928. Cải cách toàn diện về điều kiện kinh doanh: Quyết tâm cởi trói cho doanh nghiệp

(TT) – Chính phủ đang khẩn trương họp với các bộ, ngành về rà soát bãi bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh không cần thiết ở các thông tư của các bộ, ngành để thống nhất ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trước ngày 1/7/2016.

Việc rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh lần này là cơ hội chưa từng có để tiếp tục hoàn thiện một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch với người dân và doanh nghiệp.

Có khoảng 5.826 điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng đối với 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư. Trong số này có gần 3.000 điều kiện đang được quy định tại các văn bản không đúng thẩm quyền.

Điều kiện kinh doanh bủa vây 

Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có kiến nghị bãi bỏ điều 1, Thông tư 20 (2011) của Bộ Công Thương quy định thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải có giấy ủy quyền của chính hãng sản xuất. Theo VCCI, điều này không hợp lý, bởi đây là một điều kiện kinh doanh không mang lại lợi ích nào từ góc độ quản lý mà lại gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp (DN). “Quy định này khiến nhiều thương nhân nhập khẩu không có ủy quyền chính hãng phải mua qua một khâu trung gian là các thương nhân có ủy quyền, vừa làm méo mó cạnh tranh, vừa khiến người tiêu dùng phải trả giá cao hơn. Từ khi quy định này ra đời, hàng loạt các DN kinh doanh ô tô nhập khẩu phải đóng cửa hoặc lâm vào tình trạng khó khăn”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI đánh giá.

VCCI đề nghị bãi bỏ Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Ảnh: Mạnh Linh – TTXVN

Ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và dịch vụ Đông Tùng, một DN kinh doanh gas tại tỉnh Hà Giang cho biết, DN của ông và nhiều DN khác lại đang bị gây khó khăn bởi Nghị định 19/NQ – CP quy định lĩnh vực kinh doanh khí, mỗi công ty phân phối gas phải có đủ 100.000 bình gas loại 12 kg và bồn chứa tối thiểu 300 m3. Theo ông Tùng, với yêu cầu về số lượng tối thiểu cơ sở vật chất mà thương nhân phân phối khí phải đáp ứng thì theo tính toán lượng tiêu thụ của một thương nhân sẽ là 300 tấn/tháng. “Đối với những tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, dân số ít, thì sản lượng tiêu thụ dự tính từ phía cơ quan nhà nước khi đặt ra điều kiện kinh doanh gas như vậy là không phù hợp với thực tiễn”, ông Tùng nói.

Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều ví dụ về việc DN đang gánh chịu những điều kiện kinh doanh bất hợp lý. Theo công bố chính thức của VCCI, hiện có gần 6.000 điều kiện kinh doanh đang bủa vây DN. Trong số này có rất nhiều điều kiện kinh doanh cần xóa bỏ để tạo điều kiện cho DN phát triển

Loại bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý

Luật sư Trương Thanh Đức, thành viên Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cho rằng, cần xem lại sự cần thiết đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện hiện nay như: Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, nhượng quyền thương mại, dịch vụ tổ chức dạy thêm học thêm, kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô, kinh doanh ngư cụ và trang thiết bị khai thác thủy sản, kinh doanh thủy sản, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng động vật hoang dã thông thường, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi, kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy… VCCI trong các cuộc rà soát gần đây cũng khẳng định có tới 30/267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Luật Đầu tư cần được loại bỏ.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, rất nhiều nghề kinh doanh được liệt kê cần được loại bỏ bởi nhiều lý do: Thứ nhất: Tất cả các ngành, nghề nói trên đều không thấy rõ điều kiện kinh doanh “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” theo quy định của Luật Đầu tư. Thứ hai, nhiều quy định về điều kiện kinh doanh có sự nhầm lẫn giữa điều kiện kinh doanh và tiêu chuẩn kỹ thuật. Ví dụ, khi đã có quy định về việc bảo đảm “quy chuẩn kỹ thuật” đối với sản xuất mũ bảo hiểm thì không cần đưa “Kinh doanh mũ bảo hiểm” vào điều kiện kinh doanh có điều kiện nữa. Thứ ba, rất nhiều quy định về điều kiện kinh doanh vi phạm quyền tự quyết của DN về sản xuất kinh doanh. Ví dụ, quy định các DN kinh doanh gas đáp ứng yêu cầu dự trữ tối thiểu 15 ngày cho khách hàng. Đây là mục tiêu chưa phù hợp, bởi đây thuộc về yếu tố do thị trường điều chỉnh, và thương nhân sẽ phải tự tìm hiểu nhu cầu của thị trường để xác định nguồn cung phù hợp, đảm bảo hệ thống hoạt động liên tục, Nhà nước không cần thiết phải can thiệp vào yếu tố vốn dĩ do thị trường điều chỉnh.

Với gần 6.000 điều kiện kinh doanh, trong đó có tới một nửa sẽ không còn căn cứ pháp lý để tồn tại sau ngày 1/7 tới, đã có những ý kiến đề nghị Chính phủ xin lùi thời hạn đến sau ngày 1/7/2016, vẫn tiếp tục áp dụng các thông tư để có thêm thời gian xây dựng nghị định. Tuy nhiên, với tinh thần quy chuẩn hóa một Chính phủ kiến tạo, phát triển và phục vụ DN, phục vụ nhân dân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu bằng mọi biện pháp phải hoàn thành công việc này trước ngày 1/7.

Mặc dù khối lượng công việc rất lớn, song, chỉ đạo công tác này, Thủ tướng vẫn đặt yêu cầu cao nhất cho mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN, giải phóng sức sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Người đứng đầu Chính phủ cũng đã định hướng việc ban hành các văn bản hướng dẫn này phải gỡ bỏ được “rào cản” đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, kiên quyết không để tình trạng lợi ích nhóm chi phối chính sách. Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhiều lần chỉ đạo các bộ, ngành phải đảm bảo chất lượng các văn bản luật, không chạy theo số lượng. “Văn bản nào sau này ban hành mà có sai sót, phải sửa đổi thì Bộ trưởng chủ trì phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ thị.

Thu Hường

——————————

Tin tức (Kinh tế) 29-6-2016:

http://baotintuc.vn/kinh-te/quyet-tam-coi-troi-cho-doanh-nghiep-20160628222132207.htm

(393/1.282)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,601