(VNE) – Chậm trả nợ trong cho vay tiêu dùng thì mức lãi sẽ tăng thêm rất nhanh, chẳng mấy chốc mà lãi nhiều hơn gốc. Vì thế, trước khi ký hợp đồng, người vay cần cân nhắc kỹ khả năng trả nợ của mình.
Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng kiêm Giám đốc Công ty Luật ANVI chia sẻ những lưu ý khi tham gia vay tín dụng tiêu dùng.
Caption Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng, Gias. |
– Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các công ty tài chính tiêu dùng?
– Hiện tại, dịch vụ cho vay cầm đồ chỉ diễn ra lẻ tẻ, không thường xuyên, quy mô nhỏ. Còn các ngân hàng ít cho vay tiêu dùng, vì vậy các công ty tài chính vẫn có vai trò quan trọng trong việc phát triển tín dụng và tiêu dùng.
Có thể nói gần như chưa có sự cạnh tranh giữa các công ty tài chính vì nhu cầu rất lớn. Nhiều người phải đi vay tại các tiệm cầm đồ, thậm chí tìm đến cả tín dụng đen với lãi suất rất cao. Trong khi đó, hiện thị trường với 90 triệu dân nhưng chỉ có vài công ty công ty tài chính cho vay thôi và độ phủ sóng, mạng lưới, sản phẩm… còn hạn chế.
– Lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính cao hơn ngân hàng khiến nhiều người e ngại đi vay. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
– Với công ty tài chính, lãi suất sẽ không theo quy định của Bộ luật Dân sự được vì nếu áp dụng trần lãi suất cũ hay trần mới đều rất bất cập. Theo quy tắc của nền kinh tế thị trường, lãi suất vay tiêu dùng cần được dựa trên cơ chế thỏa thuận giữa bên đi vay và bên cho vay. Tuy nhiên, với một thị trường quá lớn mà mới chỉ có 6 công ty tài chính tiêu dùng cung cấp dịch vụ thì điều này dẫn tới mức lãi suất cho vay bị mất đi tính cạnh tranh. Cần phát triển thêm nhiều công ty tài chính hơn nữa thì lãi suất cho vay tiêu dùng sẽ tự dần điều chỉnh về mức hợp lý.
– Đâu là những sai sót thường gặp của người dân khi tiếp cận dịch vụ tín dụng tiêu dùng?
– Tự nguyện ký vào hợp đồng vay tín dụng tiêu dùng, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng đã đồng ý với tất cả các điều khoản trong hợp đồng, nhất là về thời hạn trả nợ lãi suất trong hạn cũng như quá hạn.
Khách hàng không đọc kỹ, không tìm hiểu vấn đề sẽ nghĩ mình bị lừa khi phải trả số nợ quá cao. Câu chữ viết trong hợp đồng rành rành, lãi suất, thời hạn, công tức tính toán, điều kiện rất rõ, nhưng người ta ít quan tâm và không đọc kỹ thì sẽ không hiểu. Đến lúc phải trả nợ gốc và lãi, nhất là phải áp dụng chế tài phạt trả chậm, tức áp mức lãi quá hạn, thì khách hàng mới giật mình tưởng rằng bị lừa.
Ngoài ra, cũng không loại trừ trường hợp câu chữ trong hợp đồng không thật sự rõ ràng, việc tư vấn, giải thích không đầy đủ, nên khách hàng không hiểu được hoặc hiểu nhầm nên cũng có cảm giác như bị lừa. Điều này thường hay xảy ra đối với phương thức cho vay tính lãi cố định trên dư nợ ban đầu.
Ví dụ, vay 10 triệu trong một năm, lãi 5% một tháng, số nợ gốc chỉ còn một triệu đồng nhưng vẫn phải trả lãi 500.000 đồng một tháng, tức lên đến 50% một tháng. Điều này khác xa so với trả lãi theo số dư thực tế, khi dư nợ chỉ còn một triệu thì chỉ phải trả 50.000 đồng, tức vẫn 5% một tháng.
– Ông có lưu ý gì cho người dân khi tiếp cận dịch vụ tín dụng tiêu dùng?
– Trước khi đặt bút ký hợp đồng, người vay cần cân nhắc kỹ khả năng trả nợ của mình. Nếu vi phạm hợp đồng, các công ty tài chính phải xử lý theo đúng pháp luật và thỏa thuận trong hợp đồng. Theo pháp luật, có thể cho vay với lãi suất 50-70% một năm hay bao nhiêu cũng được. Những chế tài khác như là đôn đốc, thúc giục, kiện ra tòa, xử lý tài sản… đều được pháp luật cho phép.
Các công ty tài chính phải ráo riết, phải làm mạnh nhằm thu hồi vốn để bảo đảm an toàn vốn và hiệu quả kinh doanh, chứ không thể châm chước, ưu ái cho khách hàng. Cho vay sản xuất kinh doanh thì lãi suất thấp, còn được xem xét nhiều yếu tố để gia hạn, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, rồi miễn giảm lãi… Còn cho vay tiêu dùng thì gần như không có khái niệm đấy, cho nên đã không trả nợ thì thường bị áp chế tài rất nặng và rất nhanh, ít có độ trễ như cho vay sản xuất kinh doanh. Chậm trả nợ trong cho vay tiêu dùng thì lãi tăng thêm rất nhanh, chẳng mấy chốc mà lãi nhiều hơn gốc.
– Để phát triển thị trường tài chính tiêu dùng, theo luật sư, cần có một hành lang pháp lý như thế nào đối với các công ty tài chính?
– Về lâu dài, cần xem xét loại công ty tài chính ra khỏi Luật Các tổ chức tín dụng, để không phải áp dụng các điều kiện, chế tài ngặt nghèo như đối với các tổ chức dụng. Trước mắt cần phải có quy định riêng về cho vay tiêu dùng, tách ra khỏi quy định chung về cho vay ngân hàng với nhiều nội dung khác biệt, trong đó có mức lãi suất.
Minh Trí
—————————————————
Vnexpress (Kinh doanh) 16-12-2015:
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/ebank/ngan-hang/can-trong-khi-vay-tieu-dung-3328358.html
(1.042/1.042)