(KD&PL) – Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật thì phải thông báo công khai ít nhất 5 ngày liền trên báo ngày hoặc đài phát thanh, truyền hình tại địa phương mà hàng hóa đó được lưu thông. Tuy nhiên, đến nay URC vẫn chưa có thông báo nào trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
URC đã thu hồi nhưng chưa thông báo
URC vẫn chưa có thông báo chính thức về sản phẩm nhiễm chì trên phương tiện truyền thông đại chúng
Điều 22, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: “Khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật trên thị trường; Thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó ít nhất 5 số liên tiếp trên báo ngày hoặc 5 ngày liên tiếp trên đài phát thanh, truyền hình tại địa phương mà hàng hóa đó được lưu thông”.
Nội dung thông báo phải mô tả: Lý do thu hồi hàng hóa và cảnh báo nguy cơ thiệt hại do khuyết tật của hàng hóa gây ra; Thời gian, địa điểm, phương thức thu hồi hàng hóa; Thời gian, phương thức khắc phục khuyết tật của hàng hóa; Các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình thu hồi hàng hóa.
Tuy nhiên, kể từ khi 2 lô sản phẩm C2 và Rồng đỏ nhiễm chì bị phát hiện, thu hồi và tiêu hủy đến nay, Công ty TNHH URC Hà Nội (Khu công nghiệp Thạch Thất– Hà Nội) chưa có thông báo nào trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trao đổi với PV về việc sao chưa có thông báo chính thức trên các phương tiện truyền thông đại chúng, bà Nguyễn Thiên Hương, phụ trách truyền thông của Công ty URC Việt Nam cho biết: Mọi việc vẫn được công ty thực hiện theo quy định của pháp luật. “Chúng tôi sẽ báo cáo với lãnh đạo công ty về vấn đề trên và sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN cho rằng: “Quy định pháp luật đã rõ ràng nhưng phía đơn vị sản xuất không thực hiện thông báo là sai. Mặc dù, các phương tiện truyền thông đại chúng đã thông tin rất nhiều về vụ, nhưng vẫn phải có thông tin chính thức từ phía đơn vị sản xuất để người tiêu dùng được biết”.
Có thể khởi kiện nhưng không khả thi
Dưới góc độ pháp lý, người tiêu dùng hoàn toàn có thể khởi kiện URC
Cũng theo ông Hùng, điều ông quan tâm và lo lắng nhất trong vụ việc này là quyền lợi của người tiêu dùng. “Mặc dù đã có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng quy định hiện nay vẫn rất chung chung. Người tiêu dùng muốn được đền bù thiệt hại thì phải chứng minh thiệt hại đến đâu. Ngoài ra, người tiêu dùng Việt mua sản phẩm chẳng mấy khi lấy hóa đơn chứng từ. Mỗi lần mua cũng chỉ mua số lượng ít, mua lẻ và hiện đã sử dụng hết, việc đánh giá ảnh hưởng với sức khỏe từng người là khó khăn. Tôi cho rằng việc bồi thường cho từng người là không khả thi”.
Đồng quan điểm với ông Hùng, Luật sư Trương Thanh Đức – Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật Thiên Thanh tại Hà Nội đều cho rằng dưới góc độ pháp lý, đối với sản phẩm nhiễm chì mà người tiêu dùng đã sử dụng, người tiêu dùng hoàn toàn có thể khởi kiện công ty URC để đòi quyền lợi của mình. Tuy nhiên, hai luật sư này cũng chia sẻ thêm là việc khởi kiện khó khả thi bởi hầu hết người tiêu dùng khi mua sản phẩm C2 và Rồng đỏ đều không có hóa đơn.
Dung Nguyễn (Theo PNVN, ANTT&TT)
—————————-
Kinh doanh & Pháp luật (Tiêu dùng) 27-6-2016:
(110/761)