – ông Cương nêu vấn đề.
Cho rằng việc quản lý không hợp lý, thiếu thực tiễn, phân công nhiệm vụ tréo ngoe, PGS-TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục ATTP, phân tích hiện nay, Bộ Y tế quản lý những mặt hàng không có nhu cầu tiêu dùng cao, như: thực phẩm chức năng, nước đóng chai, phụ gia thực phẩm… Trong khi đó, cơm ăn, nước uống, thịt cá và các thực phẩm tiêu dùng hằng ngày – những thứ tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân – lại do Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT phụ trách.
“Cán bộ, kỹ sư của 2 bộ này được đào tạo chủ yếu cho trồng trọt, chăn nuôi lại đi quản lý thực phẩm thì làm sao đánh giá được tác động đối với sức khỏe con người?” – ông Đáng băn khoăn.
Thực thi nửa vời
Nhấn mạnh đến tính chất cực kỳ nguy hiểm của thực phẩm bẩn, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, phân tích: Trên diễn đàn Quốc hội, “quả bóng chất lượng” thực phẩm sạch bị chuyền qua đá lại giữa các bộ, ngành; còn việc tiếp nhận và phản hồi những yêu cầu, tranh chấp về chất lượng hàng hóa của các cơ quan chức năng lại giống “đá ném ao bèo”…
“Theo tôi, thực phẩm bẩn đáng sợ hơn khủng bố vì đe dọa sức khỏe, sinh mạng hầu hết mọi người. Dưới góc độ quản lý nhà nước, cần khẩn trương luật hóa các quy chuẩn và tiêu chuẩn chất lượng, các hàng rào kỹ thuật, phân công phân cấp quản lý nhà nước rõ ràng với trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể. Cần chế tài nghiêm khắc nhất để hỗ trợ phát triển sản xuất sạch, sản phẩm thực phẩm sạch… Về lâu dài, chính việc sản xuất và cung cấp thực phẩm bẩn sẽ giết chết nền sản xuất nội địa” – TS Phong lo ngại.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng chuyện trách nhiệm quản lý chất tạo nạc tràn lan trong ngành chăn nuôi giữa Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT chưa được phân định rõ ràng chỉ là một góc của vấn đề kiểm soát chất lượng vệ sinh ATTP. Tình trạng thực phẩm bẩn, thịt bơm thuốc kích thích, rau dùng hóa chất… đã đến lúc báo động.
“Theo tôi, giải pháp thực ra đã có đầy đủ nhưng quá trình thực thi dường như còn mang tính chất hô hào, chỉ làm ở phần ngọn. Mọi chuyện chỉ dừng lại ở việc lên án, phát hiện, xử lý hành chính hoặc kiện ra tòa. Có những hành vi đầu độc chết người mà chế tài quá nhẹ hoặc gần như bằng 0, chưa kể các công cụ để phát hiện, xử lý cũng chưa tới nơi tới chốn. Ví dụ, rau phun thuốc trừ sâu nhưng lại không chứng minh được thì làm sao xử lý? Quan trọng nhất vẫn là cơ quan quản lý thực thi ra sao, có làm đúng trách nhiệm của mình hay không?” – luật sư Đức nhìn nhận.
Nguyên nhân tiềm ẩn gây ung thư
GS-TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cho biết 80% nguyên nhân gây ung thư là do môi trường bên ngoài. Trong đó, thức ăn, ô nhiễm thực phẩm là tác nhân gây nên 40% ca ung thư. Như vậy, cứ 10 người ung thư thì có 4 người do ăn phải thực phẩm không an toàn.
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 150.000 người mắc ung thư mới và khoảng 80.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Hiện tỉ lệ ung thư của Việt Nam được đánh giá là cao nhất thế giới mà nguyên nhân bị nghi ngờ là do các loại hóa chất độc hại có trong thức ăn hằng ngày.
Nhóm phóng viên
——————————————————
Người lao động (Bạn đọc) 10-12-2015:
http://nld.com.vn/ban-doc/quan-ly-chat-cam-qua-long-leo-20151210221042782.htm
(201/1.116)