(CL) – Hỗ trợ như thế nào cho DNNVV để đảm bảo công bằng cũng như không vi phạm các quy định trong cam kết hội nhập WTO và các FTA mà Việt Nam đã ký kết đang là vấn đề được đặt ra.
Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang được hoàn thiện để trình ra kỳ họp Quốc hội dự kiến vào tháng 7 tới đây. Nếu được thông qua, ước tính có khoảng 550.000 DNNVV hiện nay sẽ có thể được hưởng lợi từ luật này. Tuy nhiên, hỗ trợ như thế nào cho DNNVV để đảm bảo công bằng cũng như không vi phạm các quy định trong cam kết hội nhập WTO và các FTA mà Việt Nam đã ký kết đang là vấn đề được đặt ra.
DNNVV sẽ được hỗ trợ những gì?
DNNVV chiếm 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế. Tuy vậy, lâu nay, khu vực doanh nghiệp này ở tình trạng “yếu và thiếu đủ thứ” và hơn cả công tác hỗ trợ đã có những chưa thực sự hiệu quả. Để khắc phục tình trạng này, trong Chương II Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV: “Chương trình hỗ trợ DNNVV” có dự thảo một số điều khoản hỗ trợ cụ thể như: Cải thiện môi trường kinh doanh; Hỗ trợ tiếp cận tín dụng tại ngân hàng thương mại, tại quỹ và các định chế tài chính khách.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn được hỗ trợ giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 5% trong thời hạn tối đa 5 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động; Được ưu đãi trong mua sắm công, trong đầu thầu các dự án, trong việc hình thành chuỗi phân phối sản phẩm quốc gia khi doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ…
Có khoảng 550.000 DNNVV hiện nay sẽ có thể được hưởng lợi từ Luật hỗ trợ DNNVV. Ảnh: Đình Huệ
Theo dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV, sẽ có 5 chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm: Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp; Chương trình hỗ trợ chẩn đoán và tư vấn nâng cao hiệu quả sản xuất; Chương trình hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị; Chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hội nhập.
Các chương trình hỗ trợ sẽ được triển khai và phân chia theo 2 cấp độ: Một là các chương trình mang tính phổ cập, không hạn chế về ngành, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hai là các chương trình mang tính trọng tâm, lựa chọn những doanh nghiệp nhỏ và vừa có tiềm năng, năng lực nhất định về hỗ trợ.
Hỗ trợ cần đảm bảo tính công bằng nhưng không cào bằng
Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV đang mang lại rất nhiều hy vọng cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy vậy, cũng còn có những băn khoăn là làm thế nào để sự hỗ trợ này thực sự hiệu quả nhưng phải tránh được tính bao cấp cũng như như không vi phạm các quy định trong cam kết hội nhập WTO và các FTA mà Việt Nam đã ký kết.
Theo ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu của việc xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV là tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có tiềm năng phát triển.
“Hỗ trợ DN cũng chính là hỗ trợ nền kinh tế, góp phần tạo công ăn việc làm, ổn định xã hội. Các nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU đều có chính sách hỗ trợ DNNVV từ 60-70 năm nay và hiện giờ họ vẫn duy trì”, ông Cương chia sẻ tại buổi tọa đàm “Đối thoại góp ý Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV” diễn ra mới đây. Tuy vậy, ông Cương cũng khẳng định, không thể bao cấp cho doanh nghiệp, cũng không nên có hỗ trợ mang tính trợ giá cho sản phẩm bởi như vậy là bóp méo thị trường, không đem lại năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Cũng trong một buổi hội thảo tham vấn dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định: “Việc hỗ trợ DNNVV phải đảm bảo công khai, minh bạch, thống nhất, đồng bộ và bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ của nhà nước”. Ông Đông cho biết việc hỗ trợ DNNVV sẽ không có sự bao cấp. Cơ chế ưu đãi, hỗ trợ chỉ dành cho những đối tượng doanh nghiệp nào hoạt động có hiệu quả; có tiềm năng phát triển, có trí tuệ và ý tưởng đổi mới sáng tạo…
Tính cần thiết của việc hỗ trợ DNNVV là điều không ai phủ nhận. Tuy nhiên, Luật sư Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực, thuộc Hiệp hội DNNVV Việt Nam vẫn bày tỏ những ý kiến băn khoăn rằng việc hỗ trợ của nhà nước đối với DNNVV có vi phạm các quy định trong cam kết hội nhập WTO và các FTA mà Việt Nam đã ký kết hay không, cũng như dễ nảy sinh cơ chế xin – cho.
Ngoài ra, một số chuyên gia cũng băn khoăn điều 5, chương I về tiêu chí xác định DNNVV. Dự thảo quy định, DNNVV là doanh nghiệp đáp ứng 1 trong 2 tiêu chí: doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề không vượt quá 100 tỷ đồng hoặc và lao động bình quân năm của năm trước liền kề không quá 300 người. Dự thảo đã giữ nguyên số lượng lao động không quá 300 người và thay tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng bằng doanh thu không quá 100 tỷ.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nếu theo dự thảo này thì doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa (gần trở thành doanh nghiệp lớn), có sự khác nhau quá lớn về năng lực và quy mô nên không thể hỗ trợ cào bằng như nhau. Mặt khác, cần xem xét loại trừ một số đối tượng không nên hỗ trợ hoặc chỉ hỗ trợ một phần, như đối với các công ty đại chúng, công ty niêm yết, vì đây đã là những doanh nghiệp bài bản, có quy mô tương đối lớn. Tương tự, nên loại trừ các doanh nghiệp là công ty con của doanh nghiệp lớn, vốn đã được dựa vào thế mạnh rất lớn của công ty mẹ.
DNNVV hiện đang đóng góp tới 40% GDP và tạo việc làm cho 52% số người lao động trong xã hội. Nhưng theo chia sẻ của bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập và phát triển, thuộc Hiệp hội DNNVV Việt Nam, trong 3 năm gần đây, mỗi một năm có khoảng 60.000-70.000 DNNVV phá sản hoặc ngừng hoạt động. Do vậy, sự ra đời của Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ hỗ trợ và cung cấp những dịch vụ công thiết yếu cho DNNVV, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân với 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển và hội nhập.
Mạnh Nguyễn
——————————–
Công lý (Kinh doanh) 24-6-2016:
(129/1.320)