925. Sáng tạo game – có phạm tội hình sự?

(NLM) – Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016. Trong đó có Điều 292 quy định chế tài xử lý về hình sự đối với tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
Đã có luồng dư luận cho rằng, nếu điều luật này có hiệu lực thì những nhà sáng tạo game trẻ như kiểu Nguyễn Hà Đông với trò chơi trên điện thoại thông minh nổi tiếng toàn cầu Flappy Bird từng được tải 2-3 triệu lượt mỗi ngày, rất có thể bị xử lý hình sự (!). Thậm chí có người còn ngoa ngoắt cho rằng, điều luật này là “cơn ác mộng của giới star up Việt”.

Tác giả game Flappy Bird có thể bị xử lý?

Khoản 1 Điều 292 Bộ Luật Hình sự sửa đổi quy định, 6 dịch vụ sau đây trên mạng máy tính, mạng viễn thông không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc có doanh thu từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm bao gồm:

a. Kinh doanh vàng trên tài khoản;

b. Sàn giao dịch thương mại điện tử;

c. Kinh doanh đa cấp;

d. Trung gian thanh toán;

đ. Trò chơi điện tử trên mạng;

e. Các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Hà Đông, cha đẻ của game Flappy Bird nổi tiếng toàn cầu

Khoản 3, khoản 4 điều luật này còn quy định, phạm tội trong trường hợp thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên hoặc có doanh thu 5.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù 2-5 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Chế tài xử lý có phần mạnh tay của điều luật này khiến một số người trong cộng đồng thông tin lo ngại. Họ cho rằng, phần lớn những người khởi nghiệp (star up) tại Việt Nam (và không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới cũng vậy) đều tập trung vào công nghệ thông tin và cung cấp các sản phẩm dịch vụ kỹ thuật số trên mạng máy tính và mạng viễn thông.

Lấy trường hợp Nguyễn Hà Đông, cha đẻ của game Flappy Bird nổi tiếng toàn cầu với lợi nhuận thu được tới 50.000USD /ngày làm ví dụ, thì theo cách hiểu của họ, người viết game nổi danh này có thể bị truy cứu hình sự. Từ cách hiểu đó, họ lo ngại, Điều 292 sẽ hình sự hóa hầu hết những gì mà đa số start up, doanh nhân trẻ, hay những nhà lập trình tài năng của đất nước sáng tạo. Họ cho rằng, điều đó sẽ dẫn đến hậu quả, các star up sẽ không chọn khởi nghiệp tại Việt Nam mà chọn các quốc gia khác, nơi mà họ không còn nghi ngại rằng sẽ có thể bị xử lý hình sự.

Quan ngại không có cơ sở

Phân tích Điều 292 cho thấy, những quan ngại trên là không có cơ sở. Điều luật này quy định về xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động cung cấp dịch vụ trên mạng máy tính, mạng viễn thông. Đây là một lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam và thực tế những năm gần đây đã cho thấy khá phức tạp. Việc điều chỉnh pháp luật đối với quan hệ này là cần thiết và có tác động răn đe, phòng ngừa tội phạm trong môi trường mạng, một môi trường ảo nhưng hậu quả xấu (nếu có) là thật và rất nghiêm trọng, xâm hại đến lợi ích của nhiều người.

Đối tượng xử lý hình sự được quy định trong Điều 292 là người cung cấp một số dịch vụ đặc biệt trên mạng máy tính, mạng viễn thông không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép. Và xin lưu ý là chỉ một số loại dịch vụ đặc biệt cần sự quản lý của Nhà nước như kinh doanh vàng trên tài khoản, sàn giao dịch thương mại điện tử, kinh doanh đa cấp…

Trên thực tế, rất nhiều người đã khuynh gia bại sản bởi mắc bẫy lừa đảo của các dịch vụ này trên mạng. Những trang bán hàng online, những sàn giao dịch điện tử mọc ra tràn lan trên mạng, không được cấp phép, không ai quản lý đã như những chiếc bẫy giăng mắc tròng người tiêu dùng. Người mua hàng online đã từng bị ăn nhiều trái đắng khi nghe quảng cáo trên các trang bán hàng, như mua cục nam châm cai thuốc lá, mua máy kẹp nâng mũi, hay mua máy chữa cận thị…

Tất cả được rao bán trên mạng với những lời comment (bình luận) khen lợi hết lời của người dùng với sản phẩm do chính các đối tượng bán hàng bịa ra rồi dùng công nghệ thông tin để đẩy lên trang web đánh vào tâm lý đám đông của người tiêu dùng. Nhưng khi mua, nhận hàng, người mua mới biết là hàng giả được bán với giá cắt cổ. Song, họ không thể tìm được người bán hàng vì mạng là mạng ảo và trang bán hàng đó là trang không được cấp phép nên người bán cũng là “người ảo”, biết chân trời góc bể nào mà tìm.

Đau đớn hơn là những sàn vàng ảo do các đối tượng lập ra trên mạng, không được cấp phép. Người dân tin vào những lời quảng cáo đường mật “làm giàu không khó” trên mạng nên đã tham gia chơi. Tất cả đều diễn ra trên không gian mạng và động tác tham gia kinh doanh duy nhất và cũng đơn giản nhất là click chuột.

Có những sàn vàng ảo lừa tới hàng trăm tỉ đồng và chỉ đến khi bị công an phát hiện người chơi mới biết, mỗi cú click chuột, họ đã chuyển hàng tỉ đồng vào túi chủ sàn. Chủ sàn ung dung ngồi thu mà không có bất cứ một hoạt động kinh doanh nào với sàn vàng trên thế giới như họ quảng cáo.

Hậu quả của những vi phạm trong lĩnh vực cung cấp trái phép dịch vụ trên mạng máy tính, viễn thông là rất nghiêm trọng, bởi thế việc xiết chặt quản lý bằng luật pháp là cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích xã hội, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Riêng đối với dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, người sáng tạo trò chơi (người viết game) như Nguyễn Hà Đông cũng không phải là đối tượng bị xử lý theo Điều 292. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI phân tích, nếu một người viết game như Nguyễn Hà Đông mà lập ra công ty để kinh doanh và đưa sản phẩm đó lên cung cấp dịch vụ thì anh ta mới là đối tượng điều chỉnh của Điều 292, tức là phải xin giấy phép.

Còn nếu anh ta chỉ viết phần mềm game và đưa lên các trang web để các đơn vị khác khai thác thì anh ta không phải là người kinh doanh mà chỉ giống như các nhà soạn nhạc, nhà văn… chỉ phải nộp thuế thu nhập cá nhân và các nghĩa vụ khác về quyền tác giả.

Có nghĩa là, chỉ có các cá nhân (hoặc đơn vị) sử dụng các ứng dụng game của Nguyễn Hà Đông vào mục đích kinh doanh thì mới phải xin phép và nếu không xin phép là phạm luật!

Song Thi

——————————–

Năng lượng mới (Pháp luật) 25-6-2016:

http://petrotimes.vn/sang-tao-game-co-pham-toi-hinh-su-440241.html

(155/1.377)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,917